Rủi ro hàng đặt mua từ biên giới

16/10/2013 - 07:58

PNO - PNO - Chỉ cần gọi điện, một người ở TP.HCM có thể đặt mua sản phẩm từ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) với giá siêu rẻ, tuy nhiên hàng hóa mua kiểu này có thể chỉ ... dùng một lần.

edf40wrjww2tblPage:Content

 Rui ro hang dat mua tu bien gioi

Hàng công nghệ giá rẻ được tiếp thi tại cửa khẩu Tân Thanh

Bất cứ khách du lịch nào từng ghé các ki ốt tại chợ cửa khẩu như: Hà Khẩu (Lào Cai), Tân Thanh (Lạng Sơn)..., sau khi mua hàng hóa, đều được các chủ hàng gửi danh thiếp với lời mời “muốn mua thêm thì gọi điện, hàng giao tận nơi, cước phí chủ hàng chịu”. Từ một số điện thoại được giới thiệu, chúng tôi gọi tới ki ốt 15, Trung tâm thương mại Việt Trung thuộc cửa khẩu Tân Thanh để đặt mua một chiếc máy quay phim siêu nhỏ với các thông số kỹ thuật rõ ràng. Chủ cửa hàng tên Sơn báo giá bốn trăm ngàn đồng, bao gồm cả cước phí vận chuyển (sản phẩm này được bán tại thị trường TP.HCM với mức trung bình từ 800.000 đến 1,2 triệu đồng). Sơn khẳng định bán hàng xịn, nếu có hỏng hóc, sẵn sàng đổi sản phẩm mới. Kết thúc cuộc trao đổi, chủ hàng còn chào mời: "Nếu bạn bè, người thân có nhu cầu điện thoại, laptop hay đồ da (giày dép, túi xách...) thì người giới thiệu sẽ được chiết khấu phần trăm...".

Một số cửa hàng nằm trên lãnh thổ Trung Quốc còn chào mời người mua các loại hàng "nóng" như dao, kiếm, súng điện, roi điện, đồ chơi tình dục... Anh Đoàn Văn Ca, ngụ quận Bình Chánh, TP.HCM, cho biết anh từng qua cửa khẩu Hà Khẩu, được tiếp thị roi điện với giá 500.000 đồng, anh từ chối với lý do là hàng cấm, không mang được lên máy bay, chủ hàng liền đảm bảo sẽ giao hàng tận tay. Một tuần sau, anh Ca nhận được điện thoại của một tài xế xe đường dài gọi xuống Bình Dương trả tiền và lấy sản phẩm.

Theo anh N.V.T, một đầu mối kinh doanh hàng xách tay tại Tân Bình, TP.HCM, hàng đặt mua từ biên giới theo hình thức này, các chủ hàng thường thuê cánh lái xe chở hàng xuất khẩu sang biên giới "xách tay" về nội địa với số lượng nhỏ lẻ nên có thể dễ dàng qua mặt các chốt quản lý. T. cho biết, dù giá siêu rẻ, nhưng tuổi thọ sản phẩm chỉ tính theo ngày, khi có sự cố rất khó sửa chữa, khắc phục. Mặt hàng bán chạy theo phương thức này thường là hàng điện tử như các loại máy quay phim, chụp hình, thuốc lá điện tử….

Vì giá siêu rẻ nên một số đối tượng đã sử dụng nguồn hàng này để làm chuyện phi pháp. Nhiều kẻ đã lấy điện thoại iphone, Samsung… dỏm để lừa người khác là hàng chính hãng xách tay, rao bán trên mạng với giá từ ba đến năm triệu, trong khi giá thực không quá một triệu đồng. Những loại sản phẩm này, lâu nhất chỉ sau một tuần sử dụng sẽ phát sinh sự cố.

Để tạo lòng tin, trước khi bán, các chủ hàng đều đảm bảo chất lượng, hứa sẵn sàng đổi lại, nhưng khi sản phẩm có sự cố, họ quay ngược đổ lỗi cho người mua hoặc vịn cớ chưa có xe nên chưa gửi được. Cũng theo anh T., tại TP.HCM có chuỗi trung tâm kỹ thuật số Đ.C đang phân phối các dòng sản phẩm điện tử, hàng công nghệ, an ninh như điện thoại, máy quay phim, máy chụp ảnh siêu nhỏ... với mức giá rẻ bất ngờ, tuy nhiên so với mức giá bán tại các cửa khẩu vẫn đắt gấp hai, ba lần...

Luật gia Phan Thị Việt Thu, Phó chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM cảnh báo, khi mua hàng hóa trôi nổi như trên, khi xảy ra sự cố, người tiêu dùng sẽ mất hoàn toàn quyền lợi. Không có cơ quan hay tổ chức nào có thể can thiệp, bởi không có cơ sở pháp lý đứng về phía người tiêu dùng trong trường hợp này.

Bài, ảnh Đăng Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI