Rùng mình với đường thốt nốt… “đểu”

12/05/2013 - 07:20

PNO - PN - Không chỉ sử dụng chất bảo quản, chất tẩy trắng trong tình trạng “ba không” (nhãn mác, xuất xứ và hạn sử dụng), tại nhiều lò chế biến, người ta còn pha trộn nhiều nguyên liệu khác để tạo đường thốt nốt. Điều đáng...

Rung minh voi duong thot not… “deu”

Bọt trắng từ dung dịch tẩy trắng thốt nốt sau khi nấu

Một thỏi đường ba lần “tắm” hóa chất

Về vùng Thất Sơn (hai huyện Tri Tôn, Tịnh Biên của tỉnh An Giang), lần đầu tiên chúng tôi được tận mắt chứng kiến cảnh thu hoạch nước thốt nốt. Tuy nhiên, ngay lập tức cảm giác hào hứng ấy nhanh chóng vụt tắt khi “mục sở thị” cảnh anh Chau Tèo, người chuyên thu hoạch nước thốt nốt ở xã Văn Giáo (Tịnh Biên) rắc chất bột màu trắng vào hộp nhựa hứng nước thốt nốt. Chau Tèo cho biết, đó là chất tẩy dùng thay cho cách làm truyền thống là dùng gỗ cây sến hoặc cây sao vạt mỏng, phơi khô để bảo vệ nước thốt nốt không bị hư hỏng. Theo chân các đội thu hoạch nước thốt nốt ở các xã An Phú, Vĩnh Trung, An Cư (Tịnh Biên), chúng tôi đều bắt gặp cách “tắm” hóa chất màu trắng này và tất cả đều có điểm chung là không hề biết tên của nó là gì.

Nhiều người ở huyện Tịnh Biên tỏ ra bức xúc khi cho rằng có đến 100% người khai thác nước thốt nốt sử dụng hóa chất màu trắng. Thật tình, lúc đầu chúng tôi không tin vào con số tuyệt đối này, nhưng sau khi nghe chính miệng những người có thâm niên trong nghề lấy nước thốt nốt thổ lộ, chúng tôi mới biết đó là sự thật không thể chối cãi. Ông Chau Kim Sinh (xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên), người có hàng chục năm gắn bó với nghề xác nhận: “Trước đây tôi cũng chống lại cách làm này, nhưng cuối cùng phải nhắm mắt làm theo vì cây nguyên liệu để bảo quản theo cách làm truyền thống đang khan hiếm và nhất là cách làm này không đáp ứng nhu cầu của khách hàng”. Theo ông Sinh, nếu bảo quản bằng gỗ cây sến, khi nấu, đường thốt nốt có màu rất đậm, bán mất giá. “Bây giờ không còn ai sử dụng gỗ sến để bảo quản nước thốt nốt theo cách làm truyền thống nữa rồi”, ông Sinh thở dài.

Tuy nhiên, đó chỉ mới là... bước khởi đầu "nhẹ nhàng". Bởi để chế biến thành đường, nước thốt nốt phải “tắm” thêm hai lần hóa chất đậm đà hơn. Để chứng minh, ông Sinh dẫn chúng tôi vào cơ sở nấu đường thốt nốt thô của anh Chau Tùng, ấp Vĩnh Thượng, xã An Cư (Tịnh Biên). Có lẽ đã sử dụng quen tay trong hơn chục năm, nên anh Tùng không hề e dè đến sự có mặt của chúng tôi và tự nhiên thả hóa chất màu trắng vào nồi nấu nước thốt nốt thành đường. Anh Tùng cho biết, thông thường cứ khoảng 200 lít nước thốt nốt (tương đương 28kg đường thô) sử dụng 800g-1kg chất bột màu trắng này. Nhưng cũng như anh Chau Tèo và hầu hết những người khai thác, nấu đường thốt nốt khác, anh Tùng không hề biết tên, xuất xứ của chất bột màu trắng này, bởi đơn giản một điều: họ chỉ được người thu gom đường cung cấp dưới dạng bọc nhỏ lẻ, không nhãn mác. Theo lời anh Tùng, sau khi thu gom đường thô về, các cơ sở chế biến đường thốt nốt sẽ tiếp tục dùng chất tẩy thêm một lần nữa để chế biến thành đường viên (đường thẻ) hay đường chảy có màu sáng đẹp để thu hút người tiêu dùng. Như vậy, để trở thành thỏi đường đến tay người tiêu dùng, nước thốt nốt trải qua ba lần “tắm” hóa chất.

Rung minh voi duong thot not… “deu”

Quả thốt nốt là nguyên liệu chế biến ra nước ép thốt nốt

Đã “đểu” còn giả!

Không chỉ thường xuyên chế biến đường sử dụng hóa chất “ba không”, nhiều cơ sở sản xuất đường thốt nốt ở vùng Thất Sơn còn làm giả đặc sản đường thốt nốt. Chúng tôi đột nhập vào một cơ sở chế biến đường thốt nốt ở gần thị trấn Nhà Bàng (Tịnh Biên) đúng dịp nơi đây đang thực hiện công đoạn nấu đường thô để đổ khuôn sản xuất đường viên. Thấy chúng tôi lấy làm lạ khi nhìn người thợ cho bao đường cát trắng thẳng vào nồi đường đang sôi sùng sục, bạn đồng nghiệp rỉ tai: “Để gia tăng lợi nhuận, hiện nay nhiều lò nấu đường thốt nốt đã pha thêm mạch nha, mật đường vào quá trình nấu. Do tính chất của mạch nha là mềm, dẻo, vì vậy họ phải cho thêm đường cát vào để tạo độ cứng”.

Nhằm kiểm tra thông tin này, chúng tôi tìm đến ông Đoàn Văn Phóng, chủ doanh nghiệp Lan Nhi chuyên sản xuất đường thốt nốt ở ấp Phú Nhứt, xã An Phú (Tịnh Biên), cơ sở xuất khẩu đường thốt nốt đến nhiều quốc gia. Vừa nghe chúng tôi đề cập, ông Phóng đã không kềm được bức xúc: “Không chỉ sử dụng mà nhiều lò còn sử dụng với tỷ lệ rất khủng khiếp, có khi lên đến trên 50%”. Theo ông Phóng, điều này không chỉ đánh lừa khách hàng, gian lận thương mại mà còn cạnh tranh không lành mạnh. Ông Phóng tiết lộ, qua thăm dò, đa số các lò sử dụng mật đường hoặc mạch nha với giá rẻ (10.000-12.000đ/kg) để chế biến rồi bán sản phẩm với giá luôn thấp hơn giá đường thốt nốt chính hiệu. “Khi chúng tôi bán ra với giá 26.000đ/kg thì gần như đã sát giá thành, nhưng một số lò khi đưa vào siêu thị chỉ bán đến tay người tiêu dùng với giá 25.000đ/kg”, ông Phóng nói.

Chúng tôi lại tìm đến anh T., chủ một cơ sở sản xuất mạch nha có quy mô lớn ở huyện Chợ Mới (An Giang). Xác nhận việc có bán với số lượng lớn mạch nha cho các lò nấu đường thốt nốt, nhưng anh T. xin phép không nói sâu để đảm bảo mối quan hệ kinh doanh.

Trao đổi với chúng tôi, một vị lãnh đạo Phòng Kinh tế huyện Tịnh Biên bức xúc: “Nạn pha trộn này đã có từ nhiều năm nay, nhưng “xử” nhiều vẫn chưa trôi, vì nạn lắm sãi không ai đóng cửa chùa. Bởi theo phân cấp, đường thốt nốt có đến ba ngành quản lý: khi sản xuất thuộc ngành nông nghiệp, khi bán thuộc ngành công thương, còn đến tay người tiêu dùng thuộc... ngành y tế”.

Rung minh voi duong thot not… “deu”

Chế biến đường thốt nốt viên

Rung minh voi duong thot not… “deu”

Phụ gia: Dễ mua hơn rau

“Bán cho một bọc tẩy”, chúng tôi vừa dứt lời ông Chau Pôu, chủ một cơ sở thu gom đường thốt nốt thô ở trung tâm chợ Vĩnh Trung (Tịnh Biên) đã vói tay vào chiếc bao nằm sát mé đường móc ra một bọc chứa bột màu trắng y hệt như các lò đường đã sử dụng trước đó, với câu nói gọn lỏn: 5.000đ. Gọi là giống hệt vì nó cũng nằm trong tình trạng “ba không”: không nhãn mác, không xuất xứ và không hạn sử dụng.

Thật tình, trước đó, chúng tôi không ngờ việc một người khách lạ lại có thể dễ dàng mua được mặt hàng “ba không” dễ hơn cả mua một bó rau. Chúng tôi cũng dễ dàng mua được chất tẩy trắng “ba không” này tại các chợ xã Văn Giáo, thị trấn Nhà Bàng, thị trấn Tịnh Biên (Tịnh Biên). Theo lãnh đạo Sở Y tế An Giang, về mặt cảm quan rất khó phân biệt được chất tẩy được phép sử dụng (chất tẩy dùng trong chế biến thực phẩm) và chất tẩy không được phép (dùng trong công nghiệp) nên phải tiến hành lấy mẫu đưa đi giám định.

Tùng Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI