Rùng mình với vụ ‘nữ sinh lớp 7 bị đánh hội đồng dã man tại lớp’

11/03/2015 - 09:42

PNO - PN - Trong lúc tâm trạng gần như bão hoà giữa muôn trùng vây của các thể loại tin "cướp - giết - hiếp" đang tràn ngập trên các báo mỗi ngày, chẳng hiểu sao trong tôi vẫn sôi sục cảm giác bức xúc đến tột độ mỗi khi đọc các bài...

Rung minh voi vu ‘nu sinh lop 7 bi danh hoi dong da man tai lop’

Cảnh trong clip đánh hội đồng nữ sinh tại Trường THCS Lý Tự Trọng (Trà Vinh).

Phải chăng vì các con tôi cũng đang trong lứa tuổi học sinh nên các tin tức kiểu này không khỏi khiến tôi lo sợ khi nghĩ đến con mình?

Từ vị trí của một người mẹ, tôi thấy bất an khi tôi - cũng như biết bao nhiêu bậc phụ huynh khác - không thể bảo bọc con cái suốt 24/24 giờ mỗi ngày.

Từ góc nhìn của một công dân trong xã hội, tôi thấy hoang mang cực độ, không biết đời sống xã hội rồi sẽ phát triển ra sao khi mà một bộ phận không nhỏ trong lớp trẻ đang ngày càng xuống dốc về đạo đức, biểu hiện qua thói hung hãn, côn đồ, thích giải quyết mọi việc bằng nắm đấm hơn là cách xử sự ôn hoà, với những sự việc mà lý do đôi khi chẳng đáng gọi là lý do.

Có người kết luận do xã hội đang đầy dẫy thói hư tật xấu khiến trẻ bị lây nhiễm; do pháp luật chưa đủ mạnh khiến tội ác lan tràn; do cách quản lý, giáo dục của nhà trường chưa nghiêm nên học sinh tác oai tác quái.

Tôi không đề cập đến các đối tượng khác, nhưng với học sinh, cụ thể là qua vụ các học sinh lớp 7/5 Trường THCS Lý Tự Trọng (tỉnh Trà Vinh) đánh hội đồng một nữ sinh cùng lớp trong bài viết nói trên, có lẽ trách nhiệm thuộc về gia đình các em là chính.

Ở cái tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” này, các em chưa tiếp xúc với xã hội bên ngoài nhiều, điều kiện tiêm nhiễm các thói hư tật xấu từ cộng đồng chưa cao nên có thể nói phần lớn tính cách cũng như cách hành xử của các em phản ánh chính những gì các em được thụ hưởng từ gia đình mà ra.

Nói nôm na thế này, con của một tên cướp khó có thể thành người tử tế cũng như con của một vị giáo sư hay bác sĩ rất khó trở thành một tên cướp hoặc giết người. Nói thế để thấy rằng nền tảng văn hoá, lối sống, cách giáo dục từ gia đình ảnh hưởng rất lớn đến việc hình thành nhân cách của trẻ trong những năm tháng đầu đời.

Nhân cách ấy, theo năm tháng, sẽ bị ảnh hưởng phần nào tác động của môi trường bên ngoài nhưng cái gốc, cái căn bản sẽ không thay đổi.
Nếu đổ lỗi nhà trường không biết giáo dục học sinh thì với một đứa trẻ quen được nuông chiều, muốn gì được nấy như ông trời con ở nhà lại lười biếng, hỗn hào thì nhà trường biết giáo dục thế nào đây khi trẻ chỉ đến trường lúc đã 3 tuổi trở lên?

Con tôi học lớp 6, cũng từng bị các bạn nam cùng lớp bắt nạt bằng cách "cướp" đồ chơi của con đem theo hoặc ném bỏ cặp sách của con khi con trai tôi từ chối chở một bạn thuộc dạng "đầu gấu" trong lớp về nhà.

Quá uất ức nhưng vì được mẹ dặn không được đánh hoặc cãi nhau với bạn, con đã kể lại với mẹ. Không biết có phải do cô giáo đã kịp thời nhắc nhở nghiêm khắc các bạn ấy cũng như cô đã nói chuyện với bố mẹ các bạn sau khi nghe tôi báo không mà từ đó, con tôi không bị các bạn kia kiếm chuyện gây hấn nữa.

Tôi tự hỏi nếu cô giáo không lên tiếng mà bỏ mặc học sinh "tự xử", không biết lớp học sẽ biến thành "chiến trường" lúc nào!

Tôi tìm hiểu thì biết những học sinh thường kiếm chuyện quậy phá con tôi đều sống trong những gia đình có bố mẹ buôn bán, ít có thời gian dành cho con cái.

Thiển nghĩ, những học sinh có "thành tích" cá biệt, ưa quậy phá, thích làm "đầu gấu" trong trường học hẳn cũng xuất thân từ những gia đình có khiếm khuyết trong cách sống hay cách giáo dục con cái, chí ít là tính cách của những đứa trẻ dạng này đều chịu ảnh hưởng từ những mặt tiêu cực của một thành viên nào đó trong nhà.

Có thể các em chưa từng xem phim bạo lực, không có điều kiện truy cập internet để bị bủa vây bởi các thông tin đầy dẫy tội ác cũng như chưa từng chơi các trò chơi trực tuyến kích động, hiếu chiến nhưng nếu ở nhà có người cha tối ngày say xỉn, có ông chú luôn miệng chửi thề hay người mẹ hiền lành thường xuyên bị chồng bạo hành thì cái ác, thói hung hãn hay tính bạo lực, bằng cách này hay cách khác, vẫn có thể len lỏi vào những tâm hồn trong trắng của các em mà thôi!

Nhà trường nói riêng, xã hội nói chung, dĩ nhiên vẫn mang một trọng trách khác trong sự nghiệp "trồng người". Nhưng khi những cái "cây - người" đó phát triển như thế nào, cho hoa thơm trái ngọt hay chỉ bị sâu bệnh, cho trái đắng, hãy tự hỏi người gieo trồng trước đã.

Đó không ai khác hơn là gia đình - những cái nôi sản sinh và giáo dưỡng chính của trẻ thơ - những trụ cột tương lai của đất nước!

LÊ THỊ NGỌC VI (TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI