Rừng được bảo vệ nhờ gắn với lợi ích của cư dân

06/01/2021 - 07:22

PNO - Năm 2011, Việt Nam là quốc gia đầu tiên tại châu Á thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (PFES) trên phạm vi toàn quốc.

Theo đó, các doanh nghiệp hưởng lợi từ rừng phải mua dịch vụ môi trường rừng và người giữ rừng được hưởng chính sách PFES. Sau mười năm, diện tích rừng được nhận tiền PFES tăng từ gần 1,4 triệu ha lên hơn 6,8 triệu ha, với tổng số tiền PFES là 16.757 tỷ đồng, chiếm 18,2% tổng đầu tư vào ngành lâm nghiệp. 

Chính sách Chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác bảo vệ rừng

PFES giúp gắn kết cộng đồng với rừng

Giáo sư - tiến sĩ khoa học Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng - nhiều lần khẳng định rừng được bảo vệ khi nó gắn với lợi ích của dân và PFES là một trong những lợi ích ấy. PFES giống như vai trò bổ sung của Luật Lâm nghiệp, tạo sự thúc đẩy cho các cộng đồng. 

Tiến sĩ Lương Thị Bích Ngọc (trường Đại học Lâm nghiệp) đã nghiên cứu về tác động của PFES đến 21 thôn bản của Nghệ An, Điện Biên, Thanh Hóa - ba tỉnh có nhiều mô hình rừng cộng đồng, với đa dạng loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh). Bà đã rất ngạc nhiên khi thấy mỗi cộng đồng đều tự bàn luận về cách chi trả và quyết định chi trả PFES rất khác nhau, không bản nào giống bản nào. Có nơi dành 4% cho quỹ của bản, còn lại chia đều cho các hộ; có bản trả cho những hộ nghèo nhưng không có người tham gia giữ rừng số tiền bằng 50% so với các hộ có tham gia giữ rừng.

Cánh rừng săng lẻ nổi tiếng được cộng đồng cư dân xã Tam Đình, H.Tương Dương, tỉnh Nghệ An bảo vệ
Cánh rừng săng lẻ nổi tiếng được cộng đồng cư dân xã Tam Đình, H.Tương Dương, tỉnh Nghệ An bảo vệ

Rất nhiều người muốn đi tuần tra rừng vì đi là có tiền, nên thôn bản đã phải đưa ra các tiêu chí chọn lựa thành viên vào tổ tuần rừng. Như ở bản Na Ngà (tỉnh Điện Biên), tiêu chí chọn là người trong độ tuổi lao động, có sức khỏe, chưa từng phá rừng, ưu tiên người thuộc hộ nghèo, không chọn người không ở bản trong sáu tháng liên tiếp… 2/3 số người được tiến sĩ Ngọc khảo sát cho biết, tần suất đi tuần rừng đã tăng lên; thậm chí có những nơi, việc đi tuần rừng được tư duy để đạt hiệu quả cao hơn. Ví dụ mùa khô, mùa sửa chữa nhà, họ sẽ đi tuần rừng vào giờ ăn trưa, ăn tối vì giờ đó thường xảy ra trộm cây. 

Lâm Đồng là một trong những tỉnh đầu tiên thí điểm PFES đối với phần rừng thuộc Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên. Ông Phạm Hồng Lượng - Giám đốc VQG Cát Tiên - cho biết trong giai đoạn 2010-2018, có 12.420 hộ được chi trả PFES với tổng cộng 84,2 tỷ đồng. Ba năm đầu tiên (2010-2013), tổng diện tích có chi trả PFES của VQG Cát Tiên chỉ chiếm 38% tổng diện tích VQG này (VQG Cát Tiên rộng 82.597ha) nhưng từ 2014, khi Đồng Nai, Bình Phước cùng triển khai chính sách này (VQG Cát Tiên nằm ở ba tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước) 97% diện tích rừng đã được hưởng PFES. 

Trước khi có PFES, tổng diện tích giao khoán cho các hộ chỉ dưới 10.000ha nhưng đến năm 2019, đã tăng lên 33.000ha. Như vậy, PFES đã thúc đẩy mạnh mẽ sự gắn kết rừng và cộng đồng. Ông Lượng cho biết thêm, nguồn tiền PFES chiếm khoảng 27% tổng kinh phí duy trì mọi hoạt động của VQG Cát Tiên.

Từng bản nhận trách nhiệm giữ rừng

Trước đây, tình trạng đốt rừng làm nương rẫy ở xã Bản Mù, H.Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái khá phổ biến, nhiều diện tích rừng nguyên sinh bị tàn phá; hằng năm đều xảy ra cháy rừng, nhất là trong mùa hanh khô, do bà con vẫn quen tập quán đốt nương làm rẫy. Bản Mù có hơn 16ha rừng tự nhiên, phòng hộ, trong đó có nhiều diện tích là rừng nguyên sinh với nhiều loài gỗ quý như pơ mu, sến mật nhưng do địa hình chia cắt, núi cao, vực sâu nên rất khó quản lý, bảo vệ, nhất là trong những tháng giáp hạt. 

Những hộ sống sát cánh rừng chính là thành viên của tổ bảo vệ rừng
Những hộ sống sát cánh rừng chính là thành viên của tổ bảo vệ rừng

Bản Mù từng là địa bàn trọng điểm về các vụ vi phạm lâm luật. Những năm qua, xã Bản Mù đã quyết định giao rừng về các thôn bản. Bảy tổ bảo vệ rừng được lập ở bảy thôn bản, mỗi tổ 7-10 người. Các thôn bản đã đưa ra cộng đồng thôn bàn luận về PFES chia cho các hộ và chi cho tổ tuần tra bảo vệ rừng. Tại nhà trưởng thôn Khấu Ly, anh Giàng A Chua, Giàng A Mua cùng các thành viên của tổ bảo vệ rừng thường xuyên trao đổi với cán bộ Ban Quản lý rừng phòng hộ H.Trạm Tấu về công tác bảo vệ rừng cũng như lên kế hoạch tuần tra các điểm xung yếu, nhất là những nơi giáp ranh với các thôn, xã khác. Khấu Ly là bản được giao khoán bảo vệ hơn 1.500ha rừng tự nhiên, rừng phòng hộ. Mỗi tuần, tổ của anh Mua đi tuần 3-4 lần để kịp thời phát hiện những vi phạm.

Anh Giàng A Chua cho biết, nhờ có tiền PFES và khoản tiền khi tham gia tổ tuần tra rừng, nhà anh đã mua sắm được các vật dụng, nuôi con cái ăn học. Thấy rõ những cái lợi của việc bảo vệ rừng nên 125 hộ dân thôn Khấu Ly đều có ý thức tham gia. Người dân không còn tự ý đốt rừng làm nương rẫy, không chặt phá rừng, khai thác lâm sản trái phép. Những năm gần đây thôn Khấu Ly đã giảm hẳn các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến bảo vệ rừng, nhiều hộ dân đã kịp thời báo tin tố giác các hành vi xâm hại rừng. 

Ông Giàng A Chú - Chủ tịch UBND xã Bản Mù - nói: “Trong cả năm 2020, Bản Mù chỉ lập biên bản nhắc nhở 12 trường hợp chưa đến mức phải phạt, vì hễ thấy hiện tượng phát nương là bà con báo ngay, để tổ bảo vệ rừng và UBND xã can thiệp rồi”. 

Liên quan đến chính sách PFES, nhiều chuyên gia cho rằng, cần cụ thể hóa bằng cách xây dựng và áp dụng bộ chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 và thực hiện nguyên tắc “địa phương nào phát triển công nghiệp, thải nhiều CO2 thì phải mua chỉ số này”. Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất cơ chế áp dụng chỉ số môi trường rừng, chỉ số CO2 theo nguyên tắc trên để thúc đẩy các địa phương trồng rừng, người dân sống tốt hơn bằng nghề rừng.

Uông Ngọc

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI