Rưng rưng nhớ nắng quê nhà

28/06/2020 - 18:52

PNO - Cánh hoa điền dã là tập bút ký được viết với ngôn ngữ giàu cảm xúc của nhà văn, nhà giáo, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Tần Hoài Dạ Vũ.

Trong cuốn sách này, tôi muốn nói đến những áng văn đẹp lung linh, gợi nhớ những miền ký ức xa xôi nơi quê nhà. Cứ ngỡ tuổi thơ sẽ dần lãng quên sau những ồn ã, xô bồ của đời sống thị thành mà những đứa trẻ rời quê sẽ phải hòa vào nhưng không, chúng nằm ngoan hiền, khép nép nơi ngăn ký ức êm đềm, để chỉ cần đánh thức nhẹ, hình ảnh trong trẻo của tuổi thơ, của hồn quê mượt mà lại hiện về, đẹp vô ngần. Những hình ảnh đẹp trong ký ức như một liều thuốc xoa dịu những tổn thương, mất mát ở hiện tại của mỗi người. 

Từng trang sách đưa người đọc đến những ký ức tuổi thơ, những địa danh, tập tục văn hóa, tình đất, tình người xứ Quảng - cũng là quê nhà của tác giả mà dù có tha phương bao nhiêu năm thì từng con đường, vạt nắng, bờ ao, luống cải vẫn in đậm trong tâm trí để “rồi mỗi năm, cứ đến những ngày giáp tết, dù lưu lạc nơi đâu, lòng tôi vẫn sống lại dạt dào màu nắng cũ, vẫn như còn ngửi được cái mùi hương nồng nàn quyện trong gió của ánh nắng vàng nhẹ như tơ kia. Phải chăng đó chính là sự hòa trộn diệu kỳ của cả hương đất và hương lòng?”. Hình ảnh trong từng câu văn hiện lên như một bức tranh thôn quê trong trẻo mà người đọc sẽ thấp thoáng thấy bóng mình trong đó.

Trong rất nhiều trang viết giàu cảm xúc từ tập sách, cảm giác như tuổi thơ của tôi, của bạn, của tác giả chỉ vừa mới hôm qua bởi còn tươi tắn lắm, long lanh lắm, ngờ đâu đã xa tít mờ… Xa nhưng vẫn còn nguyên vẹn, thân thương, gần gũi như có thể chạm vào.

Tác giả đã có 15 năm lặn lội khắp các thôn làng của xứ Quảng để sưu tầm văn hóa dân gian. Vì vậy mà ngay cả những bài viết về lịch sử, địa lý vốn khô khan, qua lối viết đầy chất thơ của tác giả không chỉ cung cấp nhiều kiến thức bổ ích mà còn mang đến nhiều cảm xúc cho người đọc. Trong 15 năm và sau này còn có thêm những chuyến nghiên cứu khác, tác giả đã “gặt hái” cho mình những bộ sách có giá trị cùng những câu chuyện ngoài lề cũng thú vị không kém.

Trí tuệ nhân gian” là bài viết về chữ nghĩa khiến tôi thích thú. Từng là một người “được học hành đàng hoàng, lại từng là một thầy giáo dạy văn chương nổi tiếng được các trường tư thục ở Huế thi nhau mời” nhưng khi gặp một ông lão trong vùng Tiên Thọ (H.Tiên Phước), tác giả lại được mở mang bởi những câu từ đã nghe nhưng không tìm hiểu cặn kẽ nên hầu hết hiểu sai. Hóa ra học chẳng bao giờ là đủ, trí tuệ của dân gian không có gì sánh kịp, không có bất cứ sách vở nào chứa đựng hết. 

Có những địa danh chỉ mới nghe tên, cũng có những địa danh đã từng đi qua nhưng trong mỗi trang sách ta lại ồ, à lên những điều thú vị. “Trong bóng chiều thấp thoáng bên trời, sương mù từ trong núi đá tỏa ra, cộng với hơi khói hơi sương nhẹ tênh, như đang bốc lên từ mặt nước, khiến cảnh vật thêm kỳ ảo, mơ màng. Vứt bỏ lại phía sau mọi ưu phiền nhân thế, đắm mình vào lớp sương chiều trên sông Thu trong thời khắc ngày tàn, lòng ta tưởng chừng như được giải thoát, để chiều nay lâng lâng thấy cả người ta tan vào đất trời thanh thoát…” - những câu văn giàu cảm xúc trong bài “Ngó lên Hòn Kẽm đá dừng” ấy thôi thúc tôi khám phá vùng đất này biết bao. 

Tập bút ký Cánh hoa điền dã là tập sách thứ 23 mà nhà văn dành tặng cho vùng đất Quảng thân yêu. Tuy vậy, bất cứ người đọc ở miền nào cũng sẽ bắt gặp những xúc cảm trong từng câu chữ. Bởi ai đã trải qua một tuổi thơ nhiều màu sắc hẳn sẽ đồng cảm với tác giả điều này: “Trong đời người chỉ có một thứ dĩ vãng luôn luôn tươi đẹp, bao giờ cũng giữ được cái màu nắng trong suốt êm đềm, đó là những kỷ niệm về tuổi thơ. Và không hiểu từ bao giờ tôi đã đồng hóa những tháng năm đầu đời tươi đẹp đó với một màu nắng, vì đó chính là màu nắng trong kỷ niệm, màu nắng chốn 
quê nhà”. 

Hạnh phúc cho những ai có chung miền ký ức vàng ươm màu nắng ấy. 

La Hường

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI