Rừng ngập mặn – kho dự trữ carbon của Đông Nam Á – đang bị đe dọa

10/02/2025 - 12:38

PNO - Theo nghiên cứu mới, khoảng 1,3 triệu ha rừng ngập mặn ở Đông Nam Á - một khu vực rộng gấp khoảng 18 lần Singapore - đang bị đe dọa.

ừng ngập mặn trên đảo Pulau Ubin, Singapore - Ảnh: ROBYN GWEE/Straits Times
Rừng ngập mặn trên đảo Pulau Ubin, Singapore - Ảnh: ROBYN GWEE/Straits Times

Nghiên cứu được công bố vào ngày 28/1 trên tạp chí Communications Earth And Environment lưu ý: việc phá rừng ngập mặn để sản xuất hàng hóa nhằm tìm kiếm lợi nhuận - biến chúng thành đồn điền dầu cọ, ruộng lúa hoặc ao nuôi trồng thủy sản – có thể làm tăng nguy cơ suy thoái đất trong vòng 25 năm tới.

Rừng ngập mặn có khả năng chống chịu tình trạng mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu, vì mạng lưới rễ chằng chịt của chúng cho phép giữ lại trầm tích. Tuy nhiên, nghiên cứu sinh tiến sĩ Valerie Kwan từ Đại học Queensland (Úc) - người đứng đầu nghiên cứu - cho biết khả năng này phụ thuộc vào việc có đủ trầm tích do thủy triều mang vào hay không.

Cô Kwan lưu ý rằng trong một nghiên cứu trước đây, tốc độ bồi đắp trầm tích tại gần 70% các địa điểm khảo sát tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, là không đủ để ngăn chặn tốc độ rửa trôi trầm tích cao do đập nước và các hoạt động khác của con người.

Tại các địa điểm này, tốc độ mực nước biển dâng có thể sẽ nhanh hơn tốc độ nâng cao bề mặt đất ở rừng ngập mặn, làm ảnh hưởng đến tính bền vững của các hệ sinh thái quan trọng này.

Hiện nay, các dự án tín chỉ carbon dựa trên thiên nhiên có thể giúp đảm bảo rằng một khu rừng hoặc rừng ngập mặn có nguy cơ bị chặt phá vẫn đứng vững.

Nhờ đó, khí thải từ nạn phá rừng sẽ không được phát ra ngoài không khí, và các quốc gia có thể bán khả năng lưu trữ khí thải này dưới dạng tín chỉ carbon.

Mỗi tín chỉ đại diện cho một tấn khí thải làm nóng hành tinh không được thải ra khí quyển và người mua là các công ty muốn bù đắp lượng khí thải carbon của họ.

Có khoảng 4,7 triệu ha rừng ngập mặn ở Đông Nam Á, nhưng chỉ có 2,1 triệu ha rừng ngập mặn có thể được bảo vệ theo các dự án carbon. Riêng những khu rừng không phải đối mặt với mối đe dọa phá rừng, việc cấp tín dụng để bảo tồn khu rừng đó được xem như không có giá trị.

Bà Kwan cho biết các nghiên cứu trước đây chỉ ra rằng động lực chính của nạn phá rừng ngập mặn trên toàn thế giới trong giai đoạn 2000-2016 là chuyển đổi sang sản xuất hàng hóa. Trong số những tổn thất đó, việc mất rừng ngập mặn ở Đông Nam Á chiếm tới 92%.

Nhóm nghiên cứu cho biết giá tín chỉ carbon cao hơn có thể giúp giảm nguy cơ rừng ngập mặn bị chuyển đổi sang sản xuất. Các cách tiếp cận khác, bao gồm đảm bảo rằng cộng đồng địa phương có những phương án sinh kế thay thế, cũng có thể giúp giảm nguy cơ chuyển đổi đất vì lý do kinh tế xã hội.

Bà Hoon Ling Min - giám đốc đầu tư tại công ty nền tảng đầu tư GenZero do tập đoàn Temasek (Singapore) hậu thuẫn, chuyên đầu tư vào các giải pháp khử cacbon – nhận định: tính lâu dài là yếu tố quan trọng trong việc đánh giá các dự án carbon.

Bà Hoon chia sẻ: “Các nhà phát triển dự án được yêu cầu triển khai các hoạt động quản lý sử dụng đất, thu hút cộng đồng địa phương thông qua sự tham gia của các bên liên quan và chia sẻ lợi nhuận, đảm bảo các biện pháp can thiệp được duy trì trong suốt thời gian thực hiện dự án”.

Linh La (theo Straits Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI