Rủi ro khi phụ huynh bỏ tiêm mũi nhắc vắc xin cho con

22/02/2023 - 07:43

PNO - Bên cạnh chương trình tiêm chủng quốc gia thì còn rất nhiều loại vắc xin dịch vụ mà trẻ nên được tiêm ngừa. Tuy nhiên, gần đây tại TPHCM, không ít phụ huynh đã để trễ lịch hoặc bỏ qua mũi tiêm nhắc cho con. Các bác sĩ đưa ra nhiều cảnh báo…

Phụ huynh hiểu không đúng

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Nguyễn Thanh Nhàn - Trưởng phòng Chỉ đạo tuyến Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TPHCM) - cho biết, từ sau dịch COVID-19 tới nay, mỗi buổi sáng BV tiêm vắc xin dịch vụ cho khoảng 40 trẻ. Trong số đó có từ 5-7 trường hợp bị trễ lịch mũi tiêm nhắc. Những trẻ dưới 2 tuổi thường bị trễ thời gian tiêm nhắc từ 1 tuần đến 10 ngày. Với những trẻ trên 2 tuổi, không ít phụ huynh đã bỏ qua mũi vắc xin nhắc lại dù BV đã triển khai hệ thống tin nhắc hẹn. 

Một em bé đang được tiêm vắc xin 5 trong 1 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - ẢNH: THANH HUYỀN
Một em bé đang được tiêm vắc xin 5 trong 1 tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 - Ảnh: Thanh Huyền

Theo bác sĩ Thanh Nhàn, có nhiều nguyên nhân khiến một bộ phận phụ huynh trì hoãn, bỏ qua mũi tiêm nhắc vắc xin. Thứ nhất, đối với các bé dưới 2 tuổi, lịch tiêm nhắc trùng lúc bé đang bị bệnh (ho, sốt) nên chưa tiêm được. Ngoài ra, nhiều bé không còn ở TPHCM do sau dịch COVID-19 kinh tế khó khăn, cha mẹ mất việc nên chuyển về quê. Cũng có những bé vẫn ở TPHCM nhưng cha mẹ chỉ đủ tiền cho con tiêm mũi đầu tiên, tới mũi tiêm nhắc thì khó khăn, không tiêm tiếp được nữa. Vắc xin dịch vụ có nhiều loại rất mắc tiền, như vắc xin phế cầu mỗi mũi giá trên 1 triệu đồng. Vắc xin ngừa các bệnh liên quan tới vi rút HPV mỗi mũi trên 2 triệu đồng…

Điển hình là trường hợp chị P.T.T.X. - 28 tuổi, tạm trú tại huyện Nhà Bè. Chị chia sẻ, vợ chồng mình làm công nhân, từ sau dịch tới nay công xưởng không có việc. Cứ làm 1 tháng thì công nhân lại phải nghỉ 1 tuần, hưởng lương 3/4. Chị biết bệnh viêm phổi do phế cầu rất nguy hiểm với trẻ nhỏ nên cố gắng lo tiền cho con trai đi tiêm vắc xin. Vắc xin phế cầu rất đắt tiền, không có trong chương trình tiêm chủng quốc gia, chị phải trả phí 1,1 triệu đồng/mũi tiêm. Vắc xin này phải tiêm đủ 3 mũi lúc trẻ 2 tháng tuổi, 3 tháng tuổi và 4 tháng tuổi. Sau mũi 3 thì mỗi 6 tháng trẻ cần tiêm nhắc lại 1 lần.

Tiêm được cho con mũi 1, tới kỳ tiêm mũi 2 thì vợ chồng chị quá túng thiếu nên đành bỏ luôn. Ngày 21/2, chị đưa con trai đi khám vì bị ho và sốt kéo dài. Lúc hỏi về bệnh sử, bác sĩ mới biết được con chị đã trễ lịch chích nhắc mũi 2 vắc xin phế cầu từ 2 tháng trước. 

Không chỉ đối với vắc xin phế cầu, việc bỏ quên, trễ lịch chích nhắc còn xảy ra với các loại vắc xin viêm não Nhật Bản, sởi - quai bị - rubella, bạch hầu - ho gà - uốn ván, cúm, vắc xin phòng ngừa bệnh liên quan đến vi rút HPV gây ung thư cổ tử cung và các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Hiệu quả bảo vệ sẽ thấp

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Hiền Minh - Phó trưởng Đơn vị tiêm chủng BV Đại học y dược TPHCM - cho biết, số trẻ bị trễ lịch mũi nhắc vắc xin dịch vụ tại BV hiện nay khoảng 20 - 30%. Ngoài nguyên nhân do kinh tế suy thoái khiến thu nhập của phụ huynh sụt giảm thì bác sĩ Hiền Minh còn ghi nhận không ít cha mẹ cho rằng vì là vắc xin dịch vụ nên việc tiêm nhắc không quan trọng. Phụ huynh quan niệm những bệnh gì cần thiết phòng tránh đã nằm trong lịch tiêm chủng quốc gia rồi. Nhiều bà mẹ còn hiểu lầm về lợi ích của việc tiêm vắc xin, từ đó dẫn tới các hành động sai lệch.

Cụ thể là câu chuyện của bà mẹ tên L.T.C.T. - 35 tuổi, ngụ quận 10. Chị T. đã cho con tiêm vắc xin phòng cúm nhưng năm nay lại không tiêm mũi nhắc lại. Khi bác sĩ hỏi lý do thì chị T. nói “cúm nhiều chủng, vắc xin có phòng được hết các chủng đâu, thế nên tiêm vắc xin cúm không quan trọng”.

Tiếp đến, chị P.T.A. - 30 tuổi, ngụ quận Tân Bình - chia sẻ với bác sĩ rằng, sau khi con được 2 tuổi chị đã không cho con tiêm nhắc vắc xin phòng bệnh sởi nữa, bởi “bệnh này có thấy ai mắc mấy đâu mà phải phòng”. Thậm chí, đứa con đầu của chị A. tiêm vắc xin thủy đậu rồi nhưng thấy bé vẫn mắc bệnh thủy đậu. Chị A. liền quyết định không cho bé thứ hai tiêm vắc xin ngừa bệnh thủy đậu. Chị cho rằng “tiêm vắc xin rồi vẫn mắc bệnh thì tiêm làm gì”.

Theo bác sĩ Thanh Nhàn, có những loại vắc xin không nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia nhưng thực tế lại cho thấy vô cùng cần thiết với trẻ. Phế cầu khuẩn là loại vi khuẩn khu trú tại vùng mũi - họng gây ra nhóm bệnh lý nguy hiểm như viêm phổi, viêm mũi họng, viêm tai giữa, viêm màng não, nhiễm trùng huyết… Các bệnh do phế cầu khuẩn để lại di chứng và tỉ lệ tử vong từ 10 - 20%. Đặc biệt trẻ nhỏ, người già khi nhiễm bệnh do phế cầu khuẩn thì tỉ lệ tử vong lên đến 50%. Do đó, nếu tiêm vắc xin phế cầu không đủ liều thì tỉ lệ bảo vệ trẻ khỏi bệnh sẽ thấp.

Bác sĩ Hiền Minh nhấn mạnh tại khoa nhiễm của nhiều BV nhi luôn ghi nhận các bé bị viêm não mô cầu. Dù vắc xin não mô cầu không nằm trong chương trình tiêm chủng quốc gia nhưng trẻ rất cần thiết được tiêm và tiêm đủ liều. Bệnh viêm não mô cầu diễn tiến rất nhanh trong vòng từ 24-48 giờ, nguy cơ tử vong cao, nếu hồi phục trẻ cũng phải gánh chịu các di chứng tổn thương thần kinh lâu dài. 

Cần hiểu đúng về vắc xin

Bác sĩ Nguyễn Hiền Minh lưu ý về việc không ít phụ huynh đang hiểu lầm về lợi ích của việc tiêm vắc xin. Sau khi tiêm vắc xin, trẻ vẫn có thể mắc bệnh nhưng sẽ nhẹ hơn và không bị biến chứng nguy hiểm. Đối với vắc xin cúm, tuy không ngừa được tất cả các chủng cúm nhưng lại có tác dụng bảo vệ chéo. Chính vì thế, dù trẻ sau khi tiêm vắc xin này mà vẫn nhiễm bệnh cúm thì cũng bị nhẹ và lướt qua rất nhanh. Việc có phụ huynh cho rằng “có thấy ai mắc bệnh sởi đâu nên không cần tiêm nhắc mũi vắc xin ngừa bệnh này” là không đúng. Chính vì còn quan niệm sai lầm như thế nên dịch sởi ở trẻ tới nay vẫn chưa hết hẳn mà cứ bùng lên theo chu kỳ 4 năm/lần.

Có nên tiêm “trộn” vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung?

Nhiều phụ huynh lo lắng khi loại vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung đang chích dở cho con lại “đứt hàng”. Cụ thể, chị T.T.K.T. (42 tuổi) cho biết, con gái 12 tuổi của mình đã tiêm mũi 1 vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung loại ngừa 2 chủng vi rút HPV. Tuy nhiên, tới thời điểm tiêm mũi nhắc thứ hai thì loại vắc xin này hết hàng. Chị đã chờ quá lịch tiêm gần 2 tháng. Nhân viên y tế khuyên chị nên cho con tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung loại khác thay thế nhưng chị T. không an tâm. Chi phí tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung khoảng 2 triệu đồng/mũi nên chị T. chưa biết xử trí thế nào, sợ rằng tiêm “trộn” vắc xin sẽ không tốt.

Tương tự, chị P.T.Q. (45 tuổi) đưa con đi tiêm vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung thì được nhân viên y tế khuyên nên tiêm loại mới ra (ngừa 9 chủng HPV), bởi loại cũ (ngừa 4 chủng HPV) thời gian tới cũng sẽ khan hiếm. Thấy tình hình này, nhiều phụ huynh khác cũng trì hoãn, cho rằng chỉ cần tiêm trước lúc con vào đại học (có quan hệ yêu đương) là được. 

Theo bác sĩ Thanh Nhàn, vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung chính xác là vắc xin ngừa bệnh liên quan vi rút HPV gây ra. Vắc xin này có 3 loại: loại ngừa 2 chủng, 4 chủng và 9 chủng HPV. Loại vắc xin ngừa 2 chủng đứt hàng là do đã ngưng sản xuất. Hiện nay, BV Nhi Đồng 1 đang có vắc xin loại ngừa 4 chủng và 9 chủng HPV. 

Bác sĩ Hiền Minh cũng cho biết, loại vắc xin ngừa 4 chủng sắp tới sẽ được thay thế bằng loại ngừa 9 chủng HPV mới ra. Do đó, tại BV Đại học y dược TPHCM, loại vắc xin ngừa 4 chủng HPV chỉ ưu tiên cho các mũi tiêm nhắc. Đối với các mũi tiêm đầu tiên thì sẽ được tư vấn tiêm loại vắc xin mới. Tuy vậy, bác sĩ Hiền Minh cho biết với những trường hợp đã tiêm mũi 1 là vắc xin ngừa 2 chủng HPV thì vẫn tiêm nhắc bằng loại ngừa 9 chủng được. Việc phụ huynh trì hoãn quá lâu sẽ khiến hiệu quả bảo vệ của vắc xin không đảm bảo. Nếu không muốn tiêm “trộn”, phụ huynh có thể cho bé tiêm lại từ đầu với loại vắc xin mới. 

Quan niệm chờ con gần vào đại học mới tiêm vắc xin là không nên. Vắc xin này được khuyến cáo nên tiêm cho trẻ ở độ tuổi từ 9-12 để đạt hiệu quả bảo vệ cao nhất. Theo thống kê, tại Việt Nam, độ tuổi quan hệ tình dục sớm nhất của trẻ là từ 14 tuổi. Hơn thế nữa, vi rút HPV có thể lây nhiễm qua dịch tiết chứ chưa cần có hành vi quan hệ tình dục thâm nhập…

Trâm Anh 

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI