Rước lo âu, bệnh tật vì tin vào “bác sĩ online”

24/09/2024 - 05:56

PNO - Nhiều người đang có thói quen nguy hiểm là khi cảm thấy không được khỏe, liền tìm “bác sĩ online” trên mạng xã hội nhờ... khám bệnh thay vì đi bệnh viện. Điều này vừa làm bệnh nhân thêm lo âu bởi cách chẩn đoán “trên trời”, vừa vô tình làm chậm trễ việc điều trị bệnh.

Viết di chúc sau khi được "bác sĩ online" chẩn đoán

Thường xuyên đau đầu, chóng mặt, chị T.V.T. - 37 tuổi, ở quận Bình Thạnh, TPHCM - đi khám bác sĩ tư nhân, được chẩn đoán rối loạn tiền đình và cho thuốc về uống. Sau khi uống thuốc, chị thấy bệnh tình thuyên giảm nhưng không khỏi hẳn nên đi hỏi bác sĩ trên... mạng.

“Bác sĩ mạng” đã phân tích, chẩn đoán chị có đến… vài chục bệnh. Nhẹ là cơ thể thiếu chất, suy nhược; nặng là thiếu máu, huyết áp thấp, rối loạn tiền đình, xơ vữa động mạch máu dẫn lên não… khiến chị rất sợ hãi.

Bác sĩ Lý Đức Kiệt thăm khám, tư vấn cho người bệnh
Bác sĩ Lý Đức Kiệt thăm khám, tư vấn cho người bệnh

Chị T. chia sẻ: “Bác sĩ trên mạng tư vấn ngoài đau đầu, chóng mặt, nếu dị dạng mạch máu hay u não thì sẽ còn buồn nôn, người mệt mỏi như không có sức, khó thở… nên tôi nghĩ mình bị 1 trong 2 bệnh này. Cả 2 bệnh đều nặng, khó chữa nên tôi quyết định viết di chúc lại cho chồng con”.

Không muốn gia đình biết mình đang bị… bệnh nan y, chị T. âm thầm chịu đựng. Thấy chị ít nói, chán ăn, không còn trang điểm, vui vẻ như trước, chồng chị nhiều lần hỏi han, nhưng chị càng cáu gắt. Cho đến khi chồng chị phát hiện tờ di chúc liền chở vợ đến Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM khám. Kết quả là chị chỉ bị rối loạn tiền đình, thoái hóa đốt sống cổ và rối loạn lo âu vì sợ bệnh; chỉ cần tập vật lý trị liệu, nghỉ ngơi, ngủ đủ giấc.

Hiện trên mạng xã hội có vô số “hội nhóm bác sĩ online”. Chỉ cần một người vào trang “bác sĩ online” hỏi về cách điều trị mỡ máu cao, gan nhiễm mỡ, lập tức nhận được rất nhiều hướng dẫn uống thuốc nam, thải độc đại tràng, uống thực phẩm chức năng… Có “bác sĩ” khẳng định phương pháp điều trị của họ đảm bảo khỏi bệnh 100%.

Một tài khoản ẩn danh đã đăng phác đồ điều trị ung thư đại tràng của người thân lên các hội nhóm để nhờ tư vấn. Người này cho biết bệnh nhân đã phẫu thuật xử lý triệt căn tế bào ung thư, có phác đồ điều trị tiếp theo nhưng để yên tâm là đang điều trị đúng cách nên hỏi thăm có ai có phác đồ điều trị giống người nhà mình không.

Liền sau đó, các “bác sĩ mạng” khẳng định “ung thư đã nằm trong máu, cắt đi vẫn bị lại và di căn nên liên hệ mình có thuốc hạn chế bị lại”. Một người khác nhấn mạnh nên dùng thuốc đông y vì chỉ có thảo dược mới chữa khỏi, còn y học hiện đại chỉ truyền hóa chất, càng bệnh nhiều hơn. “Bác sĩ” này không quên nhắc “hãy liên hệ tôi để mua thuốc gia truyền”.

Sai nhiều hơn đúng

Bác sĩ chuyên khoa 1 Lý Đức Kiệt - Phó khoa điều hành Khoa Ngoại - Phụ, Bệnh viện Y học cổ truyền TPHCM - cho biết, việc nhiều bệnh nhân - nhất là người mắc bệnh mạn tính - thường lên mạng tìm hiểu về triệu chứng bệnh đang gặp phải, nhờ tư vấn... cho thấy người bệnh đã chủ động, quan tâm hơn đến việc chăm sóc sức khỏe. Tuy nhiên, trên mạng đang có không ít trường hợp giả danh bệnh viện, bác sĩ “khám bệnh online”.

“Cho đến nay, không bài thuốc lan truyền trên mạng nào được bác sĩ khuyên dùng. Bởi gần như tất cả bài thuốc đều chứa lượng lớn chất corticoid, giảm đau và không đúng với cơ địa của người bệnh” - bác sĩ Lý Đức Kiệt khẳng định. Đã có không ít trường hợp “bác sĩ online” chẩn đoán bệnh nặng khiến người bệnh lo lắng, tìm thuốc gia truyền, “thuốc tiên trị bá bệnh”… sử dụng. Đến khi gặp tai biến, tác dụng phụ, vào bệnh viện khám thì hóa ra chỉ mắc bệnh thông thường.

Bác sĩ Lý Đức Kiệt cho biết, dù người bệnh điều trị bệnh theo tây y hay đông y, bác sĩ đều sẽ khám, bắt mạch rất kỹ trước khi chẩn đoán bệnh, bởi rất nhiều bệnh có những triệu chứng tương tự nhau. Như chỉ với triệu chứng mất ngủ, trong đông y có đến hơn 10 thể khác nhau. Vì vậy, người bệnh nên đến bệnh viện khám, nói ra lo lắng, nghi ngờ bệnh của mình với bác sĩ, từ đó yên tâm điều trị.

Chưa kể, với người đang có bệnh nền, bệnh mạn tính, dị ứng thuốc… bác sĩ sẽ khám, chữa bệnh theo từng trường hợp cụ thể. Không bác sĩ nào chỉ dùng 1 bài thuốc mà chữa đại trà cho bệnh nhân. Người bệnh đừng cả tin, uống các bài thuốc trên mạng không chỉ tốn kém, bệnh nặng hơn, mà còn vô tình làm mất đi “thời gian vàng” trong điều trị.

Nếu có nhu cầu tìm hiểu về các vấn đề sức khỏe của mình, người bệnh nên truy cập vào các trang mạng uy tín. Hầu hết bệnh viện đều có trang tin, kênh cung cấp thông tin sức khỏe, hỏi đáp bác sĩ. Nếu vào các trang thấy nội dung rao bán thuốc, thực phẩm chức năng với cam kết, đảm bảo chữa triệt căn, tận gốc… thì đó là các trang không uy tín, không nên tin tưởng.

Trong trường hợp muốn sử dụng thêm thuốc, thực phẩm chức năng, khi đi khám bệnh hãy mang các bài thuốc, đơn thuốc này theo để bác sĩ xem và tư vấn liều phù hợp. Bệnh nhân cần tránh việc vừa uống thuốc bệnh viện, vừa uống thuốc bên ngoài sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch điều trị.

Một số bệnh nhân cho biết khi uống theo các bài thuốc trên mạng thấy hiệu quả, đỡ mệt, đỡ bệnh. Về các trường hợp này, bác sĩ Lý Đức Kiệt cho biết mỗi người đều có cơ địa, sức khỏe, thể hàn, thể nóng khác nhau. Có thể bệnh thuyên giảm nhờ ngẫu nhiên, bài thuốc đang uống có thành phần phù hợp với bệnh hoặc có thể là nhờ thuốc điều trị của bác sĩ trước đó. Việc giảm triệu chứng không có nghĩa là hết bệnh.

Đã từng có bệnh nhân uống thuốc gia truyền trên mạng dẫn đến suy thận, suy gan. Phổ biến nhất trên mạng là những bài thuốc được quảng cáo là “thần dược”, trị tất cả bệnh đau khớp. Khi xem lại, các bác sĩ phát hiện trong thuốc có corticoid, vì vậy khi vừa uống vào, người bệnh cảm thấy đỡ hẳn đau nhức, tuy nhiên không phải bệnh khớp nào cũng dùng chất này.

Nếu uống đại trà, không điều chỉnh liều lượng trong thời gian dài, người bệnh sẽ gặp hội chứng Cushing, đái tháo đường, loãng xương… Nặng hơn là có thể tử vong bởi phản ứng cấp tính, nhất là với người đang chạy thận nhân tạo, tim mạch, dị ứng thuốc…

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI