Rưng rưng với chảo mùi xôi, miếng xém của bà

28/11/2023 - 05:55

PNO - Nội canh lửa than khéo lắm, nên lúc xới hết cơm ra, bao giờ dưới đáy nồi cũng có một tảng xém (cơm cháy) vàng ruộm, mỏng tang, tròn vành vạnh - chính là món khoái khẩu của ba và 5 chị em chúng tôi.

 

Mùi xôi có thể ăn chung với cơm, cháo hoặc với các loại bánh hấp như há cảo, bánh chưng, bánh xếp…
Mùi xôi có thể ăn chung với cơm, cháo hoặc với các loại bánh hấp như há cảo, bánh chưng, bánh xếp…

Gia đình tôi người Bắc, lại có gốc Hoa, nên dễ hiểu, ẩm thực gia đình có sự “pha trộn dân tộc” rất rõ. Không biết có phải nhiễm “tinh thần AQ” của Lỗ Tấn hay không mà những món ăn của nhà, dù chỉ là cơm rau bình thường, chúng tôi luôn thấy không tìm ở đâu ra cái vị ngon giống như những gì các bà hoặc mẹ chúng tôi làm. Một trong những món ăn ấy là mùi xôi và xém - chính là món cải mặn xào và cơm cháy.

Hồi đó, gia đình tôi có 11 người nên nồi cơm ở nhà rất to. Cái chảo để chế biến đồ xào cũng to không kém.

Vào đầu mùa mưa, ba tôi đón mẹ đi làm về thường đưa vào chợ Xã Tây, ghé một hàng chạp-phô quen để mua mùi xôi và tàu xì (tức cải dưa và đậu đen muối mặn của người Hoa). Sáng, bà nội tôi sẽ đem chúng ngâm vô chậu nước ấm có hòa muối loãng. Khi chúng tôi thắc mắc: mùi xôi đã mặn lắm rồi sao nội còn ngâm nước muối, bà giải thích: nếu ngâm nước trắng, khi muối trong cải hòa hết vào nước, nước mặn hơn cải, sẽ ngấm ngược trở lại, cải sẽ lại mặn thêm. Còn ngâm nước muối loãng, lúc cải thôi muối ra là đều, không bị dội lại. Sau này lớn lên, tôi theo học ngành hóa, nhớ lời giải thích của nội, tôi lại thắc mắc: nội đâu có đi học chữ mà biết quy tắc này, hay thật. 

Ngâm khoảng nửa tiếng, nội vớt mùi xôi ra, để cho thật ráo. Tàu xì cũng ngâm, nhưng không lâu, để khỏi bị nát. Nội bóc thật khéo cả chén tỏi, xắt mỏng. Thịt ba chỉ cũng thái nhỏ, ướp chút nước tương, bột ngọt, chút đường và thật nhiều ớt xay. Chảo bắc lên bếp phải thật khô, để bếp lửa to và cho một ít tỏi xay nhuyễn phi thơm, sau đó bỏ thịt vào xào trước. Thịt hơi săn lại thì lấy để riêng, rồi cũng cái chảo đó, cho tiếp tỏi xay vào phi để xào mùi xôi. Mùi xôi săn rồi thì cho tàu xì vào đảo đều. Lúc này mùi thơm của chảo mùi xôi đã dậy cả bếp. Nội pha chén nước tương, chút nước màu, tiêu, bột ngọt rưới đều lên chảo mùi xôi. Cuối cùng, khi mùi xôi gần chín, nội mới cho tô thịt đã xào lúc trước vào, nêm lại cho vừa ăn.

Xong chảo mùi xôi nội mới bắc nồi cơm lên, canh lửa to cho cơm sôi lục bục và đánh cơm cho đều. Nội canh lửa than khéo lắm, nên lúc xới hết cơm ra, bao giờ dưới đáy nồi cũng có một tảng xém (cơm cháy) vàng ruộm, mỏng tang, tròn vành vạnh - chính là món khoái khẩu của ba và 5 chị em chúng tôi. 

Nội không bao giờ cho ăn xém trước, mà cả nhà đều phải ăn cơm xong. “Chừa một ít bụng lại” là câu nội hay nhắc ba và chúng tôi. Nội bẻ miếng xém chia làm 6 phần, hôm nào có mẹ thì nội chia 7. Cứ mỗi phần, nội gắp bỏ lên một ít mùi xôi rồi gập lại (y như cái bánh crape gập bây giờ) đưa cho chúng tôi. Miếng cơm cháy giòn tan, nhai với miếng mùi xôi mặn mặn, bùi bùi vị tàu xì, béo béo của miếng thịt dắt mỡ ngày đó cứ ở mãi trong ký ức chúng tôi, để có đi đâu, được đãi ăn những món bánh na ná như vậy, là chúng tôi lại nhớ về.

Cái vị của món ăn dân dã, bình thường ấy, đối với chúng tôi luôn đặc biệt. Nó nhắc nhớ về những bữa cơm ngày gia đình còn đông đủ ông bà, cha mẹ, con cái. Sự quây quần, đầm ấm thân tộc ấy đã làm cho những bữa ăn, những món ăn trở thành “sơn hào hải vị”. 

Ngày nay, những căn bếp sáng choang không tìm đâu ra chút mồ hóng than củi; bếp gas, bếp từ, bếp hồng ngoại và nồi cơm điện hiện đại, nhiều chức năng lại không thể làm ra một nồi cơm có miếng xém vàng rụm như ngày trước. Một hôm, khi nồi cơm điện nhà chúng tôi cho ra một miếng xém hơi vàng, hơi giòn (dù đó là dấu hiệu của việc nồi sắp hỏng), cả nhà tôi đều hân hoan khó tả. Cái nồi cơm điện đó được giữ lại, nâng niu như “báu vật” và chị tôi lại chạy vào chợ Xã Tây tìm mua mùi xôi, tàu xì mang về. Để cứ đến những ngày mưa, chúng tôi về ngồi bên nhau mà “ăn lại” miếng xém mùi xôi, nói với nhau những câu chuyện đều bắt đầu bằng 2 chữ “hồi đó” để rưng rưng nhớ ông bà, cha mẹ. 

Lâm Minh Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI