Ruốc làm từ... giun quế

14/12/2015 - 07:55

PNO - Món ăn có thành phần khiến người nghe phải giật mình, thậm chí "kinh hãi" song lại là sản phẩm được đánh giá có hương vị thơm ngon, bổ dưỡng...

Ngoài món ruốc (chà bông) làm từ thịt heo như thông thường, một số cửa hàng thực phẩm ở Hà Nội hiện đang bán một sản phẩm với cái tên khá lạ: “ruốc địa long” hay còn gọi là “ruốc trùn quế”.

Nhân viên của một cửa hàng thực phẩm sạch có địa chỉ tại Từ Liêm (Hà Nội) lý giải: “Gọi là ruốc địa long cho đỡ… ghê, thực chất, món ăn này được chế biến từ hai thành phần chính là thịt lợn và… giun quế”. Với mức giá từ 450.000 - 550.000đ/kg, ruốc giun quế được nhân viên cửa hàng này giới thiệu là sản phẩm giàu dinh dưỡng, đặc biệt trị chứng biếng ăn của trẻ nhỏ.

Có mức giá không hề rẻ, song muốn mua “ruốc địa long”, khách hàng thường phải đặt trước cả tháng. Chị Thùy Dung (Hoàng Mai, Hà Nội) cả tuần qua tìm khắp các cửa hàng thực phẩm sạch tại Hà Nội để mua sản phẩm này song đều nhận được câu trả lời: phải chờ! “Hồi đầu, chỉ nghe tên thôi đã có cảm giác... muốn ói. Không thể nghĩ con người lại có thể ăn được loại sinh vật như vậy. Nhưng về sau, nghe nói ruốc này trị được chứng biếng ăn của trẻ nên tôi “đánh liều” mua thử”, chị Dung chia sẻ.

Khác với suy nghĩ ban đầu của chị Dung, ruốc từ giun quế không “ghê” như chị tưởng mà cũng vàng, thơm như các loại ruốc thông thường. “Khi nhấm nháp, ruốc có cảm giác ngọt và lợ như cho hạt nêm, mì chính”, chị Dung nói.

Ruoc lam tu... giun que
Nhìn bên ngoài, khó có thể phân biệt ruốc làm từ giun và ruốc heo thông thường

Theo bà Nguyễn Thị Liên, chủ trang trại nuôi giun quế tại Sóc Sơn, thực chất, thành phần chính của ruốc vẫn là thịt lợn, chỉ có 20% là giun quế: “Trong cơ thể con giun quế có chứa 12- 14% chất đường nên nếu chế biến đồ ăn hoàn toàn từ giun thì có cảm giác ngọt khé cổ. Với tỷ lệ trộn hiện nay, món ruốc cho cảm giác vừa miệng, mang mùi thơm của thịt lợn, lại có vị ngọt tự nhiên của giun”.

Bà Liên cũng cho hay, hiện nay giun quế được nuôi khá phổ biến nhưng không phải con giun nào cũng làm được ruốc. “Nếu nói về thức ăn của con giun quế thông thường, loại dành làm thức ăn nuôi heo thì… không ai dám sử dụng, vì chúng chủ yếu ăn các chất thải từ trâu, bò. Trong khi đó, thức ăn cho con giun nuôi để làm ruốc thì trộn cám với rau sạch như cháo dinh dưỡng cho em bé vậy”, bà Liên nói. Trước khi chế biến, giun quế phải được làm sạch bằng kỹ thuật riêng, rồi mới cho vào xay nát. Sau đó, phần giun này được trộn cùng thịt lợn và rim với các loại gia vị.

“Do việc nuôi và sơ chế giun cầu kỳ nên hầu hết các cơ sở chế biến chỉ làm theo đơn đặt hàng. Hơn nữa, ruốc làm từ giun quế có thời hạn sử dụng ngắn, chỉ trong một tuần nên khó bảo quản nếu chế biến sẵn”, bà Liên lý giải.

Nói về loại ruốc “chỉ nghe đã thấy hoảng”, bà Liên cười: “Thời gian đầu, tôi là người nuôi còn có cảm giác sợ chứ đừng nói đến khách hàng. Tuy nhiên, con vật này là loài giun duy nhất không sống ký sinh trên cơ thể động vật nên mọi người có thể yên tâm”.

Không chỉ làm ruốc, tại trang trại của mình, bà Liên còn chế biến chả giun, rượu giun, cho giun vào canh để thay vị ngọt của mì chính… Khảo sát trên thị trường, giun quế đang là sinh vật được nuôi khá phổ biến ở nhiều địa phương như Hà Nội, Hòa Bình, Đà Lạt, Quảng Ngãi… Tuy nhiên, việc chế biến giun thành thực phẩm cho con người còn ít được biết đến, giun chủ yếu được nuôi để làm thức ăn cho heo và thu hoạch phân bón.

Bác sĩ Phùng Đình Khánh - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Ninh Bình cho biết, giun quế hay còn gọi là “địa long” không phải là loại sinh vật xa lạ với nhiều người dân ở vùng nông thôn Việt Nam. Giun quế thường sống ở những bãi cỏ tranh, ăn các chất uế thải và được sử dụng trong nhiều bài thuốc Đông y. “Giun quế là loại bổ âm nên có thể trị được chứng biếng ăn của trẻ. Bên cạnh đó, giun quế sấy khô còn được sử dụng cùng một loại thuốc đặc trị khác để chữa chứng tai biến mạch máu não của người già”, ông Khánh phân tích.

Vị thầy thuốc này cũng lưu ý, khi sử dụng làm thực phẩm cho con người thì các khâu chế biến giun quế phải thật sự đảm bảo vệ sinh để người dùng không bị nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, cách làm sạch giun không hề đơn giản mà phải dùng kim châm hai đầu để chúng xả hết chất thải. Nếu dùng nước mạnh để xả, các dịch nhầy tiết ra ở giun sẽ mất và không còn các tác dụng điều trị bệnh.

H. Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI