Rừng bị phá vì ‘giao trứng cho ác’

14/11/2014 - 09:39

PNO - PNO - Đất rừng đặc dụng được bàn giao cho 4 hộ không có nhu cầu nhận khoán, các hộ này bàn giao lại cho 2 người lạ quản lý, sử dụng. Đây là hai đối tượng có nhiều dấu hiệu tham gia phá rừng và tiếp tay cho lâm tặc phá rừng.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Bằng, Bí thư Huyện ủy Đông Giang (Quảng Nam) về một phần nguyên nhân xảy ra tình trạng phá rừng tại khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa vừa được phát hiện với hơn 45m3 gỗ quý bị thu giữ.

Rung bi pha vi ‘giao trung cho ac’

Kiểm lâm viên huyện Đông Giang kiểm tra số gỗ lậu vừa bị phát hiện tại khu vực rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa.

Lâm sản cạn kiệt vì trách nhiệm lửng lơ

Chiều 13/11, UBND TP. Đà Nẵng và UBND tỉnh Quảng Nam đã có buổi làm việc để tìm giải pháp về việc quản lý rừng đặc dụng vùng giáp ranh giữa hai địa phương.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Bằng, Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho rằng nguyên nhân của tình trạng phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa một phần do việc giao đất cho người dân không hợp lý. Ông Bằng cho biết, hơn 6 hecta rừng thuộc khu vực chồng lấn giữa hai địa phương được Ban quản lý rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa giao cho 4 hộ dân nguyên là cán bộ lâm nghiệp. Tuy nhiên, 4 hộ này không có nhu cầu nhận khoán nên đã bàn giao cho 2 người khác quản lý.

“Theo điều tra của huyện Đông Giang, đây là hai đối tượng có nhiều dấu hiệu tham gia phá rừng và tiếp tay lâm tặc phá rừng. Trong đó có một đối tượng quê ở Nam Định chuyên làm nghề khai thác gỗ. Đề nghị TP. Đà Nẵng cần làm rõ trách nhiệm pháp lý việc giao đất rừng đặc dụng cho dân”, ông Bằng nói.

Ngoài ra, ông Bằng cũng đề nghị Đà Nẵng chuyển Trạm kiểm lâm Cà Nhông đến một vị trí khác (hiện đang nằm trên đất Quảng Nam). “Trong những lần chúng tôi đẩy đuổi hai người không có trách nhiệm ra khỏi rừng đặc dụng thì họ xin vào ở tạm tại trạm Cà Nhông”, ông Bằng nói.

Rung bi pha vi ‘giao trung cho ac’

Người dân huyện Đông Giang, phần lớn là bà con người Cơ-tu mỗi lần vào rừng chặt mây đều bị kiểm lâm viên trạm Cà Nhông kiểm tra, hỏi han kỹ lưỡng, chặt chẽ. Ông Bằng đặt câu hỏi nếu làm kỹ như vậy, tại sao lại có khối lượng gỗ quý khai thác trái phép lớn tồn tại cách trạm không xa?

Ông Đỗ Tài, Chủ tịch UBND huyện Đông Giang đồng quan điểm với ông Bằng. Ông Tài còn nêu vấn đề có 9 hecta đất chồng lấn do Đà Nẵng quản lý, người dân đã trồng cây cao su. Theo ông Tài, trong quy định, ở khu vực rừng đặc dụng có thể trồng cây keo, tràm nhưng cấm trồng cây cao su. Huyện Đông Giang nhiều lần ra quân ngăn chặn nhưng không thể thực hiện được vì thuộc địa phận Đà Nẵng quản lý.

“Người dân họ trưng ra văn bản đồng ý để họ trồng cây cao su trong rừng đặc dụng. Văn bản có chữ ký của anh Sự (ông Phạm Ngọc Sự, Giám đốc BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, Đà Nẵng) nên cơ quan chức năng huyện Đông Giang không thể can thiệp. Hiện nay có khoảng 9 hecta cao su, mỗi hecta đầu tư hơn 150 triệu đồng nên việc xử lý sẽ rất khó và tốn kém”, ông Tài cho hay.

Theo ông Trần Viết Phương, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Đà Nẵng, 6 hecta rừng đặc dụng giao khoán cho người dân trước đây là đất trống, đồi trọc. Sở NN và PTNT cho phép chuyển đổi trồng keo, tràm. Sở không có chủ trương trồng cây cao su trên diện tích đất này. Sở sẽ kiểm tra chủ quản lý rừng là BQL rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa về trách nhiệm và sẽ báo cáo UBND TP. Đà Nẵng xử lý trách nhiệm.

Cắm lại mốc ranh giới để giữ rừng

Đặc biệt, ông Tài cho biết, khu vực chồng lấn quản lý ở vùng giáp ranh giữa hai huyện Đông Giang (Quảng Nam) và Hòa Vang (Đà Nẵng) hiện đang rất nóng với tình trạng khai thác lâm sản trái phép, khai thác vàng trái phép và trồng cao su trong rừng phòng hộ. Nếu không có biện pháp quản lý và bảo vệ kịp thời thì hơn 8.000 hecta rừng giàu ở đây sẽ lần lượt bị tàn phá.

Ông Tài đề nghị toàn bộ rừng đặc dụng đầu nguồn không giao cho cá nhân như hiện nay mà giao cho tập thể quản lý. Theo đó, khu vực rừng đặc dụng thuộc địa phận Quảng Nam sẽ bàn giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Kôn và thuộc địa phận Đà Nẵng sẽ giao việc quản lý cho BQL rừng phòng hộ Bà Nà - Núi Chúa.

Ông Phùng Tấn Viết, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, đối với vụ phá rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa, TP. Đà Nẵng đã và đang xử lý nghiêm các cán bộ có trách nhiệm liên quan. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo phải điều tra, làm rõ vụ việc. UBND TP. Đà Nẵng đã đình chỉ công tác 7 cán bộ liên quan đến vụ phá rừng và sẽ tiếp tục xử lý các cán bộ liên quan.

Theo ông Viết, Đà Nẵng đang nghiên cứu vị trí mới cho Trạm kiểm lâm Cà Nhông. Vị trí mới phải phù hợp, nằm trong địa phận Đà Nẵng nhưng phải đảm bảo việc phối hợp tốt với Quảng Nam để bảo vệ rừng. Việc xây dựng trạm Cà Nhông mới sẽ hoàn thành vào cuối tháng 6/2015.

Ông Viết cũng chỉ đạo Sở Nội vụ, Sở Tài nguyên môi trường, Sở NN và PTNT, huyện Hòa Vang phối hợp với tỉnh Quảng Nam để cắm lại mốc ranh giới nhằm tránh tình trạng chồng lấn, không rõ ràng khiến lâm tặc có địa bàn hoạt động do hai địa phương không thống nhất trách nhiệm quản lý. Việc cắm mốc sẽ phải hoàn thành trước ngày 30/3/2015.

Ông Viết cũng đề nghị rà soát, thu hồi lại đất giao sai quy định để xử lý, đồng thời yêu cầu Sở NN và PTNT kiểm tra trách nhiệm những cá nhân để xảy ra tình trạng trồng cao su trong rừng đặc dụng, xử lý nghiêm cán bộ có dấu hiệu vi phạm.

ĐÌNH THỨC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI