“Nếu mà mệt quá, giữa thành phố sống chồng lên nhau”(*) - ừ thì, hơn một năm qua, nhiều lúc mệt thật, muốn bản thân được nhấn nút F5, thì điểm đến đầu tiên hiện ra trong đầu tôi luôn là Đà Lạt. Dù tôi biết trước, đó cũng là lựa chọn của số đông.
Tôi vu vơ đăng một status: “Xin được khảo sát những tâm hồn đẹp. Nếu trở lại Đà Lạt, bạn sẽ ghé thăm nơi nào nhỉ?”. Rốt cuộc, tôi nhận về một loạt gợi ý đã thấy hàng ngàn người từng check-in…
Cuối cùng, tôi tự thiết kế cho riêng mình hành trình ngắn ngủi ở Đà Lạt, quen mà lạ.
Tôi sẽ kể bạn nghe, sớm trong lành hôm ấy, tôi có chuyến đi xanh. Bản thân tôi rất muốn được kết nối với thiên nhiên, vì ngay hiện tại, mối liên kết này đã mòn đi. Mảng xanh nhất tại phố thị mà chúng ta có thể tiếp cận đó chính là khoảng công viên hay khu vườn nhỏ ngoài ban công, đúng không?
|
Một thoáng “Na Uy” giữa Đà Lạt trong lòng tôi |
Tôi đăng ký chuyến thăm khu du lịch rừng lá phong. Mỗi nhóm du khách được chèo thuyền phao giữa hồ Tuyền Lâm. Gió mát hây hây thật thú vị nhưng đó cũng có thể là trở ngại bất ngờ đối với du khách bởi nếu không biết phối hợp ăn ý với nhau, chiếc thuyền sẽ xoay vòng vòng. Tôi học cách lắng nghe, san sẻ với đồng đội, để cùng hợp tác đi tới đích. Cảm giác lúc ấy như thể tôi đang được tham gia thử thách trong chương trình “Cuộc đua kỳ thú” (The Amazing Race) thực thụ.
Khi đặt chân lên cánh rừng, bước nối bước, sâu dần, tôi có cảm giác lạ lẫm như đi lạc sang miền đất từng được thấy trong phim ảnh với bối cảnh ở Na Uy. Hẳn bạn cũng sẽ như tôi - ngỡ ngàng trước nét hoang sơ của cây cỏ, vẻ đẹp bồng bềnh giữa mây và nắng trời trộn lẫn thành một màu nhàn nhạt hay lắng nghe tiếng côn trùng rỉ rả, tiếng loài động vật không tên vang vọng giữa không gian bao la. Quang cảnh không chỉ khoác lên màu xanh dịu mắt mà còn yên tĩnh, tách biệt hoàn toàn khỏi thế giới du lịch nhộn nhịp ngoài kia.
|
Người hướng dẫn đồng hành cùng nhóm chúng tôi là một thanh niên khá dạn dĩ, hoạt bát. Được biết, anh “dắt lưng” vốn kinh nghiệm dày dặn trekking (đi bộ dài ngày, là một hình thức du lịch mạo hiểm dã ngoại ngoài trời ở những nơi hoang dã) lẫn hiking (đi bộ theo một lộ trình có sẵn để ngắm cảnh ở những điểm dã ngoại nổi tiếng trong một thời gian ngắn). Chúng tôi men theo những con đường mòn xuyên rừng với phương tiện di chuyển duy nhất là đôi chân của mình. Trước khi xuất phát, mỗi người được phát một công cụ hỗ trợ đắc lực: cây gậy để chống dọc đường cho đỡ mất sức. Hành trang mang theo được khuyến cáo phải hết sức gọn nhẹ.
Càng đi theo người hướng dẫn, tôi càng cảm được rõ nét sự kết nối với thiên nhiên, ngửi thấy hương rừng lan xen qua từng kẽ lá, tán cây, những giống cỏ dại, dây leo, tầm gửi lạ lẫm, nấm rêu mọc thành rừng, dòng suối chảy róc rách… Những người bạn đồng hành không khỏi ố à, trầm trồ khi được tận mắt ngắm những vạt nấm mọc tua tủa hay từng tảng rêu bám trên thân cây, cảm được sự ẩm mát khi chạm vào. Thỉnh thoảng chợt vang lên tiếng hú lạ, trước là của thú rừng, sau là… tiếng người. Cũng dễ hiểu, đó là hội chứng ám ảnh, sợ động vật zoophobia). Huống hồ, chúng tôi lại đang ở giữa rừng. “Đừng sợ! Sự thật là chúng còn đang cách chúng ta rất xa và theo bản năng thì chính chúng mới sợ chúng ta trước tiên, nên lẩn trốn” - người hướng dẫn trấn an chúng tôi khỏi những hoài nghi. Anh cũng giải thích thêm, nếu con người không tác động đến mức tiêu cực thì thú rừng cũng không phản kháng xấu. Tất cả cũng chỉ nhằm tăng khả năng sinh tồn trong môi trường hoang dã. Rồi người bạn đồng hành nhanh chóng lái sang những chủ đề thú vị khác về cây cỏ, hoa lá, chim muông…
Và tôi đã thấy những chiếc lá phong tươi trên cành lẫn lá khô rải dọc lối đi dù chúng không nhiều đến mức gọi là “rừng phong” - như lời quảng cáo. Song, điểm dừng của đoàn thám hiểm rừng xanh cũng chỉ tới đó, không đi sâu hơn được. Có thể duyên đến đây là dừng nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy hài lòng vì đã gặp được lá phong - thứ vốn hiếm gặp ở nước mình. Tôi không dám lấy đi một chiếc lá nào của rừng, vì muốn giữ chúng được vẹn nguyên ở nơi chúng thuộc về.
Chỉ có một vài tấm hình tôi kịp chụp lại và tự đặt tên “Thoáng Na Uy trong lòng tôi” - mang những nét bình yên khác lạ. Và tôi biết kỷ niệm thăm rừng lá phong tại Đà Lạt - dịp hiếm hoi được kết nối khá trọn vẹn với thiên nhiên - sẽ ở lại trong lòng mình thật lâu.
|
Góc vườn của người Đà Lạt |
Dành cả buổi lên rừng xanh, rồi tôi cũng phải về chốn nghỉ ngơi. Đà Lạt có biết bao nơi cư trú cho lữ khách lựa chọn.
Tôi đã chọn một nơi, dẫu dành cho lữ khách nhưng vẫn mang đến cho người phương xa cảm nhận “như là nhà”. Đó là một homestay khiêm nhường, nằm dưới con dốc lên nguyện đường Bình An. Tìm đến “Nhà của Bác Thợ Mộc" (bác thợ mộc và cô con gái là cựu sinh viên trường đại học Kiến trúc), chúng tôi vô cùng ngỡ ngàng trước căn nhà gỗ được hai cha con người thợ mộc ấy tự tay kiến thiết toàn bộ, đóng từ cái bàn, cái ghế đến bài trí từng không gian, tạo nên chất đầm ấm rất riêng và thu hút. Cả bầy thú cưng trong nhà dường như cũng được huấn luyện để làm thân, nũng nịu với khách, chẳng màng lạ quen. Khu vườn trước nhà được chăm chút tỉ mẩn đúng chất "vườn Đà Lạt", với những loại hoa lá, cây trái không dễ tìm thấy ở chợ. Điểm cộng lớn nhất là chúng tươi nguyên và lành, tất cả dành để tự cung tự cấp cho gian bếp, trên bàn ăn. Gia chủ luôn sẵn lòng thết đãi nồng hậu những vị khách ghé thăm.
*
Chuyến đi này, nhờ cây cỏ, khí trời, nhờ những trải nghiệm “cảnh thật - người thật” vốn đến từ ánh mắt, cảm xúc lại vỗ về, ủ ấm tâm hồn tôi.
Đà Lạt vẫn thế, là điểm đến sẽ thỏa mãn những tâm hồn yêu mến nếp ngày thanh bình, thảnh thơi hay những kẻ mê thích khi được kết nối với thiên nhiên. n
(*): Lời bài hát Bài này chill phết Đen Vâu - Min
Để tới được “Na Uy ngay giữa Đà Lạt”
- Có hai cách đi vào khu du lịch rừng lá phong: đi xe máy hoặc chèo thuyền. Bạn nên chọn dịch vụ chèo thuyền phao (250.000 đồng/vé khứ hồi) để có trải nghiệm mới. Nếu đi đường bộ, tay lái của bạn phải thật vững vàng, điêu luyện.
- Trang bị một đôi giày tốt, êm chân.
- Mang theo bình nước cá nhân, tránh để lại rác thải nhựa trong rừng.
|
Trần Duy Thành