Rùng rợn trào lưu “săn lùng” xác ướp cổ đại để… chữa bệnh

27/04/2025 - 19:40

PNO - Xác ướp - "ngôi sao" thu hút khách tham quan tại nhiều bảo tàng nổi tiếng khắp thế giới, trong quá khứ lại có lúc bị xem như hàng hóa phục vụ mục đích bất chính.

"Ẩn giấu bên trong mỗi xác ướp là vô vàn dấu ấn lịch sử kỳ thú, giúp chúng ta hình dung sự rực rỡ của "vương quốc các Pharaoh" hàng thiên niên kỷ trước", José Miguel Parra - phóng viên, nhà nghiên cứu sử học Ai Cập, chia sẻ. "Giới học giả hiện đại trân trọng mọi cơ hội tìm hiểu về xác ướp. Hình ảnh của những thi thể cổ xưa ấy vẫn duy trì được sự kính sợ nhất định với công chúng toàn cầu.

Thế nhưng, chuyện không phải luôn như vậy. Từ khoảng thế kỉ XV, ở châu Âu, xác ướp từng bị "săn tìm" bằng mọi giá vì một số tư duy mê tín, đen tối và bất nhân".

[A2] Khung cảnh một buổi tẩm liệm xác ướp tại Ai Cập được mô tả trên tranh cổ. - Ảnh: Bettmann
Khung cảnh một buổi tẩm liệm xác ướp tại Ai Cập được mô tả trên tranh cổ - Ảnh: Bettmann

Những ý tưởng chữa bệnh… kinh dị

Trong Phụ Nữ, bài thơ được đánh giá là một trong những sáng tác "kỳ lạ bậc nhất" của John Donne - nhà thơ xuất chúng người Anh sống vào thế kỉ XVII, không chỉ xuất hiện từ ngữ mô tả nữ tính điển hình như "ngọt ngào, nhuệ mẫn". Vị thi sĩ theo trường phái siêu hình còn phản ánh hình tượng phái đẹp tại châu Âu thời bấy giờ bằng cụm từ: "mê mẩn... thuật ướp xác".

Vô cùng băn khoăn về đánh giá dị thường của Donne, nhà nghiên cứu văn chương - Louise Noble, công tác tại đại học New England (Úc), quyết định điều tra ngọn nguồn. Sự thật bà phát hiện khiến nữ giáo sư vừa kinh ngạc, vừa bàng hoàng.

Thực tế, cụm từ “xác ướp” hay “thuật ướp xác” xuất hiện phổ biến đến khó tin ở nhiều nước châu Âu, vào giai đoạn đầu hiện đại (cuối thời Trung cổ - thế kỉ XV, cho đến thời bùng nổ Cách mạng công nghiệp - cuối thế kỉ XVIII).

Một lọ mumiya cổ nay được trưng bày tại Bảo tàng Dược học Đức, thành phố Heidelberg, tây nam nước Đức. - Ảnh: AKG
Một lọ mumiya cổ nay được trưng bày tại Bảo tàng Dược học Đức, thành phố Heidelberg, tây nam nước Đức - Ảnh: AKG

Xác ướp, cụ thể là xương cốt và nội tạng tử thi từng bị khai thác như... nguyên liệu bào chế dược phẩm, hoặc dùng trực tiếp để trị bệnh. Nói cách khác, chỉ vài thế kỉ trước tại châu Âu, một niềm tin từng tồn tại khá phổ biến: "tiêu thụ" xác ướp cổ đại có thể cải thiện các vấn đề sức khỏe, thậm chí khiến con người trẻ lâu.

Trong tựa sách nghiên cứu đào sâu về đề tài này, Noble và đồng nghiệp Richard Sugg (Viện Đại học Durham, Anh) mong muốn làm rõ trào lưu gây tranh cãi kịch liệt kể trên.

"Chỉ cách đây vài trăm năm, đỉnh điểm là vào thế kỉ XVI và XVII, ở hàng loạt quốc gia châu Âu, thuốc bổ lẫn đặc trị bệnh có thành phần làm từ nội tạng/xương người, không hề hiếm lạ", Noble tiết lộ. "Từ thành viên hoàng tộc, tu sĩ, thậm chí giới khoa học gia, có không ít người tin tưởng mù quáng rằng dùng các loại thuốc ấy có tác dụng làm thuyên giảm bệnh trạng - nhẹ như chứng đau đầu, nặng như động kinh, vết thương gây viêm nhiễm...".

Lúc bấy giờ, dẫu đã có một số ý kiến công khai phản đối những dược phẩm kỳ dị này - vốn hoàn toàn không được kiểm chứng công dụng dựa trên cơ sở khoa học, chúng vẫn là nguyên nhân "dẫn đến làn sóng trộm xác ướp tăng nhanh tại Ai Cập, khi đạo chích đào mộ chỉ để cướp và bán tử thi" - theo nhà nghiên cứu sử học Richard Sugg.

Vị sử gia nhấn mạnh: "Câu hỏi "Có nên chạm vào tử thi?" không khiến những người tin tưởng lối chữa bệnh mê tín thấy e ngại... Điều họ quan tâm thuần túy là, "Dùng thứ gì, nhằm bồi bổ bộ phận nào trong cơ thể?"

Cơn sốt bào chế thuốc từ xác ướp có thể khiến nhiều người trong chúng ta khiếp đảm, nhưng lại phổ biến đến đáng kinh ngạc một thời. Bức họa về một buổi khám nghiệm xác ướp diễn ra tại Pháp, vẽ bởi Paul Dominique Philippoteaux, năm 1891. - Ảnh: Bridgeman
Bức họa về một buổi khám nghiệm xác ướp diễn ra tại Pháp, vẽ bởi Paul Dominique Philippoteaux, năm 1891 - Ảnh: Bridgeman

Ví dụ tiêu biểu là sọ của hầu hết xác ướp ngàn năm tuổi. Sau khi bị trộm lấy, chúng thường biến thành nguyên liệu chữa bệnh về rối loạn thần kinh.

Thomas Willis, một cái tên tiên phong trong lĩnh vực khoa học não bộ ở thế kỉ XVII, từng nảy ra sáng kiến hòa bột được cán mịn từ xương sọ tử thi cùng... sô-cô-la, dùng điều trị chứng cảm nắng. Vua Charles II của nước Anh (trị vì từ năm 1649-1651) có thói quen càng "rợn người" hơn: uống rượu ngâm sọ xác ướp cổ đại. Cũng vào thời kỳ này, một số bác sĩ tại Đức cho rằng, dùng băng vải thoa thêm một lớp mỡ tìm thấy bên trong xác ướp, sẽ giúp trị thống phong (bệnh gút).

Giao dịch vô nhân đạo

“Mở rộng hơn một chút, có một ví dụ đặc biệt bất nhân thời xưa là tục thu thập máu của những tử thi hay tử tù vừa bị hành hình để bào chế thuốc, thậm chí chế biến làm… món ăn. Điều này xuất phát từ lối suy nghĩ mê tín, rằng máu giúp “trẻ lâu”, vì nó đại diện cho năng lượng trong mỗi cơ thể sống” - Noble phân tích.

Với các xác ướp bị vận chuyển lén lút từ Ai Cập đến châu Âu, vốn đã cạn kiệt máu, xương cốt và kể cả nấm mốc mọc bên trong quan tài cũng được cân nhắc như “dược phẩm quý”.
Với các xác ướp bị vận chuyển lén lút từ Ai Cập đến châu Âu, vốn đã cạn kiệt máu, xương cốt và kể cả nấm mốc mọc bên trong quan tài cũng được cân nhắc như “dược phẩm quý”

Từ thế kỉ XV, châu Âu bắt đầu lén lút "nhập khẩu" xác ướp Ai Cập cổ, bởi niềm tin vào loại hợp chất có tên mumiya - một thứ dầu lỏng, cùng phân nhóm hóa học với dầu hỏa.

Nhiều học giả thời Trung Cổ cho rằng mumiya chính là thứ vật chất màu đen tìm thấy phổ biến trong các lăng cổ mộ của Ai Cập. Y sĩ gốc Hy Lạp, Constantinus Africanus, sống vào thế kỉ XI, mô tả nó là "một chất mùi nồng, không dễ ngửi, đen tuyền, trọng lượng khá nặng và phản chiếu ánh sáng".

Phóng viên sử học José Parra nêu lên phân tích cặn kẽ hơn dưới góc nhìn khoa học hiện đại: "Mumiya trên thực tế chính là bitumen, tức nhựa đường. Bitumen ngoài tự nhiên cực kỳ hiếm thấy, đến mức một số thương gia châu Âu nổi lòng tham đã chủ động thuê kẻ cướp đột nhập vào các lăng tẩm, cổ mộ ở Ai Cập hòng tìm ra loại chất lỏng có năng lực ‘chữa bệnh’ này".

Xác ướp Vua Seti I không nằm trong phần mộ được giới sử gia cho rằng thuộc về ông. Ngược lại, thi thể vị vua đã được bí mật di dời tới hầm mộ của một Tư tế, trong quần thể điện thờ Deir el-Bahari (bờ tây sông Nile). Nhà khảo cổ học người Pháp Gaston Maspero đã đích thân mở băng quấn xác ướp Seti I trong một buổi “trình diễn khám nghiệm xác ướp” khó quên diễn ra năm 1886. - Ảnh: ThePrintCollector
Xác ướp Vua Seti I không nằm trong phần mộ được giới sử gia cho rằng thuộc về ông. Ngược lại, thi thể vị vua đã được bí mật di dời tới hầm mộ của một Tư tế, trong quần thể điện thờ Deir el-Bahari (bờ tây sông Nile). Nhà khảo cổ học người Pháp Gaston Maspero đã đích thân mở băng quấn xác ướp Seti I trong một buổi “trình diễn khám nghiệm xác ướp” khó quên diễn ra năm 1886 - Ảnh: ThePrintCollector

Thế nhưng, niềm tin mù quáng vào thứ “thuốc thần” kể trên, đã dấy lên làn sóng cướp bóc nơi an nghỉ của người chết, kéo theo nạn buôn bán thi thể.

Nhân một chuyến đi đến thành Alexandria (đô thị lớn thứ hai của Ai Cập) vào năm 1564, vì hiếu kỳ, nhà thơ nổi tiếng người Pháp Guy de La Fontaine quyết tâm lùng mua cho được món dược phẩm có nguồn gốc từ thời Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, ông phàn nàn trong nhật ký hành trình sau đó rằng, “không ít xác ướp đã bị làm giả”.

Parra tiết lộ: “Thời bấy giờ, phương pháp làm giả xác ướp để trục lợi rất đen tối, mất nhân tính. Nạn nhân bị những tên tội phạm và thương nhân bất lương hành hạ, bỏ đói đến khi qua đời vì kiệt sức. Thi thể họ sau đó bị cố tình xử lý theo phương pháp phức tạp, mô phỏng cách ướp xác của người Ai Cập cổ”.

Vì dẫn tới tội ác tàn nhẫn, ghê rợn, mumiya nói chung và trào lưu giao dịch xác ướp dần hứng chịu chỉ trích nặng nề. Bác sĩ gốc Pháp Ambroise Paré, một trong những nhân tài y khoa được công nhận là “cha đẻ” của ngành giải phẫu học, từng công khai phản đối việc tiêu thụ mumiya.

Hình ảnh một người “buôn xác ướp”, chụp khoảng năm 1877 ở Ai Cập. Cảnh tượng rùng rợn này cho thấy sự tàn nhẫn, vô nhân đạo của trào lưu buôn bán xác ướp. - Ảnh: Jean-GillesBerizzi
Hình ảnh một người “buôn xác ướp”, chụp khoảng năm 1877 ở Ai Cập. Cảnh tượng rùng rợn này cho thấy sự tàn nhẫn, vô nhân đạo của trào lưu buôn bán xác ướp - Ảnh: Jean-GillesBerizzi

Năm 1582, trong bài nghiên cứu về chủ đề này, Paré viết: “thứ thuốc ác nghiệt này không hề cho thấy chút năng lực nào giúp bệnh nhân cải thiện bệnh trạng. Ngược lại, như nhiều trường hợp tôi có dịp trực tiếp quan sát, hấp thu mumiya chỉ khiến người bệnh đau bụng, nôn mửa kịch liệt, làm trầm trọng hơn những chứng bệnh liên quan đến máu và hệ tiêu hóa”.

Mua vé xem “biểu diễn xác ướp”

Sau thời đại của Paré, nỗi sợ xuất phát từ niềm tin tín ngưỡng, sự e ngại trước những điều thần bí, cùng làn sóng lên tiếng phản đối của hàng loạt chuyên gia y khoa đã phần nào làm hạ nhiệt “cơn sốt” trộm mộ - giao dịch xác ướp sang châu Âu.

Đến thế kỉ XVI, đế chế Ottoman - lúc này đã thành công chiếm đóng Ai Cập, ban hành một bộ luật nghiêm ngặt, nhằm kiểm soát nạn buôn bán xác ướp cổ đại. Tuy vậy, chủ trương cấm đoán rất nhanh phản tác dụng, kích thích những kẻ trục lợi xây dựng một thị trường chợ đen đầy nhiễu nhương.

