Rừng B’lao hát

18/09/2023 - 07:33

PNO - Bạn nhắn tin rủ về đại ngàn nghe lá hát. Những người trẻ thành thị vẫn luôn dành một khoảng thời gian dù ngắn ngủi trong hành trình dài đời mình để thanh lọc tâm hồn bằng cách về với thiên nhiên. Gói ghém bộn bề thường nhật, sớm cuối tuần, chúng tôi và những đứa trẻ rời phố thị khi bình minh còn chưa thức dậy.

 

Làng của người dân tộc nhìn từ đỉnh đồi
Làng của người dân tộc nhìn từ đỉnh đồi

Nhấp trà quý nương lòng vương huyền tích

Thực ra, B’lao là tên gọi cũ của Bảo Lộc. Trong ký ức của nhiều người, đến nay, B’lao vẫn hiện hữu trong tâm trí họ như một địa danh gắn liền nhiều huyền tích. Hiện tại, B’lao chỉ là một phường. 

Bạn tôi nói B’lao vẫn còn những vùng đất mà ở đó mây vẫn giăng đầy những cánh rừng xanh thẳm. Đại ngàn vẫn rì rào tiếng lá hát còn nụ cười của người Mạ sẽ gieo vào lòng dân thị thành sự trong veo đúng nghĩa. Men theo những con đường rợp nắng mai, xe vào cao tốc Long Thành - Dầu Giây đến đoạn cuối thì rẽ sang Quốc lộ 20, bắt đầu đi vào địa phận Lâm Đồng. Đến Bảo Lộc, xe chúng tôi rẽ vào hướng phường B’lao. 

B’lao chủ yếu là những đồi liên tiếp, rừng xanh bạt ngàn và nương rẫy. Buôn B’lao S’re hiện ra giữa lưng chừng đèo B’lao, là nơi cư ngụ của hầu hết người Mạ và K’ho. Anh bạn dẫn đường ngày trước từng vượt núi về thành thị để học chữ, cứ vậy mà xuôi ngược giao thổ cẩm của buôn mình về phố thị. Thị thành níu chân anh bằng mối tình với một cô gái gốc Hoa, là bạn học cấp III của chúng tôi. Trong những lần nhóm bạn cấp III chúng tôi ngồi cạnh nhau, anh bạn người Mạ vẫn hay kể về cội nguồn và bày tỏ niềm vui được một lần đưa bạn bè về thăm đại ngàn quê anh. 

Khi chúng tôi đến, nắng đã lên qua những tán thông. Đầu thu, tiết trời trên đèo se se khiến dân thị thành hít căng tràn lồng ngực. Những mỏi mệt, tất bật chợt như tan biến theo từng cơn gió, mùi lá ngai ngái nồng nồng. Nơi đây vẫn còn thưa dấu chân du khách. Tuy nhiên, người Mạ bây giờ đã khác xưa. Có những người về xuôi thành công, quay về buôn xây dựng những ngôi nhà khang trang trên đỉnh đồi bạt ngàn cây lá. Anh bạn chúng tôi cũng vậy. Ngôi nhà gạch hiện đại nằm cạnh bên những ngôi nhà sàn cũ. Nơi chúng tôi lưu lại trong 2 ngày cuối tuần là ngôi nhà nằm trên ngọn đồi, ngó ra là rừng. Đất vẫn nhiều nhưng phần lớn người Mạ không làm du lịch, họ chỉ tiếp người thân, bạn bè muốn tìm về thiên nhiên, sống những ngày chầm chậm trôi như mây ngang qua những ngọn đồi mướt mát nơi đây. 

Bên bàn ăn, trong men say lâng lâng của rượu cần, chúng tôi nghe già làng kể về nguồn gốc xứ này. Ngày xưa, khi đất trời còn hoang sơ, con người thuần phác, một đêm, thần linh hiện về báo mộng cho người Mạ, nói rằng phải dẫn nhau đi qua 3 núi 3 sông mới đến được nơi có đám mây bay thấp - nơi có 3 con nước giao nhau, có con cọp trắng dưới chân núi Đại Bình để sau này cùng chung sống với 2 người anh em khác là người K’ho và người Kinh. Từ tên một bộ tộc lớn của người Mạ bản địa, người Pháp dùng B’lao để đặt tên cho vùng đất mới. Bởi khí hậu, thổ nhưỡng nơi đây phù hợp với cây trà, hàng chục đồn điền mọc lên, biến B’lao một thời thành vương quốc trà. Dần dà, người Kinh đến lập nghiệp, ngày càng đông vui, hình thành làng mạc, phố xá. Đến nay, nhiều người đã là thế hệ thứ tư, thứ năm trên đất B’lao. 

Chúng tôi nhấp chung trà B’lao, loại trà quý nương 1 tôm 2 lá. Lá trà phải hái từ tinh mơ khi sương còn đọng, mặt trời vẫn chưa chiếu những tia nắng đầu tiên của ngày. Đọt trà chỉ có 2 lá. Khắp cao nguyên này chỉ có đất B’lao của tộc người Mạ mới trồng được loại trà trên. Nếu lá trà được hái khi nắng đã rọi vào thì đó là trà bà lão, uống vào chát và độ thanh, hương thơm không bằng. Có lẽ vì thế, trà B’lao từ xưa xa đã vang danh cả Đông Dương. 

Chiều xao xuyến bên tiếng hát của rừng

Chiều B’lao hiện ra trước mắt chúng tôi là một vùng cảnh vật thơ mộng, thời tiết dễ chịu với màu xanh của núi rừng, của đồi trà chập chùng. Những đám mây núi nhiều hình thù cứ lũ lượt tụ về quanh đỉnh Sapung. Với già làng người Mạ, B’lao là đám mây bay thấp còn với người K’ho, B’lao mang ý nghĩa về sự tốt đẹp.

Anh bạn dẫn chúng tôi lên đỉnh đồi. Bên cây đàn ghi ta, lời ca vang vọng giữa hoàng hôn núi rừng. Gió nâng lời ca chao liệng trên thinh không âm trầm của thu vừa kịp ghé qua. Ngày đó, phố núi B’lao đón bước chân một thầy giáo trẻ vừa tốt nghiệp Trường Sư phạm Quy Nhơn, về giữ chức trưởng giáo tại Trường sơ học Bảo An. Ở thị trấn buồn heo hút này, chàng trai với dáng vẻ gầy gò, thư sinh một mình băng qua nghĩa trang đầy quạ. Đêm đêm, chàng nghe tiếng đại bác phía xa vọng về căn gác nhỏ. Từ đấy, trong lòng chàng dậy lên cảm thức về tình yêu và thân phận con người. Nỗi ám ảnh về khát vọng sống, mơ ước hòa bình, hòa hợp dân tộc đã tuôn trào trên trang giấy. Những giai điệu và ca từ đẹp mà buồn đến não nùng đã gây sửng sốt, ám ảnh người nghe.

Chiều đó, B’lao đưa chúng tôi về với một không gian Trịnh đầy hoài niệm. Tiếng hát, rừng xanh, núi đồi, gió và lá… như quyện lại, đan vào lòng những người con thành thị lần đầu đến với B’lao những nhẹ hẫng trước mênh mông cõi người, những xanh lành trước tất bật đua tranh... 

Sống bên đại ngàn thênh thang lòng mình

Đường vào chùa ở B’lao
Đường vào chùa ở B’lao

Cơn mưa thu lất phất bay khiến đống lửa đêm hôm ấy làm say lòng người thành thị. Lâu lắm rồi chúng tôi mới ngồi gần nhau nói cười như đám trẻ đang tung tăng giữa thiên nhiên. Chúng tôi mua ngô, khoai và gà từ chợ nhỏ của người Mạ để làm tiệc nướng cho buổi tối. Đôi khi ở phố thị, chúng tôi cũng có dịp ngồi bên nhau nhưng trong những quán ăn, trong những căn nhà hình hộp; chưa lần nào cùng nhau ngồi đong đếm kỷ niệm giữa thiên nhiên nồng nàn mùi cỏ cây như vậy. 

Đêm ở rừng thường lạnh và xuống rất mau. Đêm ở rừng cũng khiến người ta thật thà với chính mình nhất. Bên ánh lửa bập bùng, chúng tôi hát, những đứa trẻ chạy quanh khoảng đồi mướt xanh. Những người lớn thả trôi muộn phiền vào gió. Gió đem bỏ lên ngàn. Ngàn xanh ngan ngát màu lá. Những đứa trẻ cũng tạm quên đi sự tù túng của nhà chật, hẻm nhỏ, phố đông mà thỏa thích đùa giỡn với cỏ, với lá, với trò đuổi bắt, với trò chi chi chành chành, với trò đố nhau tên hoa lá... Tiếng cười bọn trẻ chưa bao giờ trong veo đến thế. 

Chúng tôi đến B’lao, quẩn quanh núi rừng nơi đây nghe người Mạ kể chuyện, thở cùng gió, hát cùng lá, sống bên đại ngàn, thấy thênh thang lòng mình một nỗi thương từ thiên nhiên quá đỗi dịu dàng. Ở B’lao, bạn chớ vội vàng, kẻo lại đánh mất một khoảng thời gian thơ mộng, an nhiên giữa đại ngàn xanh thẳm. 

- Từ TPHCM có nhiều nhà xe đi Bảo Lộc, từ trạm trung chuyển ở Bảo Lộc có thể đề nghị họ chở đến B’lao. 

Nhà xe Thành Bưởi: Giá vé xe giường nằm từ 290.000-440.000 đồng/người. Mỗi chuyến cách nhau 1 tiếng.  Nhà xe Phương Trang: Xe giường nằm Sài Gòn - Đà Lạt từ 240.000-270.000 đồng/vé. 

- Ngoài ra, bạn còn có thể liên hệ: 

B’lao Ecotourism (tour kết hợp thiền ở B’lao đang được nhiều bạn trẻ ưa thích)

TropiAd (tour xuyên đêm B’lao duy nhất đến thời điểm này, cũng thu hút rất nhiều người).

- Tháng Chín và Mười ở B’lao là mùa hoa dã quỳ. Tháng Mười một, B’lao vào mùa tảo hồng.

Tống Phước Bảo

 

news_is_not_ads=

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEsaigonanvatvi /strCate=saigonanvat
TIN MỚI

cachecache BAOPNO_GET_NEWS_FEATURE_BY_CATEangididauvi /strCate=angididau