Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam (20/10/1930 - 20/10/2023)

Rực rỡ những bông hoa tháng Mười

20/10/2023 - 06:14

PNO - Sáng 19/10, Hội LHPN Việt Nam phối hợp Bộ Công an tổ chức chương trình “Biểu dương chủ tịch hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc” với chủ đề “Những bông hoa tháng Mười”, tuyên dương 293 cán bộ hội cấp cơ sở. Các dì, các chị là những bông hoa ngát hương luôn giúp người và làm đẹp cho đời.

 

“Những bông hoa tháng Mười” rạng rỡ trong chương trình “Biểu dương chủ tịch hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc” ẢNH: BẢO KHANG
“Những bông hoa tháng Mười” rạng rỡ trong chương trình “Biểu dương chủ tịch hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc” - Ảnh: Bảo Khang

Gíup phụ nữ tự chủ

Ngày đưa Lương Thị Ngọc Hân đến Báo Phụ nữ TPHCM nhận suất học bổng dành cho nữ sinh viên mồ côi do dịch COVID-19, chị Trần Thị Thanh Thủy - Chủ tịch Hội LHPN phường 14, quận 10, TPHCM - nắm chặt bàn tay Hân: “Cô đã làm đúng lời hứa của mình. Hân cũng phải cố gắng nha. Dù có khó khăn gì cũng không được bỏ học”. 

Trước đó, nghe tin Hân bỏ học để theo cha bán cá ngoài chợ sau khi mẹ mất do COVID-19, chị Thanh Thủy vội chạy tới nhà Hân nhưng không ai cho chị vào nhà bởi Hân không muốn gặp gỡ, tiếp xúc ai. Chị Thanh Thủy đành đứng ở ngoài la lớn: “Không được bỏ học. Chỉ cần con tốt nghiệp, đậu vô đại học là sẽ có học bổng”. Những ngày sau đó, cứ cách vài hôm, chị lại tạt qua nhà Hân để nhắc lại câu đó, đồng thời chị gửi thư đi khắp nơi để xin học bổng cho Hân.

Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga  tặng bằng khen cho các chủ tịch hội phụ nữ cơ sở giỏi - ẢNH: BẢO KHANG
Phó chủ tịch thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tặng bằng khen cho các chủ tịch hội phụ nữ cơ sở giỏi - Ảnh: Bảo Khang

Hiện nay, Hân đã là sinh viên đại học năm thứ hai. Hân vừa gọi cho chị Thanh Thủy, nói rằng định đi làm thêm để có thêm kỹ năng cho công việc sau này. Nhìn Hân vui vẻ, tích cực, chị Thanh Thủy rất mừng vì biết rằng em đã vượt qua được cú sốc mất mẹ. Chị nhắc lại câu đã từng nói với Hân nhiều lần: “Phải có tri thức, có việc làm, sau này mới làm chủ được cuộc sống của mình, không phụ thuộc người khác”. 

Ngoài Hân, chị Thanh Thủy cũng đưa nhiều trẻ khác trở lại trường học khi các em có ý định bỏ học. Theo chị, phụ nữ khó có thể xây dựng gia đình hạnh phúc nếu thiếu tri thức và không tự chủ về kinh tế. Do đó, trong công tác phụ nữ, chị ưu tiên cho hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và chăm lo cho trẻ em gái học hành. “Tri thức và việc làm là cái gốc để giải quyết tình trạng đói nghèo, bạo lực, bất bình đẳng giới” - chị Thanh Thủy bộc bạch. 

Trong 6 năm làm Chủ tịch Hội LHPN phường 14, chị Thanh Thủy đã tạo điều kiện học nghề, trao tặng phương tiện làm ăn cho nhiều phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Chị Nguyễn Thị Cẩm Hồng - hội viên phụ nữ ở khu phố 6, phường 14 - nhận xét: “Với chúng tôi, chị Thủy không chỉ là cán bộ hội, mà còn là bạn đồng hành”. 

Chị Trần Thị Thanh Thủy (phải) - Chủ tịch Hội LHPN phường 14, quận 10, TPHCM - hạnh phúc khi tiếp sức cho Hân tiếp tục đến trường - ẢNH: THU LÊ
Chị Trần Thị Thanh Thủy (phải) - Chủ tịch Hội LHPN phường 14, quận 10, TPHCM - hạnh phúc khi tiếp sức cho Hân tiếp tục đến trường - Ảnh: Thu Lê

5 năm trước, chị Hồng cảm thấy cuộc sống bế tắc. Nắm hoàn cảnh, chị Thanh Thủy đã vận động tiền, mua cho chị Hồng xe bánh mì, xe bán cà phê rồi đi thương lượng để xin luôn chỗ cho chị đứng bán, giới thiệu chị vay vốn sửa nhà. Đến nay, không chỉ lo tốt cho gia đình mình, chị Hồng đã dành một phần thu nhập để trao tặng thẻ bảo hiểm y tế, vận động chị em trong khu phố đóng góp tiền sửa sang nhà cửa cho 1 gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Luôn nghĩ cách tuyên truyền sinh động

Chị Trần Thị Mến - Chủ tịch Hội LHPN phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM - được chị em đặt cho biệt danh “cây sáng kiến” của hội. 
Khi Hội LHPN TPHCM ban hành bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc (tháng 7/2022), chị đã mày mò thiết kế video, vẽ tranh lên bức tường đầu hẻm 518 Võ Văn Kiệt, làm biểu đồ trực tuyến và in hơn 1.000 tờ gấp thông tin ghi đầy đủ 5 nội dung của bộ tiêu chí này để phát cho từng hộ dân, đồng thời đặt ở quầy làm thủ tục đăng ký kết hôn của UBND phường. Cuối năm 2022, chị nhờ các cô, chú có uy tín trong cộng đồng người Chăm dịch bộ tiêu chí này ra tiếng Rumi để tuyên truyền cho bà con người Chăm trong phường.

Chị Trần Thị Mến - Chủ tịch Hội LHPN phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM - đã biến bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc thành những bức tranh sinh động để mọi người dễ nắm bắt - ẢNH: MẪN NHI
Chị Trần Thị Mến - Chủ tịch Hội LHPN phường Cầu Kho, quận 1, TPHCM - đã biến bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc thành những bức tranh sinh động để mọi người dễ nắm bắt - Ảnh: Mẫn Nhi

“Đồng bào Chăm có văn hóa, ngôn ngữ riêng nên để tiếp cận, mình cần thể hiện sự chân thành. Nghĩ vậy, tôi quyết làm bằng được tờ gấp vẽ biểu đồ bộ tiêu chí bằng tiếng Rumi. Rất may, khi nhận, mọi người đều gật đầu khen dễ hiểu, dễ nhớ. Tôi còn làm tờ gấp in thông tin về câu lạc bộ xây dựng gia đình hạnh phúc của hội cũng như cách thức liên hệ, đăng ký tham gia rồi trao cho các cặp đôi đến UBND phường đăng ký kết hôn. Các bạn tỏ ra bất ngờ và vui. Nhờ vậy, câu lạc bộ có thêm 6 cặp vợ chồng thành viên ở độ tuổi đôi mươi” - chị Trần Thị Mến phấn khởi. 

Với mong muốn làm cho nam giới hiểu hơn về hoạt động của hội phụ nữ, năm 2020, chị Trần Thị Mến thành lập Câu lạc bộ Nam giới đồng hành cùng phụ nữ và trẻ em. Để có thành viên tham gia, chị đến từng hẻm trò chuyện với các chú, các anh là cán bộ khu phố, người kinh doanh, trí thức. Hơn 3 năm nay, 10 thành viên câu lạc bộ đã đồng hành cùng chị Trần Thị Mến phát hiện, chăm lo quà, tiền mặt, thẻ bảo hiểm y tế, học bổng cho nhiều phụ nữ, trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo, mồ côi… trong phường. 

Chị cho biết, đang chuẩn bị mời báo cáo viên đến nói chuyện với thành viên câu lạc bộ về cách cân bằng cảm xúc, cách kiềm chế sự nóng giận để cùng vợ con xây dựng gia đình hạnh phúc.

Những tấm gương miệt mài cống hiến

Là người dân tộc H’mông sống giữa cộng đồng người Thái, những năm đầu khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Đen, TP Sơn La, tỉnh Sơn La, chị Giàng Thị Mo gặp không ít khó khăn. Chị tâm sự: “Tôi không biết tiếng Thái, trong khi nhiều chị em ở xã lại không rành tiếng Việt phổ thông nên việc tập hợp hội viên, phụ nữ gặp nhiều trở ngại”. 

Chị Giàng Thị Mo - Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Đen, TP Sơn La, tỉnh Sơn La - đã tự học tiếng Thái để  tập hợp phụ nữ, hướng dẫn họ trồng mận hữu cơ, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trong xã - ẢNH: BẢO KHANG
Chị Giàng Thị Mo - Chủ tịch Hội LHPN xã Chiềng Đen, TP Sơn La, tỉnh Sơn La - đã tự học tiếng Thái để tập hợp phụ nữ, hướng dẫn họ trồng mận hữu cơ, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo trong xã - Ảnh: Bảo Khang

Từng bước khắc phục khó khăn, tới nay, chị Giàng Thị Mo đã tự tin vì nói được tiếng Thái “giống gần 100% người Thái”. Không chỉ vậy, chị đã hướng dẫn, nhân rộng mô hình trồng mận hữu cơ, góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của xã từ 4,8% xuống còn 0,8%. Chị cũng tiên phong thành lập Câu lạc bộ hát Thái để giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sân chơi bổ ích cho chị em. 

Chị Giàng Thị Mo là một trong 293 “bông hoa tháng Mười” được tôn vinh trong chương trình “Biểu dương chủ tịch hội phụ nữ cơ sở giỏi toàn quốc” sáng 19/10. Giao lưu trong chương trình, chị Nguyễn Thanh Thúy Hằng - Chủ tịch Hội LHPN xã Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TPHCM - đã chia sẻ quá trình vận động hội viên, phụ nữ tham gia chương trình “Mẹ đỡ đầu” chăm lo cho trẻ em mồ côi do đại dịch COVID-19; trung tá Nguyễn Thị Hoàng Oanh - Hội trưởng Hội Phụ nữ Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP Đà Nẵng - kể về sáng kiến và quá trình phát động phong trào “Nụ cười thân thiện, mỗi ngày một việc tốt vì nhân dân phục vụ” cùng nhiều mô hình góp phần xây dựng hình ảnh đẹp của các nữ cảnh sát giao thông.

Biểu dương các gương chủ tịch hội phụ nữ cơ sở giỏi, bà Hà Thị Nga - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam - nói: “Các chị luôn sâu sát, thấu hiểu hội viên, phụ nữ, là cầu nối giữa tổ chức hội với hội viên, phụ nữ, giữa tổ chức hội với cấp ủy, chính quyền địa phương. Các chị là những tấm gương tiêu biểu đang ngày đêm bền bỉ dệt gấm, thêu hoa cho công tác hội và phong trào phụ nữ cả nước”. 

Tin tưởng giao việc để phụ nữ có cơ hội phấn đấu

Đội ngũ chủ tịch hội ở cơ sở là những người hằng ngày, hằng giờ sâu sát hội viên, trực tiếp đưa chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn cuộc sống, lắng nghe, chuyển tải tiếng nói của phụ nữ đến với Đảng, chính quyền, MTTQ ở các địa phương một cách kịp thời. Đội ngũ này ngày càng được trẻ hóa, tích cực hoạt động, nâng cao trình độ, thích ứng với tình hình mới, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, rào cản, định kiến… để hoàn thành tốt các nhiệm vụ của mình.
Tôi mong rằng, cán bộ hội phụ nữ các cấp nói chung, chủ tịch hội phụ nữ cơ sở nói riêng sẽ tiếp tục cùng nhau xây dựng tổ chức hội vững mạnh, hoạt động chuyên nghiệp, thu hút nhiều hội viên, thành viên, lấy cuộc sống, lợi ích của phụ nữ để định hướng hoạt động, lấy sự hài lòng của phụ nữ làm thước đo kết quả của công việc, để vai trò chủ thể và tầm ảnh hưởng của phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được nâng lên. 
Tôi cũng mong các cấp ủy Đảng, chính quyền, mặt trận ở các địa phương, ban, bộ, ngành quán triệt quan điểm sâu sắc của Đảng “công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình”, từ đó hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để các cấp hội hoạt động hiệu quả hơn; tin tưởng giao việc để phụ nữ có cơ hội được phấn đấu, trưởng thành; tạo nguồn cán bộ nữ cho hệ thống chính trị ở cơ sở. 

Ông Trần Thanh Mẫn - Phó chủ tịch thường trực Quốc hội

Thu Lê - Mẫn Nhi - Huyền Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI