Phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc phỏng vấn khi anh đến TP Huế trong sự kiện Hiệp hội Paralympics Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Mỹ tổ chức khóa tập huấn môn bơi cho 20 huấn luyện viên và 30 vận động viên khuyết tật Việt Nam.
|
Rudy Garcia-Tolson (đội mũ) tại khóa tập huấn môn bơi cho vận động viên khuyết tật Việt Nam tại TP Huế - Ảnh: Thuận Hóa |
Phóng viên: Xin chào Rudy. Lần đầu tiên đặt chân đến TP Huế để làm sứ giả thể thao, anh cảm nhận thế nào?
Rudy Garcia-Tolson: Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, cũng là lần đầu tiên đến cố đô Huế. Trước đó, tôi hoàn toàn không có thông tin gì về thành phố này, cũng chưa có những mong đợi, dự định gì nhiều trong những ngày ở lại đây để tham gia khóa tập huấn. Nhưng trong chặng bay từ Mỹ sang Việt Nam, tôi có vào Google tra cứu thì được biết Huế là thành phố đẹp, có hoàng thành cổ kính rêu phong, yên bình. Sau khi đến Việt Nam và đến Huế, cảm nhận đầu tiên của tôi là những con người ở Việt Nam và đặc biệt là người dân Huế rất thân thiện, vui vẻ, dễ thương. Tôi đã có những trải nghiệm rất tuyệt vời về thành phố này. Các món ăn của Huế rất ngon.
* Anh có thể kể cho độc giả Báo Phụ nữ TPHCM về những nỗ lực tập luyện và hành trình đạt đến những tấm huy chương vàng, bạc thế giới trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của mình?
- Tôi sinh ra với nhiều khuyết tật ở trên cơ thể do mắc phải hội chứng PPS (popliteal pterygium syndrome). Đôi bàn chân của tôi không duỗi thẳng được, các ngón tay có màng, hàm và vòm miệng bị hở. Tôi lớn lên trong bệnh viện và đã trải qua 15 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ để chỉnh lại đôi bàn chân. Lúc tôi 5 tuổi, các bác sĩ phải cắt bỏ đôi chân tôi. Đặc biệt, không lâu sau khi được gắn chân giả, tôi bắt đầu tập luyện bơi và tham gia bơi lội với những đứa trẻ không khuyết tật. Mục đích của tôi lúc đó là phải chiến thắng những vận động viên bơi lội không bị khuyết tật như tôi. Khi nhắc đến Rudy, mọi người thường nhắc đến cậu bé không có chân, nhưng tôi đã chứng minh cho mọi người thấy mình là một vận động viên bơi lội chuyên nghiệp, luôn nỗ lực trong luyện tập cũng như trong thi đấu để đạt được thành công cho cá nhân và cho thể thao nước Mỹ.
Năm 15 tuổi, tôi đã phá vỡ kỷ lục thế giới ở môn bơi lội và giành huy chương Vàng tại Paralympics. 5 năm sau, tại Paralympics Bắc Kinh 2018, một lần nữa, tôi giành huy chương Vàng ở nội dung 200m hỗn hợp cá nhân (chạy bộ, bơi và đạp xe). Ngoài ra, ở kỳ Paralympics London 2012, tôi giành huy chương Bạc ở nội dung 200m hỗn hợp cá nhân. Tại Paralympics Rio de Janeiro 2016, tôi tiếp tục đoạt huy chương Bạc ở nội dung 200m hỗn hợp cá nhân.
* Đến với đợt tập huấn này, điều anh muốn nói nhất với các học viên người Việt Nam là gì?
- Trong thế giới của chúng ta, mọi người thường xem người khuyết tật là rào cản, nhưng chúng ta có thể thay đổi thái độ và suy nghĩ của mọi người, để mọi người có thể thấy được rằng, người khuyết tật cũng có thể làm được rất nhiều thứ. Cho nên khi đến Việt Nam sinh hoạt, tập luyện với những người có cùng cảnh ngộ như mình, tôi đặt ra mục tiêu phải hoàn thành là truyền cảm hứng để các vận động viên phấn đấu.
|
Rudy Garcia-Tolson trong sự nghiệp thi đấu đỉnh cao của mình - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Sống chung với khuyết tật trên cơ thể không bao giờ là điều dễ dàng; có rất nhiều thứ chống lại chúng ta, nhưng từ khi luyện tập bơi lội, điền kinh và 3 môn phối hợp, tôi đã tìm ra sự tự tin. Vì vậy, khi đến đây, tôi muốn truyền cảm hứng để các bạn khuyết tật Việt Nam tự tin tập luyện thể dục, thể thao và tham gia thi đấu. Chỉ cần các bạn tìm ra sở thích của mình, chẳng hạn như bộ môn bơi, luyện tập cho đến khi bạn trở nên xuất sắc bộ môn mình yêu thích, các bạn sẽ tìm thấy sự tự tin, từ đó làm được nhiều điều có ích hơn cho bản thân, cho đất nước các bạn.
* Xin cho biết dự định của anh trong thời gian tới?
- Năm nay, tôi 35 tuổi. Khi còn nhỏ, tôi đã là đại sứ truyền cảm hứng cho các bạn cùng trang lứa tập luyện và thi đấu thể thao. Hiện nay, tôi đang làm việc cho một hiệp hội ở Mỹ. Hiệp hội này chuyên huấn luyện và truyền cảm hứng cho các học viên là người khuyết tật. Dự định của tôi khi không còn thi đấu đỉnh cao là tiếp tục trở thành tấm gương cho các bạn nhỏ bị khuyết tật. Tôi sẽ huấn luyện để các bạn trở thành vận động viên chuyên nghiệp bởi lúc còn nhỏ, tôi không có tấm gương nào để noi theo. Khi các bạn khuyết tật có một tấm gương để noi theo, các bạn sẽ có thêm động lực, nguồn cảm hứng để luyện tập thể thao và thi đấu.
Còn hiện tại, trong chương trình tập huấn môn bơi dành cho huấn luyện viên và vận động viên tại Việt Nam, tôi sẽ dành hết thời gian để trao truyền kỹ năng, kinh nghiệm thi đấu cũng như trang bị kiến thức chuyên môn huấn luyện cho huấn luyện viên cũng như nâng cao kiến thức, kỹ năng cho người khuyết tật tham gia các hoạt động thể thao để mọi người hòa nhập với cộng đồng. Đây là những phương pháp tập luyện mới nhằm nâng cao thành tích để các vận động viên khuyết tật Việt Nam có thể tham dự các giải thi đấu quốc tế sau này.
* Xin cảm ơn anh.
Thuận Hóa (thực hiện)