Rừng bạch đàn ven sông

03/09/2023 - 11:20

PNO - Rồi rừng cây biến mất, nhường chỗ cho đường sá, xây cất, chỉ còn xanh ngát trong tuổi thơ bọn trẻ nhà quê thuở nào.

Con sông trước nhà tôi khởi thủy là dòng chảy tự nhiên, được nhiều thế hệ người địa phương chung tay nạo vét, mở rộng bằng các dụng cụ thô sơ. Rồi sông được quy hoạch, cải tạo, những chiếc xà lan với cần cẩu khổng lồ đã biến nó thành vừa rộng vừa sâu. Đất múc từ lòng sông đổ thành bãi cao ngất 2 bên bờ, như triền đồi kéo dài hàng chục cây số.

Qua vài tháng phơi nắng phơi mưa, đất từ lòng sông rã thành từng viên nhỏ, đổi màu từ đen sang bạc. Những người đàn ông cuốc xới cho đất tơi xốp bằng phẳng. Họ mua rất nhiều bầu cây bạch đàn con, dùng thước đo khoảng cách cẩn thận trước khi trồng. Mỗi cây bạch đàn cách nhau đúng 2 mét, đan thành những thảm xanh đều tăm tắp trên bãi đất, khiến 2 bên sông như được trải tấm thảm khổng lồ. Hiệu ứng ánh sáng hắt từ 2 thảm bạch đàn khiến nước sông có vẻ trong xanh, mát mẻ thêm. Đó là một góc thiên đường.

Những cây bạch đàn in đậm trong ký ức tuổi thơ của tác giả - Ảnh minh họa
Những cây bạch đàn in đậm trong ký ức tuổi thơ của tác giả - Ảnh minh họa

Đám cây bạch đàn lớn rất nhanh. Ba tôi nói đó là giống bạch đàn nhập khẩu từ Úc. Bận bịu với đồng áng, cha mẹ thường dặn trẻ con trong nhà mỗi khi mát trời cứ cầm dao kéo ra sông tỉa nhánh bạch đàn, chỉ chừa lại vài cành non sát ngọn. Quan trọng nhất là chúng tôi không được làm gãy cái đọt, để cây mau lớn và vươn thẳng.

Cả đám làm việc như chơi, chạy nhảy hò hét vang động trên đồi đất. Chúng tôi rải các nhánh bạch đàn đã tỉa xuống gốc cây, đợi sau 1-2 ngày nắng, lá vừa chuyển màu khô hanh là có thể gom vào bếp cho mẹ. Cành lá bạch đàn nhiều chất dầu nên rất dễ bắt lửa, khi cháy có mùi thơm dễ chịu. Mỗi lần má nấu bếp bằng loại lá này, cả ngôi nhà như được xông hương tinh dầu, côn trùng các loại đều tránh xa.

Các nhánh bạch đàn lớn hơn cần thời gian hong nắng lâu hơn nên chúng tôi lựa chúng ra riêng rồi để lại sân phơi thêm. Chiều chiều, hứng chí, cả bọn tranh nhau chọn cành vừa tay làm kiếm, vắt lưng quần, rượt nhau đánh trận náo loạn cả xóm. 

Trong khi bọn tôi vẫn còn phá làng phá xóm thì rừng cây đã vươn cao mấy mét, gốc to bằng bắp chân người lớn. Những người nhiều tuổi trong xóm ít gọi chúng là bạch đàn. Họ thường xài từ “khuynh diệp”. Bọn nhóc chúng tôi không còn trèo cây tỉa cành cho khuynh diệp được nữa, chỉ đợi nhánh khô rơi xuống, lượm về làm củi hoặc đứa nào siêng thì mang chổi chà ra quét, gom lá khô vun đống, cho vào bao vác về để mẹ nấu nướng. Nhờ lũ nhóc thường xuyên gom lá, gom cành mà rừng khuynh diệp tươm tất dễ nhìn, như một công viên làng quê, sạch thoáng mát rượi.

Mùa thu, cây khuynh diệp đồng loạt trổ hoa. Mỗi cái nụ li ti có lớp vỏ cứng, như chiếc mũ nhọn của chú hề, chụp trên đầu nụ. Khi “chiếc mũ” rơi ra, hoa bung tròn bởi nhiều sợi nhỏ màu trắng, tương tự bông mimosa. Hàng triệu triệu “chiếc mũ” rơi xuống đất, được nắng nhuộm khô thành thảm vàng rực, rất bắt mắt.

Chúng tôi lượm vỏ nụ hoa khuynh diệp làm vòng đeo tay, vương miện đội đầu, chơi đồ hàng. Các chị lớn hơn xỏ chúng thành mành treo trang trí nhà cửa, tường vách. Đợi trái khuynh diệp chín, các anh thanh niên sẽ leo hái, ươm ra thêm nhiều cây con để bán cho các vùng miền xa.

Chúng tôi dần lớn lên. Rừng đã có cây ôm một vòng tay không hết. Gỗ bạch đàn dùng làm nội thất. Mỗi cây bạch đàn được đốn hạ là cái gốc mọc lên rất nhiều mầm con ngay sau đó. Người lớn tỉa bỏ hết, chỉ chừa lại 1 mầm tươi tốt thẳng thướm nhất. Cây bạch đàn mọc từ gốc mẹ trữ sẵn nhiều dinh dưỡng nên lớn rất nhanh.

Cứ vậy, cây này bị chặt, cây khác mọc lên thay thế, rừng vẫn xanh ngút ngàn đôi bên bờ sông. Rồi rừng cây biến mất, chỉ còn lại đám gốc trùi trụi. Sau, gốc cũng bị đào xới không còn dấu vết, nhường chỗ cho đường sá, xây cất. Rừng bạch đàn ven sông chỉ còn xanh ngát trong tuổi thơ bọn trẻ nhà quê thuở nào. 

Quỳnh An

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI