Rực rỡ như đóa Hướng Dương

27/04/2018 - 09:00

PNO - Không ai tin chị mất. Người phụ nữ luôn xuất hiện với gương mặt rạng rỡ, nụ cười tươi như đóa hướng dương giờ chỉ còn là hình ảnh trong ký ức của nhiều người.

Trụ sở Thư viện sách nói dành cho người mù chiều 26/4 lặng buồn. Những đôi mắt đỏ hoe. Tiếng nói của mọi người nhỏ đến mức sợ cơn đau òa vỡ, rằng, chị - Nguyễn Hướng Dương, người chèo lái và là linh hồn mọi hoạt động nơi này, Giám đốc Quỹ từ thiện Sách nói dành cho người mù, Giám đốc điều hành Thư viện sách nói - đã ra đi.

Ruc ro nhu doa Huong Duong
 

Tuổi 25 mộng mơ, đầy hoài bão sớm nhường chỗ cho hụt hẫng, đau đớn, chán chường sau một tai nạn mất đi đôi chân. Nhưng những ngày tăm tối qua nhanh, cô gái mang tên loài hoa luôn vươn mình về phía ánh mặt trời đã tìm ra lẽ sống: dù đôi chân không còn, cuộc sống vẫn phải “đi” và “đi” sao cho ý nghĩa. Suốt 22 năm đối diện với di chứng thương tật, chín lần lên bàn mổ cưa xương, xẻ thịt là ngần ấy thời gian mà với Hướng Dương, ý nghĩa của hành trình đi trong cuộc đời không khác cuộc khiêu vũ trên đôi chân mượn tạm, chỉ tồn tại lạc quan, tin yêu và hạnh phúc. Cuộc khiêu vũ ấy là hình ảnh đẹp, thắp lửa và truyền cảm hứng sống cho biết bao người và mang cả giá trị vững chãi: sự nghiệp vì cộng đồng.

Cuộc khiêu vũ này, trong tự truyện Đứng dậy và bước đi của chị, như một liều thuốc tinh thần của tin yêu, giá trị sống chữa lành và cứu rỗi cho biết bao cuộc đời, vẫn chỉ là những lát cắt. Được đánh giá là nghị lực, thành công, Hướng Dương không nói nhiều những điều này. Ấy vậy, người khuyết tật, người bị bệnh tật hoành hành, và hàng ngàn người trong tận cùng tuyệt vọng đã đứng lên, được vực dậy nhờ niềm tin chị gửi gắm.

Thư viện sách nói, chắt từ nước mắt, mồ hôi của Hướng Dương, đã đem ánh sáng tri thức cho hơn hai triệu người mù, phục vụ 99 đơn vị hội người mù, trường và hàng chục mái ấm nuôi dạy trẻ khiếm thị.

Buông bỏ bất hạnh của đời mình để chọn sống tươi vui và hạnh phúc trong từng khoảnh khắc còn giữ được hơi thở là cách Hướng Dương truyền tải thái độ nâng niu cuộc sống, bằng những lạc quan bé mọn: trở thành ca sĩ bất đắc dĩ trong phòng bệnh để nhờ tiếng hát thổi niềm yêu sống cho bệnh nhân; vài khi giẫm đôi chân giả của mình lên chân của người khác để rồi bật cười, rối rít xin lỗi, rằng lỗi của đôi chân không cảm nhận được…

“Chuyến đi” trong cuộc đời của Hướng Dương là làm sách nói phục vụ người mù; mà sự buông bỏ những nỗi lòng riêng tư bắt đầu từ một dự án nho nhỏ mang tên “sách nói”, gắn với Hội Phụ nữ từ thiện TP. HCM. Sau một thời gian hoạt động, dự án bung mình, trở thành Thư viện và Quỹ từ thiện Sách nói dành cho người mù. Lượng kiến thức đồ sộ của hàng ngàn cuốn sách nói không kể hết sự miệt mài của Hướng Dương. Nào phải được ưa chuộng bởi một giọng đọc truyền cảm, mà chị, chỉ có chị, mới đủ sức, đủ lòng yêu thương và sự kiên cường để tỉ mẩn tìm từng cuốn sách phù hợp với đối tượng mình truyền tải - là sách phải phù hợp với tâm sinh lý của từng lứa tuổi các em, là sách dành cho những người đang trong cơn tuyệt vọng.

Ruc ro nhu doa Huong Duong
 

Trụ sở mới của Thư viện sách nói khánh thành chưa đầy năm. Cuốn sách chị đang đọc, nhiều người chờ, vẫn còn dang dở. Những kế hoạch kỷ niệm 20 năm thành lập thư viện vừa mới khởi động… Tôi ghé thăm nhà chị. Bà Hoàng Lê Thúy Ngọc, mẹ chị, nằm dựa mình trên ghế, đôi mắt khô khốc. Giữa nghẹn ngào, đau đớn, tiếng nói bà đứt quãng, rằng Thư viện sách nói dành cho người mù - máu thịt, tâm huyết cả đời của con gái giờ đã hoàn thành, hoạt động ổn định. Nhưng mong muốn lớn nhất của Hướng Dương, giữa hàng chục dự án đã nên hình nên dạng: lớp dạy vi tính dành cho người mù là nỗi lòng chị trăn trở, đau đáu nhất trong những ngày tháng sau cùng. Lớp học đó phải làm sao để duy trì và phát triển được. Cảm giác ngoại cuộc, lạc lõng, thừa thãi của người mù trước lối sống mới, văn minh chung của nhân loại phải được xóa bỏ; bởi sự nhấn chìm và loại bỏ đối tượng tiếp cận của nó quá cao.

Trụ sở Thư viện và Quỹ Sách nói dành cho người mù từ đây vắng Hướng Dương. Sẽ ít nhiều hụt hẫng, vẫn mong sao vững mạnh, không ngừng hướng đến ánh mặt trời. Đó là sự nối tiếp, tri ân một con người có cuộc đời rực rỡ, đã dựng xây, phát triển. Dẫu, trong căn nhà kia, bậc sinh thành thắt dạ, vì từ đây không còn thấy hình ảnh cô con gái trở về sau một ngày cháy hết mình cho xã hội, cởi bỏ đôi chân giả, nhọc nhằn đặt mình trên xe lăn, hoặc quẩn quanh dăm việc nhà phụ mẹ, rôm rả câu chuyện vui hoặc uống cốc nước “lấy giọng”, “nói” thêm một cuốn sách, vì những người chị yêu thương và yêu thương chị vẫn đang còn chờ đợi…

Lễ viếng chị Nguyễn Hướng Dương bắt đầu từ 8g sáng nay - 27/4 - tại Trụ sở Thư viện sách nói dành cho người mù, số 18B Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM.
Lễ truy điệu và động quan lúc 7g, ngày 28/4.
Hỏa táng tại Trung tâm Hỏa táng Đa Phước, H.Bình Chánh, TP.HCM.
Gia đình xin miễn phúng điếu.

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI