Vụ nam sinh 16 tuổi (ngụ quận Hà Đông, Hà Nội) nhảy lầu tự tử khiến dư luận rúng động.
Trong thư tuyệt mệnh, nam sinh nói do áp lực học hành nên chọn cái chết để kết thúc cuộc đời. Sự việc một lần nữa báo động vấn đề áp lực học hành đối với học sinh, cũng như cách thức quan tâm, chăm sóc con cái của cha mẹ.
|
Nam sinh lớp 10 nhảy lầu tự tử từ tầng 28 của một chung cư |
Trên trang cá nhân, nhà thiết kế Đỗ Mạnh Cường nói, thời đi học anh chỉ học giỏi văn, còn nhiều môn như toán, lý, sinh đều như "vịt nghe sấm". Học giỏi văn nhưng anh thi trượt trường báo chí đến 3 lần. Sau đó, anh ôn luyện mỹ thuật trong thời gian ngắn, đậu 3 trường đại học, cao đẳng.
Anh chia sẻ: "Có lẽ vì vậy mà khi có con ngoài mong các con luôn khoẻ mạnh, vui vẻ, hạnh phúc, ngoan ngoãn, biết yêu thương, sống tử tế. Còn chuyện học hành tôi luôn thấy nhẹ nhàng, chỉ mong các con đi học biết đọc, biết viết, hiểu tiếng Việt , biết tính toán cộng trừ nhân chia.
Tôi luôn quan sát, tìm hiểu xem các con có khả năng gì, thích gì thông qua những hoạt động hàng ngày để từ đó hướng các con theo những gì thuộc về khả năng, sở thích. Tôi luôn suy nghĩ các con đi học như đi chơi nên không bao giờ tạo bất kỳ áp lực nào, mong các con vui khoẻ là được.
Những người tài năng, sẽ phát triển một cách bản năng, tự nhiên, và khi được sống với sở thích, đam mê đứa trẻ sẽ tự động nghiêm túc và cố gắng để đạt được điều mà con muốn.
Quan điểm dạy con của tôi có thể đúng, có thể sai với 1 số người, nhưng quan trọng nhất các con của mình chắc chắn sẽ hạnh phúc". Từ vụ việc đau lòng vừa qua, Đỗ Mạnh Cường mong phụ huynh luôn là người bạn đồng hành để lắng nghe chia sẻ, tâm tư của con để những việc đau lòng xảy ra.
|
NTK Đỗ Mạnh Cường nói anh chỉ mong con sống vui khoẻ, không áp lực chuyện học hành |
Người mẫu Hồng Quế nói từ những vụ việc đã xảy ra trước đây, chị rút kinh nghiệm rằng không quá đặt nặng áp lực học hành với con: "Ngày nào khi con đi học về, tôi cũng chỉ hỏi con vui không. Con vui là được, không cần quá giỏi, chạy đua. Ai đó có thể chê bai, miễn con vui, thoải mái là được. Tôi không bao giờ cần con có thành tích cao, chỉ cần lên lớp là được. Con phải sống vui, sống khoẻ".
Chị Phương Nam (một phụ huynh sống tại TPHCM) nói chị luôn tự nhủ có thể chưa phải là người mẹ tốt, nhưng phải làm bạn tốt của con. Chị và ông xã đều không soi xét chuyện học tập của con, dẫu đôi lúc thấy con của phụ huynh khác học nhanh, nói tiếng Anh lưu loát chị cũng sốt ruột.
Chị kể, từ khi làm mẹ học được sự kiên nhẫn. Chị quan sát kỹ để tìm ra nguyên nhân con chưa học tốt nhưng không gây áp lực. Bởi chị muốn con phải đến trường với tâm lý vui vẻ, thích thú. Cách đây không lâu, chị nằm nghe con tâm sự, rằng làm sao để học giỏi hơn, để bằng bạn bè... Chị trấn an con nhưng bé vẫn tự ý thức học tốt. Đó là điều xuất phát tự thân, không chịu bất kỳ áp lực nào từ gia đình. Theo chị, việc lắng nghe con rất quan trọng.
Chị Thảo Linh (một nhân viên truyền thông, sống tại TPHCM) nói từ nhỏ đã phải chịu áp lực của việc rèn chữ, học thêm, đến khi lên bậc phổ thông, vào đại học rất nhiều lần bật khóc vì áp lực bài vở do áp lực trường chuyên lớp chọn.
"Bố mẹ nào cũng muốn tốt cho con cả, muốn con học hành tử tế để có vị trí tốt trong xã hội. Nhưng ánh mắt dò xét của xã hội vô tình tạo cho phụ huynh Việt Nam thói so sánh: con mình phải hơn điểm người này người kia mới nở mày nở mặt.
Khi ra đời đi làm, tôi cảm thấy việc học đạt điểm cao hay không không còn là vấn đề nữa. Điều cần học để thành công đó là học cách đối nhân xử thế, học làm người. Học để lấy kiến thức căn bản để làm nền móng vững chắc, chứ không phải học để chạy đua về điểm số. Học để có suy nghĩ tiến thủ, để bước ra đời không vì vấp ngã mà từ bỏ"
|
Rất nhiều ý kiến, chia sẻ xoay quanh câu chuyện đau lòng |
Anh Tấn Dũng đau lòng khi đọc tin về vụ việc. Anh bày tỏ quan điểm: “Trường chuyên, lớp chọn, điểm số, thể diện... quan trọng hơn cả sức khoẻ thể chất và tinh thần của con mình hay sao? Thậm chí đã đánh đổi cả một cuộc đời, sự sống của con.
Các bậc cha mẹ hãy thấu hiểu con mình như những người bạn. Hãy tôn trọng ý kiến của con và khi con tâm sự bất kì điều gì hãy làm ơn tin rằng nó đang thực sự rất nghiêm túc với vấn đề đó. Đừng để những ham muốn của bản thân vô tình đè nặng áp lực lên con cái đến mức xuất hiện sự trầm cảm muốn giải thoát”.
Trong khi đó, xoay quanh vụ việc này, chị Kiều Trinh lại mang đến góc nhìn khác hơn. Chị kể cách đây vài năm từng có một bà mẹ mong chị giúp đỡ nếu có bản tin nào về sự ra đi của con bà thì hãy giúp gỡ xuống, vì muốn khép lại nỗi đau ấy khi cuộc đời vẫn tiếp diễn. Chị thấy bức xúc khi bức thư của nam sinh, cộng với những đoạn hình ảnh, clip đang được lan truyền. Chị cho rằng việc này lại càng xoáy thêm nỗi đau của người ở lại. Việc thay đổi nhận thức về giáo dục còn cần nhiều thời gian.
“Cũng như câu chuyện chia sẻ thông tin clip từ camera, từ lá thư hôm nay, nó cho thấy cả một chặng dài nữa của việc giữ quyền riêng tư. Ai có quyền phát tán điều đó? Tại sao những hình ảnh đáng lẽ chỉ cơ quan điều tra mới tiếp cận được lại xuất hiện như vậy. Nếu như có những vụ ản buộc phải xử kín để giữ gìn cho người liên quan, thì phát tán những hình ảnh trên có phải đã vi phạm quyền con người hay không? Tôi mong mọi người dừng chia sẻ, ngưng bình luận và nếu có thể xin gỡ bỏ những hình ảnh ấy. Nếu không, đó sẽ là tài nguyên còn mãi trên mạng”, chị chia sẻ.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng chia sẻ: “Đừng đưa clip hay thư của các cháu lên nữa được không. Dù vô tình hay cố ý thì cũng xoá đi nhé. Các con đã phải bỏ cuộc sống này mà đi một cách đau đớn như vậy, hãy để chúng được an nghỉ”.
Hà Anh (tổng hợp)