Rủi ro sau nâng mũi

11/06/2018 - 11:30

PNO - Tại khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, khách hàng tới nâng mũi, tư vấn về sửa mũi chiếm từ 30-40%.

Trong số đó, 10% liên quan tới các vấn đề bị biến chứng do phẫu thuật nâng mũi tại các cơ sở bên ngoài. Đa số biến chứng do chính bệnh nhân tự gây ra.

Nhiễm trùng vì sửa đi sửa lại

Ngày nào Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cũng có vài trường hợp “lợn lành chữa lợn què” sau nâng mũi do khách hàng quá hấp tấp, lập trường không vừng vàng, dễ bị tác động bởi những người xung quanh. Chị P.T.T., 35 tuổi, ngụ tại Q.2, là một trong số đó. Khi nhân viên y tế đọc tới tên mình, chị bước vào phòng. Chị tháo khẩu trang, để lộ vùng mũi sưng nề, bầm tím, sống mũi lệch.

Chị T. yêu cầu được phẫu thuật sửa lại mũi. Sau khi biết bệnh nhân mới phẫu thuật nâng mũi ở một cơ sở khác được một tuần, bác sĩ đã đề nghị chị theo dõi thêm ít nhất một tháng, kê toa thuốc cho uống. Trong tình trạng vùng mũi sau phẫu thuật còn sưng nề như vậy thì tốt nhất không nên đụng chạm, can thiệp để tránh làm tình trạng thêm phức tạp. Theo vị bác sĩ khám cho chị T., nguyên nhân khiến mũi bệnh nhân bị vẹo do không giữ gìn kỹ sau ca mổ (đeo khẩu trang quá chặt, nằm ngủ nghiêng mặt xuống gối gây tỳ đè).

Rui ro sau nang mui
Cần thời gian theo dõi từ 4-8 tuần kể từ lúc mổ để đánh giá độ thành công của một ca phẫu thuật thẩm mỹ

Nghiêm trọng hơn là trường hợp của chị H.T.D., sinh năm 1981, ngụ tại Q.Tân Bình. Chị D. đi nâng mũi s-line Hàn Quốc tại một thẩm mỹ viện ở Q.1. Khi vừa mở băng, đi làm buổi đầu tiên, chị bị đồng nghiệp chê mũi có vẻ hơi lệch. Chị quay lại viện thẩm mỹ khiếu nại, đòi sửa nhưng bác sĩ không đồng ý, yêu cầu chờ thêm một tháng cho tới lúc vết thương lành hẳn.

Nghĩ rằng bác sĩ muốn cò cưa kéo dài thời gian, chị D. bỏ sang cơ sở thẩm mỹ khác, yêu cầu sửa lại mũi. PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng khoa Tạo hình thẩm mỹ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - lấy làm tiếc khi nữ bệnh nhân trên tìm đến mình: “Mũi làm rất đẹp, vậy mà chưa gì cô ấy đã vội vàng đi sửa lại. Sửa tới sửa lui cả thảy ba lần, mỗi lần một chỗ khác nhau. Hậu quả là chiếc mũi bị nhiễm trùng, sẹo xơ co rút. Sụn tự thân đưa vào mũi nay cũng đành phải lấy ra”. Với trường hợp của chị D., ít nhất 6 tháng sau mới có thể can thiệp chỉnh sửa mũi. Hiện tại, bệnh nhân chỉ còn cách mang trên mặt chiếc mũi biến dạng, phải tạm nghỉ làm vì mặc cảm không dám tiếp xúc với ai.

Không nên can thiệp trong thời gian 4-8 tuần

Theo PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, trong ngành phẫu thuật thẩm mỹ, bác sĩ bám sát nhu cầu của khách hàng, coi sự hài lòng của khách hàng là số một. Nhưng dù chiều theo khách hàng cũng phải tùy từng trường hợp mà đưa ra các tư vấn phù hợp. Phẫu thuật thẩm mỹ vẫn phải dựa trên những cái sẵn có, bác sĩ chỉ cố gắng làm cho nó đẹp hơn mà thôi.

Sau ca phẫu thuật, kể cả lúc tháo băng vẫn chưa được gọi là hoàn tất. Có người mổ xong 2-3 ngày đã bớt sưng, nhưng có người phải mất cả tháng. Trong điều kiện mũi còn sưng nề thì chưa thể đánh giá chính xác độ thành công của ca phẫu thuật. Do đó, sau ca mổ, khách hàng phải theo dõi ít nhất từ 4-8 tuần. Thậm chí có những ca nâng mũi bằng vật liệu tự thân, đầu mũi sưng phù lên, cần đến 6 tháng mũi mới thực sự ổn định về hình dáng. 

Bác sĩ Tuấn khuyên, nếu phải phẫu thuật chỉnh sửa thì nên để bác sĩ đầu tiên thực hiện vẫn là lựa chọn tốt nhất, bởi họ hiểu về ca bệnh của mình hơn cả. 

Tuy nhiên, sau phẫu thuật nâng mũi vẫn có thể xảy ra các biến chứng, khách hàng cần nhận biết được dấu hiệu để đi khám, xử lý kịp thời. Các biến chứng trong phẫu thuật là chảy máu nhiều (xảy ra với một số người đang trong chu kỳ kinh nguyệt). Biến chứng sớm sau mổ nguy hiểm nhất là nhiễm trùng (mũi và mặt bị sưng, nóng đỏ, đau nhức, tím).

Một số biến chứng muộn: vôi hóa sụn, thiếu máu nuôi mô sụn dẫn tới hoại tử da đầu mũi làm lộ sống mũi. Lệch vẹo mũi cũng là một sự cố hay gặp, có thể do bệnh nhân tỳ đè gây nên. Hoặc do bản thân sống mũi bình thường đã có độ gồ ghề, vẹo lệch ít, sau khi can thiệp lại vô tình làm khuyết điểm này lộ rõ hơn. 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI