Rưng rưng với những chuyến về nhà trong đại dịch

27/02/2022 - 15:00

PNO - Cuộc thi viết "Về nhà" vừa khép lại, giải nhất thuộc về nhà thơ Minh Đan với tác phẩm "Chuyến về nhà của Huyền". Lễ trao giải diễn ra vào sáng 27/2.

Cuộc thi viết chủ đề Về nhà được chi nhánh miền Nam - nhà xuất bản Hội Nhà văn phối hợp với trang van.vn của Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức, phát động từ ngày 15/12/2021 và diễn ra đến ngày 25/1/2022. Cuộc thi được tổ chức ngay sau khi thành phố được trở lại trạng thái bình thường mới đã thu hút đông đảo tác giả trong và ngoài nước dự thi.

Theo chia sẻ của ban tổ chức, có tổng cộng 750 bài tham gia gồm các tác giả trong nước và nhiều tác giả là người Việt đang sinh sống và làm việc tại các nước: Đức, Anh, Pháp, Hàn Quốc, Sri Lanka...Trong đó có 84 bài được chọn qua vòng sơ khảo và 39 bài vào chung khảo. Kết quả, giải nhất được trao cho bài viết Chuyến về nhà của Huyền của nhà thơ Minh Đan, giải nhì thuộc về sư cô Diệu Hoa (hiện đang tu học tại Sri Lanka) với bài viết Về nhà thôi. 

Ngoài ra, ban giám khảo trao hai giải ba và 15 giải khuyến khích. Riêng giải Bài viết được bạn đọc yêu thích nhất thuộc về tác giả Nguyễn Văn Hòa, với tác phẩm Ngôi nhà gỗ và những ban mai bình yên. 

39 bài viết vào chung khảo được chọn in thành sách
39 bài viết vào chung khảo được chọn in thành sách

Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý, thành viên ban giám khảo nhận định: "Mỗi bài viết đều chạm vào tim người đọc theo cách rất riêng. Mỗi bài viết đều có một câu chuyện, một thông điệp đẹp đẽ trao đi. Khách quan mà nói, xuất phát điểm của cuộc thi chính là ước mong có thể chia sẻ với mọi người những mất mát, tổn thương trong đại dịch. Cũng có thể thời điểm dịch là thời khắc cả người viết, người đọc đều chia sẻ với nhau một bầu không khí mong manh, nhạy cảm. Vì thế mà mọi thời khắc của cuộc sống đều trở nên quý giá, đáng trân trọng". 

Theo nhà văn Trần Nhã Thụy, Trưởng Ban tổ chức và thành viên ban giám khảo, các bài viết dự thi chia thành ba nhánh nội dung: về quê ăn Tết, từ các bệnh viện dã chiến điều trị về nhà và những hoài niệm về mái nhà trong đời người. "Tùy theo mỗi người sẽ chọn bơi trên những nhánh sông khác nhau, nhưng cuối cùng đều hòa vào một dòng chảy mang tên "Về nhà". Đó là nơi chúng ta cảm thấy được xoa dịu, vỗ về, đồng thời cũng là nơi chúng ta nuôi nấng những khát khao sáng tạo mãnh liệt nhất" - anh viết trong lời đầu sách.

Nhà thơ Minh Đan (giữa) xúc động tại lễ trao giải diễn ra vào sáng ngày 27/2
Nhà thơ Minh Đan (giữa) xúc động tại lễ trao giải diễn ra vào sáng ngày 27/2

Các tác phẩm được trao giải cao nhất đều là những câu chuyện về nhà trong đại dịch. Chuyến về nhà của Huyền (Minh Đan) là hành trình trở về quê cũ của một người phụ nữ nghèo ở Sóc Trăng. Ba năm trước, gia đình cô dắt díu nhau lên Sài Gòn kiếm sống. Nhưng rồi khi đại dịch ập đến, Huyền đã trở về quê cũ với hành trang "không có gì ngoài tờ kết quả xét nghiệm âm tính, bài vị và hai hũ tro cốt" của song thân - đã qua đời vì COVID-19. 

Nhà thơ Minh Đan đã bật khóc khi cùng với Huyền - nhân vật trong tác phẩm lên nhận giải. Chị kể một câu chuyện chân thực, không dùng quá nhiều ngôn từ diễn đạt cảm xúc, câu chuyện thuần là tường thuật. Nhưng lại cay mắt người đọc bởi mảnh đời nhỏ bé và mất mát quá lớn ấy, như là một đại diện cho biết bao thân phận con người trong đại dịch. 

Bài viết Đón Tô về nhà của tác giả Tạ Ngọc Điệp (Gia Lai) là hành trình về nhà của một đứa trẻ chỉ mới vừa hai tháng tuổi. Bé đã đi trên chuyến bay VN1426 ngày 4/12/2021 từ TPHCM đi Pleiku, cùng với mẹ. Còn bố bé vẫn phải ở lại Sài Gòn làm nhiệm vụ chống dịch.

"Mẹ con ôm nhau qua cửa an ninh thì cũng là khi bố Tô ở ngoài bật khóc, chàng thượng úy cảnh sát gọi cho tôi, "em thương vợ em quá chị ơi", "chúng tôi chất đồ lên xe khai báo y tế và về nhà. Mẹ tôi giờ này chắc đã đốt sẵn một chậu than ấm..." - tác giả Tạ Ngọc Điệp viết về câu chuyện về nhà của thành viên trong gia đình. 

Các tác giả nhận giải khuyến khích
Các tác giả nhận giải khuyến khích

Những câu chuyện về nhà trong đại dịch của mỗi cá nhân, thông qua cuộc thi đã được cận cảnh chi tiết, từng con người, từng hành trình, số phận. Nhà thơ Trần Lê Sơn Ý nói chị không mong muốn sẽ phải rơi nước mắt nhưng suốt thời gian làm giám khảo chấm giải cuộc thi, chị đã rất nhiều lần bật khóc vì xúc động. Cảm giác đó, có lẽ người đọc Về nhà sẽ cùng cảm nhận và thấu hiểu, khi mà mỗi câu chuyện nhỏ mà các tác giả chia sẻ đều là những cảm xúc rưng rưng. 

"Chúng tôi tin rằng, những tác giả góp mặt trong tập sách nhỏ này đã làm được hai nhiệm vụ: đó là "kể chuyện" và "chữa lành". Tôi cũng mong rằng, cuối năm nay nếu cuộc thi Về nhà tiếp tục được tổ chức, khi ấy, hành trình về nhà sẽ hạnh phúc bình yên hơn, chứ không còn là những câu chuyện đau đớn, mất mát như lần này" - nhà văn Trần Nhã Thụy bày tỏ.

Song Giang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI