Runaway Train: Thông điệp giải cứu những đứa trẻ mất tích

03/04/2023 - 15:22

PNO - Trở thành một hiện tượng toàn cầu vào năm 1993 và được sử dụng ở nhiều quốc gia trong việc tìm trẻ lạc, Runaway Train ban đầu được Dave Pirner sáng tác để kể về trải nghiệm trầm cảm thời trẻ.

Từ chuyến tàu chạy trốn đến bản hít của một thời đại 

Sau khi kết thúc chuyến lưu diễn dài, tay trống và giọng ca chính Dave Pirner rơi vào chứng trầm cảm nghiêm trọng do thính giác bị giảm sút. Gánh nặng tinh thần càng chồng chất khi nhóm Soul Asylum đang bên bờ vực của việc tan rã do doanh thu bán đĩa giảm sút. Để vực dậy tinh thần, Dave bắt đầu thử chơi acoustic guitar và nghe thêm nhiều bài hát của Woody Guthrie, Bob Dylan, Leonard Cohen... Từ đó, ông nảy sinh cách tiếp cận âm nhạc hoàn toàn mới mẻ.

Dave Pirner hát ca khúc Runaway Train năm 1993 ẢNH: YOUTUBE MUSIC
Dave Pirner hát ca khúc Runaway Train năm 1993 Ảnh: YouTube Music

Sự phá cách này được truyền tải trọn vẹn trong Runaway Train (tên Việt: Chuyến tàu chạy trốn) - bài hát Dave viết tặng bản thân, là lời bộc bạch về cuộc chiến của bản thân với chứng trầm cảm. Ông hoàn thành ca khúc chỉ sau 30 phút, trong khi với mỗi lần sáng tác những ca khúc trước đó, ông mất rất nhiều thời gian. 

Hình ảnh đoàn tàu trong bài hát lấy ý tưởng từ việc giọng ca bị cuốn hút bởi những toa tàu khi còn bé và say mê trước loạt phim Casey Jones (1957) - kể về cuộc phiêu lưu của kỹ sư đường tàu Casey Jones và đội ngũ đầu máy hơi nước Cannonball Express. Trong bài hát, con tàu chạy trốn ẩn dụ cho nỗ lực thoát khỏi cảm giác bất lực trước việc tự giải thoát khỏi chứng trầm cảm, trước việc rơi vào cái mà ông gọi là “hố đen” tinh thần. 

Tuy nhiên, khi lắng nghe ca khúc này, đạo diễn Tony Kaye đã lóe lên ý tưởng: Tại sao không dùng video âm nhạc để truyền tải thông điệp về những đứa trẻ mất tích? Ý tưởng đến với Tony khi ông nhìn thấy chân dung một đứa trẻ mất tích được in trên hộp sữa. Vụ án cậu bé 6 tuổi Etan Patz mất tích khi đang trên đường đến trạm xe buýt ở khu Soho vào năm 1979 đã khởi phát cuộc vận động tìm kiếm trẻ em mất tích, gồm những điều luật và phương pháp mới trong việc truy vết trẻ mất tích. Sau nhiều năm kể từ khi mất tích, Patz là một trong những đứa trẻ đầu tiên nằm trong chiến dịch “in ảnh trên hộp sữa” vào đầu thập niên 1980. Năm 1983, Tổng thống Ronald Reagan ấn định 25/5 - ngày Patz mất tích - là ngày Trẻ em mất tích quốc gia ở Mỹ. 

Ernie Allen - người sáng lập Trung tâm Quốc gia về Trẻ em mất tích và bị lạm dụng (NCMEC) - khi nhắc đến chiến dịch truyền thông qua hộp sữa, đã đề cập đến hiệu quả mạnh mẽ  của nó. Ông nhận định: nếu càng nhiều người được cung cấp hình ảnh và thông tin kỹ lưỡng, rõ ràng, khả năng tìm ra đứa trẻ mất tích cũng cao hơn. Dù vậy, một thời gian sau, chiến dịch kết thúc sau khi bác sĩ nhi khoa Benjamin Spock và một bộ phận đám đông cho rằng chiến dịch gây cảm giác sợ hãi không cần thiết ở trẻ em.

Một cảnh trong phiên bản làm mới Runaway Train sau hơn 25 năm - ẢNH: RUNAWAYTRAIN25.COM
Một cảnh trong phiên bản làm mới Runaway Train sau hơn 25 năm - Ảnh: runawaytrain25.com 

Khi bắt tay vào dự án video Runaway Train, đạo diễn Tony Kaye và Ernie Allen thống nhất cùng tập trung đưa lên thông tin của “những đứa trẻ bỏ trốn có nguy cơ biến mất vĩnh viễn”. Theo định nghĩa của Bộ Tư pháp Mỹ, những đối tượng này đến từ những nguyên nhân như “bạo hành thể xác hay tình dục tại nhà, lệ thuộc chất kích thích hay trong một băng nhóm có sử dụng ma túy”. Bên cạnh đó, những đứa trẻ phải thỏa tiêu chuẩn: đã mất tích ít nhất một vài năm, sự mất tích phải được báo cáo cho cơ quan chức năng và được đưa vào cơ sở dữ liệu tội phạm quốc gia của Cục Điều tra Liên bang, quan trọng là phải có sự đồng thuận của gia đình nạn nhân trong việc công khai danh tính đứa trẻ. 

Ở thời điểm ấy, theo thống kê của Đường dây an toàn quốc gia cho những người chạy trốn, đã xảy ra 1,6 triệu trường hợp trẻ em chạy trốn hằng năm. Kể cả khi những đứa trẻ bỏ nhà ra đi quay trở về sau một thời gian ngắn, Allen cho rằng chúng có nguy cơ bị tổn thương về tinh thần cao hơn nhiều. Do vậy, phần kết những câu chuyện về trẻ em mất tích trong Runaway Train mang gợi ý: đôi khi câu chuyện tưởng chừng giống như cuộc chạy trốn thực chất lại là vụ bắt cóc. 

Cả Allen và Kaye đều muốn video “cung cấp cơ hội tiếp cận lớn cho một bộ phận người dân không thường xuyên nhìn thấy những bức ảnh trẻ mất tích…”. Tuy nhiên, Allen cũng đưa ra điều kiện cho Kaye: Nếu bất kỳ đứa trẻ nào được tìm thấy, đoạn clip về đứa trẻ đó phải ngay lập tức được xóa và thay thế bằng danh tính một đứa trẻ mất tích khác. Trên thực tế, nếu mọi thứ diễn ra đúng như vậy, Kaye sẽ phải cắt đi cắt lại video nhiều lần.

Giai điệu và lời hát nhẹ nhàng, giàu cảm xúc cùng thông điệp video thức thời khiến Runaway Train nhanh chóng thành bản hit vào ngày 1/6/1993, giúp Soul Asylum từ vị trí thê thảm thành ngôi sao vụt sáng. Bài hát đạt giải Grammy cho Ca khúc nhạc rock hay nhất. Thậm chí, ban nhạc đã chơi Runaway Train tại lễ nhậm chức đầu tiên của Bill Clinton, cũng như lễ ký kết Đạo luật nghĩa vụ quốc gia tại Nhà Trắng vài tháng sau đó. 

Khi video ra mắt vào tháng 5/1993, 13 đứa trẻ nhanh chóng được tìm thấy và con số cuối cùng là 21. Elizabeth Wiles là người đầu tiên về nhà sau khi nghe ca khúc. Elizabeth đã gặp nhóm Soul Asylum một lần, ở hậu trường một buổi hòa nhạc tại Little Rock. Tháng 8/1993, cô xuất hiện trên NBC cùng mẹ, Dave Pirner và Ernie Allen. 

Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng may mắn như Elizabeth. Trong phiên bản Soul Asylum ở Anh, Vicky Hamilton và Dinah Nicol - 2 nữ sinh mất tích sau khi đi nhờ xe trong một chuyến phượt - đã không bao giờ trở về. Thủ phạm phải trả giá bằng án tù chung thân do cưỡng hiếp và sát hại nạn nhân dã man. Nhiều trường hợp trẻ em bị sát hại đã được tìm thấy.

Runaway Train 25

 

Runaway Train 25: Nỗ lực làm mới ca khúc sau 25 năm 

Hơn 25 năm sau, NCMEC và công ty quảng cáo M/H VCCP đã ra mắt phiên bản làm lại - Runaway Train 25 - được trình diễn bởi 3 ca sĩ - nhạc sĩ nổi tiếng: Jamie N Commons, Skylar Grey và Gallant với giai điệu hiện đại hơn. Đăng trên trang web runawaytrain25.com và sử dụng công nghệ xác định vị trí hiện tại của người xem video, việc chia sẻ và báo cáo thông tin trẻ em thất lạc trở nên dễ dàng hơn.

Theo lời John Clark - Chủ tịch NCMEC hiện tại - trong buổi ra mắt báo chí, “video này đã thay đổi cuộc chơi. Nó làm bật lên những vấn đề cấp thiết mà những đứa trẻ chạy trốn đối mặt và cho thấy bức tranh thực sự của trẻ mất tích. Bằng cách sáng tạo và chia sẻ video, mọi người có khả năng tạo nên sự khác biệt trong cộng đồng mình”.

Khi chia sẻ cảm nghĩ về chiếc áo mới của ca khúc, Dave Pirner nói rằng đây là điều khiến ông hoàn toàn hạnh phúc: “Tôi muốn làm thứ gì đó có tác động đến thế giới thực và nó đã thực sự hiệu quả”. Kể cả khi ca khúc đã mang một hơi thở riêng, ông vẫn cảm thấy vui vì ca khúc đã trở thành của mọi người. Hiện tại, nhiều khán giả vẫn liên tục đưa ra bình luận tích cực không chỉ về ý nghĩa xã hội của Runaway Train vào thời điểm họ còn là những cô cậu tuổi teen mà còn về sự thấu cảm với những người đang trải qua các vấn đề về sức khỏe tinh thần. 

Vĩnh Anh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI