Rủi ro lớn khi tùy tiện dùng dịch vụ châm cứu, bấm huyệt

28/11/2023 - 05:54

PNO - Hiện nay, các dịch vụ châm cứu, bấm huyệt chữa bệnh rất phổ biến. Chỉ cần ngồi nhà, lướt mạng và gọi điện là sẽ có người đến tận nơi phục vụ. Tuy nhiên, trình độ chuyên môn của người làm dịch vụ này lại không được kiểm chứng nên nguy cơ gặp biến chứng rất lớn.

Phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Bay - giảng viên bộ môn y học cổ truyền Trường đại học Y Dược TPHCM - cho biết, bà thường tiếp nhận các trường hợp bị tai biến do châm cứu ở những cơ sở thiếu uy tín, tự phát. Thậm chí có trường hợp bị gãy kim do châm không đúng kỹ thuật. Có ca bị bội nhiễm, nhiễm trùng do người châm cứu không có kiến thức y khoa, châm cả trên vùng đang mắc bệnh da liễu. Số người bị chảy máu, bầm tím sau châm cứu ở spa cũng không hề ít. 

Bị áp xe, đau đớn

Mới đây, bà N.K.N. - 60 tuổi, ngụ huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai - phải đến bệnh viện khám do cổ chân trái sưng tấy, nóng đỏ gây đau nhức không đi lại được. Bà N. cho biết mình thường bị tê bì ngón chân nên gọi một thầy lang tới nhà cấy chỉ (tức là nhu châm - dùng kim châm chôn chỉ tự tiêu vào trong huyệt đạo). Được vài ngày thì cổ chân bà N. sưng tấy. Bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Thị Tuyết Nga - Trưởng khoa Y dược cổ truyền Bệnh viện Lê Văn Thịnh - nhận thấy, bệnh nhân đã được châm kim và cấy chỉ vào huyệt giải khê. Do trong quá trình thực hiện không đảm bảo vô khuẩn nên vị trí cấy chỉ đã hình thành ổ áp xe. Nếu không can thiệp ngay, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng máu và nguy hiểm tính mạng. Bà N. đã được chuyển sang khoa ngoại xử lý, điều trị. 

Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga điện châm cho trường hợp bị đau do bệnh lý xương khớp
Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga điện châm cho trường hợp bị đau do bệnh lý xương khớp

Trường hợp khác là bà P.T.D. - 50 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè - bị thoát vị đĩa đệm nên thường xuyên đau lưng. Không muốn can thiệp phẫu thuật, bà D. hỏi han bạn bè và được giới thiệu kỹ thuật cấy chỉ. Ngại tới chuyên khoa y học cổ truyền ở các bệnh viện nên bà lên mạng xã hội tìm thông tin. Bà D. đã tìm được hàng loạt cơ sở châm cứu có dịch vụ tận nhà. Chọn một cơ sở tại huyện Nhà Bè, bà được một nhân viên đến tận nhà châm kim, cấy chỉ. Trong quá trình châm cứu, bà D. cảm thấy rất đau đớn. Lúc kim được rút ra, bà bị chảy nhiều máu. Sau đó, bà D. đã tới bệnh viện khám và được bác sĩ nhắc nhở về rủi ro rất cao vì trước khi châm cứu, cấy chỉ không tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên môn. Bà bị bệnh tim mạch, đã đặt stent và đang uống thuốc chống đông máu. 

Được biết, kỹ thuật cấy chỉ có xâm lấn cần thực hiện hết sức thận trọng trên bệnh nhân tim mạch, đặc biệt là người đang sử dụng thuốc chống đông máu bởi dễ xảy ra tai biến chảy máu khó cầm. Nhân viên tại các cơ sở tự phát không phải là bác sĩ. Họ chỉ trải qua đào tạo vài tháng, tuy biết thao tác châm kim, cấy chỉ nhưng không hiểu được nguyên lý điều trị, các nguyên tắc vô khuẩn, lúc xảy ra sự cố cũng không kiểm soát và xử trí được.

Dập cơ vì mát xa sai cách

Bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga thông tin, đơn vị mình thường xuyên tiếp nhận các trường hợp bị biến chứng nhiễm trùng do sử dụng dịch vụ châm cứu, bấm huyệt tự phát. Như trường hợp nữ bệnh nhân H.T.H. - 34 tuổi, ngụ TP Thủ Đức - tới khám vì tình trạng nhức mỏi lưng thường xuyên. Chị H. chia sẻ rằng tuần nào mình cũng phải đi spa mát xa 2 lần. Chỉ cần bận rộn bỏ lỡ buổi mát xa là toàn thân sẽ đau nhức không tập trung làm việc được. Gần đây, kinh tế khó khăn nên chị H. bỏ đi mát xa. Kể từ đó, người chị lúc nào cũng bị rêm, ê ẩm. 

Sau khi kiểm tra, bác sĩ Nguyễn Thị Tuyết Nga nhận thấy cơ của bệnh nhân bị dập và xơ, đặc biệt là tại vị trí dọc theo sống lưng. Đây là hậu quả của việc lạm dụng xoa bóp, bấm huyệt và chườm đá nóng. Thông thường, tại các spa, khách hàng được xoa bóp toàn bộ vùng cổ, gáy, vai và lưng. Thao tác thường xuyên trên diện rộng như vậy sẽ khiến cơ bị dập, xơ. Khách hàng trở nên lệ thuộc vào xoa bóp bấm huyệt. Khi không xoa bóp, bấm huyệt nữa thì cơ thể sẽ đau nhức. 

Ngoài ra, bác sĩ cảnh báo, châm cứu bởi những người không đủ trình độ chuyên môn rất nguy hiểm. Bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng, dễ lây nhiễm chéo các bệnh truyền nhiễm nếu sử dụng nhầm kim của người khác. Có trường hợp sau châm cứu đau nhiều hơn do châm trúng dây thần kinh, bị vựng châm, bầm tím hoặc chảy máu nhiều. Kỹ thuật châm cứu cần tiến hành theo phác đồ của Bộ Y tế tại cơ sở y tế được cấp phép hoạt động, đầy đủ trang thiết bị y tế cần thiết, đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn, kinh nghiệm về y học cổ truyền. 

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bay, đa số người dân hiểu chưa đúng về châm cứu, bấm huyệt. Nghĩ rằng giống như xoa bóp nên làm ở đâu cũng được. Thế nhưng châm cứu và bấm huyệt có tác động làm thay đổi thể dịch và hoạt động thần kinh của cơ thể. Nếu người thực hiện kỹ thuật này không hiểu về giải phẫu, chưa được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề thì bệnh sẽ không khỏi mà còn tốn tiền. 

Châm cứu là thuật ngữ gọi chung về kỹ thuật dùng kim kích thích các huyệt đạo. Có rất nhiều cách châm. Ví dụ như thể châm (châm kim vào huyệt đơn thuần), điện châm là đầu kim gắn điện, nhu châm (dùng kim châm chôn chỉ tự tiêu vào trong huyệt đạo), thủy châm (tiêm thuốc vào huyệt đạo), ôn châm (bỏ muối lên miếng gừng rồi đốt hơ)… Tùy tình trạng của bệnh nhân mà thầy thuốc sẽ quyết định phương pháp châm cứu phù hợp.

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI