May nhờ rủi chịu
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những gốc lan siêu đắt, thậm chí là vô giá có thể được nhân giống từ những cây lan đột biến sẵn có nhưng phần lớn đến từ việc mua lan rừng tự nhiên về ươm, đợi cây nở hoa. Nếu đúng là cây đột biến thì người chơi có thể xem như “trúng số”. Chỉ cần có được một bụi lan rừng đột biến thuộc dạng hiếm, đem cắt nhỏ thân hay tách chiết mầm, “nhà đầu tư” có thể hốt bạc, vì mỗi ky lan (đoạn thân có chứa chồi) rẻ cũng có giá từ 30-70 triệu đồng, loại hiếm có giá đến 200-300 triệu đồng. Với một bụi lan mẹ như vậy, có thể thu về vài tỷ đồng tiền bán ky.
Để phục vụ nhu cầu chơi lan đột biến, người dân đã tỏa vào những cánh rừng - đặc biệt là những cánh rừng nguyên sinh - để kiếm lan sống bám trên những thân cây về bán cho các đầu mối thu gom. Các đầu mối sẽ bán lại cho các nhà vườn hoặc những người săn lan để họ xổ ra, tìm những cây đột biến.
|
Nhiều người chơi lan đột biến cũng rùng mình với tốc độ tăng giá của loại cây này |
Dũng cho biết, anh đã bỏ tiền mua hàng trăm ký lan rừng nhưng cũng chỉ mới “trúng” được một cây, mà cây này cũng không thực sự hiếm. Nhưng dù sao, anh vẫn may mắn hơn rất nhiều tay chơi lan khác vì có những chủ vườn mua hàng tấn lan rừng mà chẳng kiếm được cây đột biến nào. Một chủ vườn lan có tiếng tại tỉnh Đồng Nai đã mua tới hai tấn lan rừng, cũng không có nổi một cây đột biến. Tuy nhiên, đối với chủ vườn lan, việc không “trúng” cây đột biến cũng không đến nỗi quá xui, vì họ vẫn dễ dàng bán số lan đã mua với giá bình quân 300.000-600.000 đồng/gốc cho những người chơi hoa kiểng thông thường. Nhiều chủ vườn có lan đột biến đã đầu tư khoản tiền “khủng” để làm hệ thống “chuồng” bảo vệ, có gắn camera, hệ thống báo chống trộm, nuôi chó bẹc-giê để trông giữ.
Băm nát rừng vì lan
Cơn sốt lan đột biến khiến giá lan rừng tăng chóng mặt. Thông thường, lan rừng được bán theo ký, giá trước đây chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng/kg nhưng khi phong trào chơi lan rừng rầm rộ, giá cũng bắt đầu tăng theo, hiện khoảng 4 triệu đồng/kg. Trước đây, người ta có thể trèo lên những thân cây lớn trong rừng để lấy lan thì hiện nay, trước nhu cầu quá lớn của giới đầu tư lan đột biến, người ta sẵn sàng đốn hạ những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi chỉ để lấy những gốc lan sống cộng sinh trên thân cây.
Theo lời rỉ tai của dân chơi lan, những cây lan giả hạc có giá bạc tỷ đình đám vừa qua có nguồn gốc từ những khu rừng ở Campuchia, Lào và khu vực Tây Nguyên của Việt Nam. Tin đồn này càng khiến dân đầu tư lan lùng sục các cánh rừng nhiều hơn. Ở những vùng rừng không có lan, người ta cũng tranh thủ kiếm lời bằng cách bóc vỏ cây thông để bán cho các đầu mối thu gom, những đầu mối này bán lại cho những người ươm lan vì lan rừng được cho là rất hợp với vỏ cây thông, thông càng quý thì ươm cây càng dễ nảy mầm. Từ chỗ là mặt hàng không có giá trị, vỏ thông hiện đang được bán với giá từ 10.000-20.000 đồng/kg, riêng vỏ cây thông đỏ quý hiếm có giá đến vài chục triệu đồng/kg. Đây có thể là một trong những lý do khiến nhiều rừng thông tại Tây Nguyên thi thoảng lại bị đầu độc.
Theo lời một người chơi lan đột biến, nguồn lan rừng - đặc biệt là lan giả hạc - ngày càng cạn kiệt do tốc độ khai thác khủng khiếp hiện nay. Những khu rừng ở Việt Nam ngày nay còn lại rất ít hoặc nếu có thì thường nằm ở vùng cao, hiểm trở, khó khai thác. Nguồn lan rừng ở Campuchia và Lào cũng được thương lái người Việt sang tận nơi thu gom nên giờ cũng không còn nhiều.
Khi chúng tôi đặt câu hỏi, với công nghệ nuôi cấy mô như hiện nay, tại sao không nuôi cấy những cây lan đột biến quý hiếm, một người chơi lan chuyên nghiệp giải thích: nuôi cấy mô từ cây đột biến lại không cho bông đúng như cây bố mẹ. Vì không thể dùng công nghệ để nhân giống nên lan đột biến mới có giá.
Thú chơi nào cũng có “thời”
M.K. - một người chơi lan đột biến tại TP.HCM - nói, rất khó để có một cây lan đột biến hoàn hảo. Chẳng hạn, có thể cây đột biến cho hoa năm cánh trắng nhưng không phải cây nào cũng cho phần lưỡi trắng, mắt xước; còn cây có lưỡi trắng, mắt xước thì cánh hoa lại không bầu, không cong… Chỉ những cây mới xuất hiện, ít khiếm khuyết và có những đặc điểm khác biệt với những cây sẵn có trong giới chơi lan, mới được định giá cao. Nhưng do là thú chơi nên thị hiếu cũng nhanh chóng thay đổi.
Theo M.K., cây lan đột biến chỉ có giá khi đáp ứng tiêu chí vừa quý vừa hiếm, người chơi sẵn sàng bỏ hàng chục tỷ đồng để mua. Người mua không phải mang về trồng để ngắm mà chiết mầm, ươm ky rồi lại bán cho những người chơi khác. Tiền bán thu lại thường cao hơn rất nhiều so với tiền mua cây. Những người mua về lại tiếp tục tìm cách nhân giống, kiếm lời. Thế là, loại cây quý hiếm ban đầu dần trở nên không hiếm và giá cũng sẽ giảm theo.
Hầu hết các giao dịch lan đột biến đều qua mạng xã hội, điện thoại. Những người chơi lan thường đăng bài giới thiệu và bán cây lan mình đang sở hữu trên các nhóm (group). Với những cây lan có giá trị cao, người mua thường tìm đến những người có uy tín, có vườn lan, thậm chí phải thấy trực tiếp cây lan đang ra hoa, mới bỏ tiền ra mua. Nếu người bán từng xuất hiện trên truyền thông do bán được cây lan bạc tỷ, người mua thường hẹn gặp, nhận hàng và trả tiền luôn, không cần xem trước.
Chính vì phương thức giao dịch này mà người chơi không thể nào nắm được diễn biến thị trường. Để bán lan được giá, chủ bụi lan rừng đột biến quý hiếm sẽ không dại gì công khai mình nhân được bao nhiêu cây; người mua cũng tìm cách ép giá với người bán. Nói chung, trong hoạt động mua bán lan đột biến, có quá nhiều điều không rõ ràng.
Thêm vào đó, việc buôn bán lan đột biến chủ yếu qua mạng và dựa vào uy tín cá nhân, nên rủi ro giao dịch là điều khó tránh khỏi. Gần đây, đã có nhiều vụ lừa đảo, bán cây không đạt chất lượng như quảng cáo, người bán trốn bặt tăm hoặc có bắt được cũng không có căn cứ để xử lý vì đa phần là giao dịch bằng miệng và qua mạng.
Nhiều năm trước, cây sanh kiểng từng tạo nên cơn sốt trong giới chơi cây kiểng, giá bị đẩy lên gấp hàng chục, hàng trăm lần. Lúc sốt, người ta vẽ ra hàng trăm hàng ngàn lý do để đầu tư, nhưng không lâu sau đó, khi cây sanh tràn ngập các nhà vườn, cây không bán được dù giá rẻ như cho, nhiều chủ vườn vỡ nợ. Giờ đây, cơn sốt đó đang đến với cây lan đột biến, giá lan bị đẩy lên mức cao không tưởng. Có lẽ đến ngày nào đó, cây lan đột biến cũng sẽ giống như cây sanh kiểng mà thôi.
Thư Hùng