Tháo khớp, tái tạo dây chằng vì đôi giày
Mới đây, Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược (ĐHYD) TP.HCM tiếp nhận một nữ bệnh nhân tên T.T.N., 27 tuổi, nhân viên văn phòng. Bệnh nhân thấp bé nên thường xuyên mang giày cao gót. Lúc nhập viện, N. rất đau đớn, cổ chân sưng do bị trẹo mắt cá chân phải.
Kết quả chụp MRI cho thấy, dây chằng bên ngoài khớp cổ chân phải của bệnh nhân bị tổn thương nặng. N. phải nhập viện phẫu thuật tái tạo lại dây chằng, sau đó tập vật lý trị liệu liên tục trong sáu tháng mới có thể phục hồi. Bác sĩ cũng đề nghị N. không được mang giày cao gót nữa, để tránh tái phát.
Bệnh nhân tâm sự, đó không phải là lần đầu đi giày cao gót bị trật chân. Trong một năm qua, cô gái này đã bị trật chân khoảng năm-bảy lần, nhưng không quá nặng nên vẫn chịu được. Tới lần này, tình trạng quá nghiêm trọng, cô đành đến BV khám chữa.
Theo thạc sĩ - BS Nguyễn Đức Thành, phụ trách khoa Vật lý trị liệu và phục hồi chức năng - BV ĐHYD TP.HCM, người Việt Nam chưa có ý thức và hiểu biết nhiều về tầm quan trọng của việc mang giày phù hợp. Thậm chí, nhiều người bị những tổn thương do đôi giày gây ra trong thời gian dài nhưng không quan tâm, đến khi bệnh tình trầm trọng mới chịu đi khám. BS Thành nhận định: “Đi giày cao gót bị trật chân sẽ rất dễ tái phát, do dây chằng ở cổ chân dãn ra khiến cổ chân lúc bước không được vững”.
BS Thành kể thêm một trường hợp mang họa từ đôi giày, là ông N.V.Đ., 53 tuổi, ngụ tại Q.Tân Bình, TP.HCM. Ông Đ. mắc bệnh tiểu đường nhưng lại thiếu quan tâm tới đôi giày của mình; chân bị tì đè gây viêm loét nhưng bệnh nhân không đi khám mà chỉ ra trạm y tế phường để sát trùng, thay băng. Mãi tới khi vết hoại tử ăn sâu, lan ra, bệnh nhân mới tới BV.
“Lúc kiểm tra, tôi phát hiện bệnh nhân mang giày rất chật so với kích thước của bàn chân. Thế nhưng, bệnh nhân vẫn cố chịu đựng, không đổi giày vì cho rằng từ trước tới nay mình vẫn đi cỡ giày như thế. Ngón chân phải của bệnh nhân tím, chảy mủ, hoại tử. Rất tiếc, với trường hợp này, chúng tôi phải tháo bỏ khớp ngón chân” - BS Thành kể.
|
BS Thành đang tái khám cho một nữ bệnh nhân bị trật cổ bàn chân do mang giày cao gót |
Rước họa từ quan niệm sai lầm
Theo BS Thành, chúng ta có những quan niệm rất sai lầm về việc mang giày. Trước tiên, một số bà mẹ khi mua giày cho trẻ thường cố tình mua rộng một chút để trừ hao do trẻ mau lớn. Đi một đôi giày quá rộng dễ khiến trẻ vấp té, khó khăn trong hoạt động. Cũng có phụ huynh thấy giày đã chật nhưng tiếc, chưa thay giày cho con vì đôi giày hãy còn tốt, vô tình gây ảnh hưởng tới sự phát triển xương bàn chân của trẻ.
Ở người lớn cũng vậy, một đôi giày không phù hợp gây ra nhiều hệ lụy và bệnh lý nghiêm trọng. Phụ nữ rất thích giày cao gót bởi chúng giúp tăng chiều cao và tạo sự uyển chuyển, điệu đà lúc bước đi. Tuy nhiên, khi mang giày cao gót, bàn chân sẽ bị chúi về phía trước thay vì vuông góc với mặt đất; từ đó, người mang giày dễ bị chấn thương do trẹo mắt cá, thậm chí làm tổn thương dây chằng và khớp cổ chân.
Giày cao gót khiến lực phân bố lên bàn chân không đồng đều, cơ phía sau cổ chân co nhiều, cơ phía trước lại dãn ra, lâu ngày gân cơ suy yếu, dễ bị viêm. Nếu không điều trị và thay đổi thói quen đi giày cao gót, bệnh nhân có nguy cơ bị thoái hóa khớp cổ chân, bàn chân, đau đớn, hạn chế việc đi lại.
Mang một đôi giày quá rộng thì dễ vấp ngã, chấn thương cổ chân, nhưng mang một đôi giày quá chật còn nguy hại hơn nhiều. “Nhiều người nghĩ rằng khi mua giày nên lựa giày chật, lúc đi dãn dần ra là vừa. Nhưng, chờ tới lúc đôi giày dãn ra, bàn chân chúng ta đã bị tổn thương rồi. Lúc giày dãn là lúc phải thay giày mới đúng” - BS Thành lắc đầu khi nói về những quan niệm tai hại. Khi mang giày chật, tại những điểm chân tiếp xúc với giày sẽ hình thành các vết chai. Giày chật còn khiến người mang giày bị viêm gân, cơ cổ bàn chân, chèn ép dây thần kinh cổ bàn chân khiến chân bị tê bì, gây ra bệnh lý thoái hóa khớp cổ bàn chân.
Thế nào là đôi giày phù hợp?
Để chọn được đôi giày phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe, BS Thành khuyên nên mua giày vào cuối buổi chiều, vì sau một ngày hoạt động, các cơ bàn chân và mạch máu có khuynh hướng nở ra, bàn chân của ta sẽ to hơn lúc sáng sớm. Các bộ phận trên cơ thể con người không đối xứng, nên lúc thử giày, hãy thử chân thuận (thường là chân phải), vì bàn chân bên này thường to hơn bàn chân còn lại.
Một đôi giày vừa vặn là khi xỏ vào, đầu ngón chân cách mũi giày khoảng 5-7 mm. Kích thước bàn chân của chúng ta có thể thay đổi nên đừng mua mãi giày theo một cỡ, mà phải mua cỡ giày phù hợp với thời điểm hiện tại. Phụ nữ khi mang thai thì chân to ra, người ta càng lớn tuổi thì bàn chân càng bẹt ra, thậm chí sinh ra các chồi xương do thoái hóa. Với những người không muốn mất nhiều thời gian thử giày, hãy đặt bàn chân lên tờ giấy, cầm bút vẽ theo.
Khi ra tiệm, đặt đôi giày ướm lên bàn chân được vẽ trước đó, thấy đế giày nhỏ hơn thì khỏi mất công thử. Một số người có cấu tạo và kích thước hai bàn chân quá chênh lệch, hoặc chân quá nhỏ hay quá lớn, tốt nhất nên đặt đóng để có đôi giày phù hợp cho mình. Mọi người nhớ chọn một đôi giày vừa vặn và phải có lớp lót êm ái để tránh bị viêm cân gan chân (gây đau ở gót và mặt dưới các ngón chân).
Thanh Huyền
Mỗi ngày, BV ĐHYD TP.HCM khám khoảng 500 bệnh nhân liên quan tới chấn thương - chỉnh hình, trong đó có khoảng 50 trường hợp bị các bệnh lý về bàn chân, đa phần do mang giày dép không phù hợp. |