Một bức ảnh khai quật và khám nghiệm xác ướp chụp vào thế kỉ XIX. Hai nhân viên trong nhóm khảo cổ từ châu Âu đang chăm chú kiểm tra xác ướp vừa được tháo băng vải. - Ảnh: Beaux-Arts
Một bức ảnh khai quật và khám nghiệm xác ướp chụp vào thế kỉ XIX. Hai nhân viên trong nhóm khảo cổ từ châu Âu đang chăm chú kiểm tra xác ướp vừa được tháo băng vải - Ảnh: Beaux-Arts

“Tới đầu thế kỉ XVIII, dư luận lần nữa đổi chiều”, Parra nói. “Dùng xác ướp bào chế thuốc bắt đầu không còn được ưa chuộng. Thay vào đó, giới thượng lưu lẫn học giả châu Âu tỏ ra hứng thú hơn trước những thi thể niên đại cổ xưa ẩn giấu sau lớp vải bọc xác”.

“Tiệc” hay “sự kiện” mở băng quấn - khám nghiệm xác ướp biến thành các màn trình diễn thu hút dân chúng tò mò.

“Thuở đầu, sự kiện thường được tổ chức ở nhà riêng của một quý ông thượng lưu hay hoàng thân giàu có. Về sau, ý tưởng này lan tỏa mạnh hơn, diễn ra công khai nơi các nhà hát, khán phòng lớn. Chỉ cần mua vé, bất kỳ ai cũng có thể đến xem” - Parra cho biết.

Vé mời tham dự một buổi “khám nghiệm xác ướp” thuộc về Nam tước xứ Londesborough, Albert Denison. Trên thiệp mời, nhà ngoại giao người Anh giới thiệu “sự kiện sẽ tổ chức tại tư gia” của ông, vào ngày 10/6/1850. Giai đoạn này, nhiều show diễn thường chỉ mang tính chất giải trí. - Ảnh: AKG
Vé mời tham dự một buổi “khám nghiệm xác ướp” thuộc về Nam tước xứ Londesborough, Albert Denison. Trên thiệp mời, nhà ngoại giao người Anh giới thiệu “sự kiện sẽ tổ chức tại tư gia” của ông, vào ngày 10/6/1850. Giai đoạn này, nhiều show diễn mở băng quấn xác ướp thường chỉ mang tính chất giải trí, thỏa mãn sự hiếu kỳ của giới thượng lưu châu Âu - Ảnh: AKG

Nhân viên lãnh sự Benoît de Maillet làm việc cho đại sứ quán Pháp ở Cairo, đầu thập niên 1700, là người đầu tiên ghi chép tỉ mỉ về một sự kiện “trình diễn khám nghiệm xác ướp”. Buổi diễn khi ấy được dẫn dắt bởi một bào chế sư (nhà điều chế thuốc) làm việc cho Công tước xứ Albany – Charles Edward. Trước sự chứng kiến của đông đảo khán giả, bào chế sư không chỉ tiến hành tháo băng vải quấn quanh thi thể, mà còn giới thiệu với đám đông “toàn bộ số cổ vật ông ta phát hiện, cất giấu bên trong quan tài cổ” - de Maillet ghi chú.

Tại nước Anh nói riêng và toàn châu Âu nói chung, “biểu diễn khám nghiệm xác ướp” chưa từng đánh mất sức hút, suốt một thế kỉ tiếp theo. Thế nhưng từ quy mô nhỏ lẻ và phần nhiều nhằm thỏa mãn trí tò mò, chúng dần được nhìn nhận như các sự kiện giáo dục, phổ cập khoa học nghiêm túc. Ngược lại, văn hóa Ai Cập, đặc biệt là ngành cổ vật học phát triển thịnh vượng khiến trào lưu rùng rợn như bào chế thuốc từ xác ướp biến mất hoàn toàn vào đầu thế kỉ XX.

“Đây là thời điểm nhiều tàn tích minh chứng cho giai đoạn thịnh trị của các Pharaoh được tìm thấy - xác ướp mất tích bí ẩn của vua Seti I, ngôi cổ mộ của Amenhotep II ở Thung lũng các Vị vua…” - Parra chia sẻ. “Rất may, nhờ những nhà khoa học, sử học không ngừng nỗ lực, mang tới vô số khám phá mới quan trọng, xác ướp cổ đại không phải tiếp tục là ‘nạn nhân’ của tư duy mê tín nữa”.

Như Ý (theo NationalGeographic)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI