Ồ ạt "gặt non" cây keo khi được giá
Ông Nguyễn Văn Kỳ - chủ xưởng băm dăm gỗ ở huyện Quỳ Hợp, tỉnh Nghệ An - cho biết, nhiều tháng qua, cơ sở của ông hoạt động cầm chừng vì “đói” nguyên liệu. Nếu như trước mỗi tháng xưởng chế biến gần 3.000 tấn keo nguyên liệu, thì nay chỉ còn gần 1.000 tấn.
“Thời gian qua thương lái khắp nơi đổ về giành nhau mua, đẩy giá keo lên cao nên tôi phải đi các huyện khác thu mua mới được gần 1.000 tấn mỗi tháng. Cây keo phải trồng 5-6 năm thì sản xuất mới đạt. Nhưng giờ hầu như chỉ còn keo 3-4 năm, nếu không mua thì không có nguyên liệu mà làm” - ông Nguyễn Văn Kỳ nói.
|
Để sớm “thu hồi vốn”, phần lớn diện tích rừng trồng ở Nghệ An vẫn trồng cây keo nguyên liệu - Ảnh: Phan Ngọc |
Từ đầu năm 2024, giá keo liên tục tăng, nhiều thời điểm đạt gần 1,3 triệu đồng/tấn, nên nhiều người trồng keo ở Nghệ An quyết định thu hoạch keo non (3-4 năm tuổi) để bán cho các xưởng sản xuất dăm gỗ. Ông Nguyễn Văn Quỳnh - trú huyện Quỳ Hợp - cho biết, gia đình có 2ha keo 3,5 năm. Dù biết thu non thì năng suất không cao, nhưng vì đang cần tiền, lại được giá nên nhiều người đã “gặt non” rồi tái sản xuất.
Tình trạng khai thác keo ồ ạt khi giá tăng cao thời gian qua khiến nhiều diện tích rừng ở xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh trở nên trơ trụi. Những đồi keo hàng chục héc-ta ở thượng nguồn hồ chứa nước Đập Họ bị khai thác trắng trong mùa mưa lũ dấy lên mối lo ngại về xói mòn đất đai, giảm khả năng giữ nước, giữ đất… Ông Nguyễn Văn Nhân - Chủ tịch UBND xã Phú Gia - cho biết, toàn xã có 1.600ha rừng trồng, chủ yếu là rừng keo. Vì đất rừng đã giao cho các hộ gia đình quản lý, bảo vệ, sản xuất nên khi thu hoạch người dân chỉ báo với xã hoặc đơn vị quản lý rừng. Để tránh tình trạng rừng “trắng cây”, xã Phú Gia chỉ có thể vận động người dân thu hoạch “cuốn chiếu”, vừa thu hoạch vừa trồng mới.
Ông Nguyễn Văn Bằng - Phó phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm Nghệ An - cho biết, thời gian qua, dăm gỗ bán sang Trung Quốc tăng mạnh nên giá gỗ keo được đẩy lên cao. Nghệ An hiện có gần 170.000ha rừng keo nguyên liệu, chiếm 90% diện tích rừng trồng. Mỗi năm khai thác gần 20.000ha, song chất lượng rừng trồng ở Nghệ An chưa cao, hiệu quả kinh tế còn thấp, do chủ yếu là trồng keo theo chu kỳ kinh doanh ngắn. “Cây keo khi thu hoạch non giảm 1/3 lợi nhuận so với cây keo đủ tuổi. Nhưng vì chu kỳ trồng dài, cuộc sống khó khăn nên nhiều người vẫn thường thu hoạch sớm” - ông Nguyễn Văn Bằng nói.
Rừng gỗ lớn vẫn chưa đủ sức hút
Bên cạnh những rừng keo, tràm “ăn xổi”, dọc dải đất miền Trung nay đã xuất hiện xen kẽ nhiều cánh rừng gỗ lớn theo chứng chỉ rừng bền vững FSC. Theo ông Nguyễn Văn Bằng, rừng được cấp chứng chỉ FSC giúp sản phẩm gỗ làm ra được thu mua với giá cao hơn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Đây cũng là tiền đề, điều kiện cần thiết để bán tín chỉ carbon ở rừng trồng trong tương lai.
Sở hữu 1.700/7.000ha rừng keo đạt tiêu chuẩn FSC, ông Hồ Đức Đàn - Giám đốc Xí nghiệp Chế biến nông lâm Sông Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An - nói rằng, trồng rừng gỗ lớn tưởng phức tạp, song thực chất rất có lợi cho dân. Cây keo cũng có thể trở thành rừng gỗ lớn nếu đầu tư 8-10 năm. Ưu việt của rừng gỗ lớn là cho sản phẩm gỗ tốt, năng suất và doanh thu cao gấp 3 lần so với trồng rừng nguyên liệu.
|
Tình trạng khai thác keo ồ ạt khiến những ngọn đồi ở xã Phú Gia bị “cạo trọc” - Ảnh: Nguyễn Lưu |
“Cây keo dưới 4 năm chưa có độ xơ, sản lượng rất thấp. Nếu thu hoạch giai đoạn này thường chỉ đạt 40 triệu đồng/ha. Để sang năm thứ năm đạt 60-70 triệu đồng/ha. Nhưng nếu để 8-10 năm sẽ cho doanh thu hơn 250 triệu đồng/ha. Hơn nữa, nếu thu hoạch keo non rồi trồng chu kỳ mới, người dân tốn thêm gần 20 triệu đồng/ha chi phí phân bón, giống cây và thời gian chăm sóc. Giá keo nguyên liệu cũng khá bấp bênh vì phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc. Lợi nhuận đã thấy rõ, nhưng cái khó là muốn để cây keo thành rừng gỗ lớn thì thời gian quá dài, cần phải có vốn, nên người dân vẫn chưa mặn mà” - ông Hồ Đức Đàn nói.
Nhằm góp phần thay đổi tập quán “ăn xổi”, những năm qua, nhiều tỉnh miền Trung đã có chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân tham gia phát triển rừng theo tiêu chuẩn FSC. Là đơn vị tiên phong thực hiện “cuộc cách mạng” này, ông Võ Văn Biển - Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Chứng chỉ rừng Tây Kim, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh - nói, trồng rừng theo hướng bền vững, đạt tiêu chuẩn FSC đang là xu hướng của thế giới. Đến nay, đơn vị đã chuyển đổi 4.500ha rừng keo nguyên liệu sang rừng gỗ lớn đạt tiêu chuẩn FSC. Trồng rừng bền vững không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần quan trọng trong việc phủ xanh đất trống đồi trọc, giảm thiểu xói mòn và chống biến đổi khí hậu.
Quá trình trồng rừng theo chuẩn FSC không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, không đốt thực bì, hạn chế tối đa nguy cơ cháy rừng và ô nhiễm môi trường sinh thái. Các chủ rừng cũng không được khai thác trắng trên 10ha, mà phải thu hoạch cuốn chiếu, sau 2 tháng thu hoạch phải trồng lại… nên tránh được hạn hán hoặc lũ lụt cục bộ. Cây keo khi đạt tiêu chuẩn FSC cũng được doanh nghiệp thu mua cao hơn giá thị trường 5 - 10%. “Nếu Nhà nước có chính sách cho người trồng rừng vay tín dụng bằng cách thế chấp rừng trồng sau 5 năm, chờ đến 8-10 năm, khi thu hoạch sẽ hoàn trả thay vì bán non thì sẽ thu hút được nhiều người tham gia hơn” - ông Võ Văn Biển nói.
Ông Phan Thanh Lộc - Phó phòng Sử dụng và Phát triển rừng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Quảng Bình - cho biết, người dân khi chuyển đổi sang trồng rừng gỗ lớn được tỉnh này hỗ trợ 10 triệu đồng/ha. Để xây dựng đầu ra ổn định cho rừng gỗ lớn, những năm qua, tỉnh kêu gọi doanh nghiệp đầu tư các nhà máy chế biến gỗ để tạo sự liên kết với người trồng rừng, doanh nghiệp chế biến gỗ chủ động xây dựng vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng gắn với chứng chỉ FSC. Tuy nhiên, đến nay Quảng Bình mới chỉ có 4.500ha/103.000ha rừng trồng đạt tiêu chuẩn FSC. “Do đất rừng manh mún, lại tập trung chủ yếu ở các xã vùng sâu, vùng xa, đời sống còn khó khăn nên người dân đều muốn thu hoạch sớm để trang trải cuộc sống. Hơn nữa, ở Quảng Bình khí hậu rất khắc nghiệt, mưa bão nhiều khiến người dân lo nếu để cây lâu năm sẽ bị gãy đổ” - ông Phan Thanh Lộc nói.
Nghệ An là tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước với hơn 1 triệu ha. Bà Võ Thị Nhung - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh - cho rằng, đây là tiềm năng để Nghệ An phát triển kinh tế rừng. Song toàn tỉnh hiện mới có 32.000ha rừng gỗ lớn, chiếm 20% diện tích rừng trồng.
Nhằm thúc đẩy phát triển trồng rừng gỗ lớn, tỉnh Nghệ An đã có chính sách hỗ trợ người dân trồng rừng gỗ lớn, trồng rừng bằng cây bản địa 5 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, do đời sống người dân còn khó khăn, nhận thức về hiệu quả chuyển đổi từ trồng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn còn hạn chế nên dân chưa mặn mà. Ngoài ra, việc đầu tư các nhà máy chế biến gỗ chuyên sâu còn nhiều hạn chế, các nhà máy chế biến gỗ thịt vẫn còn phải qua nhiều khâu trung gian nên chưa có đột phá trong việc thu hút người dân trồng rừng gỗ lớn.
Lấy ngắn nuôi dài Để “nuôi” gần 10ha cây sa mu, pơ mu quý hiếm, suốt hơn 20 năm qua, ông Vừ Vả Chống - 57 tuổi, trú xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An - tận dụng bóng mát dưới tán cây để trồng chè shan tuyết, chăn thả bò, gà đen, heo rừng… Khí hậu mát mẻ, lại được che nắng bởi tán cây gỗ lớn nên chè phát triển tươi tốt, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Từng được xem là kẻ điên khi tiên phong trồng cây gỗ lớn, song khi thấy mô hình “lấy ngắn nuôi dài” của ông Chống vừa giúp rừng “phục hồi”, vừa có thu nhập ổn định, nhiều người dân ở Huồi Tụ quyết định làm theo. Ông Hạ Bá Lỳ - Phó chủ tịch UBND xã Huồi Tụ - cho biết, đến nay đã có 10 hộ dân khác trồng 7ha cây sa mu, pơ mu, mỗi hộ thu về 30-40 triệu đồng/năm từ chè shan tuyết được trồng dưới tán cây gỗ lớn. |
Phan Ngọc