Rửa một cái ly

20/06/2023 - 06:02

PNO - Bà mẹ đã có bài học kinh nghiệm từ câu chuyện mâu thuẫn ngày xưa giữa mẹ và chồng, nhưng đâu phải bà đã biết dạy con từ bé.

Sáng dậy sớm, theo thói quen, đầu tiên bà mẹ ra bếp bắc ấm nước như mọi ngày. Nhìn bồn rửa chén sạch sẽ nhưng có cái ly và cái muỗng chưa rửa, bà biết ngay tối hôm qua cậu con trai ăn ly chè sâm bổ lượng và bỏ đó. Bình thường, bà mẹ không cảm thấy gì, thuận tay bà sẽ rửa luôn, chuyện rất nhỏ và nhẹ nhàng. Nhưng hôm nay, bỗng dưng bà thấy khó chịu. Chỉ 1 cái ly đã để ngay đến chỗ rửa chén rồi mà không chịu rửa. Vậy rõ là ỷ lại vào mẹ hay chị rồi.

Cái khó chịu ở đây còn là cảm giác của người luôn phải dọn dẹp, như... người giúp việc.

Ảnh mang tính minh họa - Racool_studio
Ảnh mang tính minh họa - Racool_studio

Bà mẹ nhớ lại câu chuyện ngày xưa, mối bất hòa giữa mẹ ruột và chồng bà cũng từ chuyện cái ly uống nước cỏn con. Hồi đó, vợ chồng ở nhà mẹ, chồng có thói quen buổi sáng pha ly cà phê uống rồi bỏ cái ly cùng phin cà phê trên bàn mà đi làm. Khi ấy bà còn trẻ, vả lại bà cũng phải đi làm nên không chú ý dọn ly cà phê.

Vậy là ở nhà mẹ bà phải làm công việc dọn dẹp. Vợ chồng bà không nghe mẹ nói gì cũng không để ý, thành quen. Rồi một hôm, bà mẹ phàn nàn chàng rể về chuyện gì đó, bà hạch thêm cái tội uống xong ly cà phê mà không chịu dọn dẹp, để sáng nào bà cũng phải làm.

Tối đó, vợ nói lại với chồng, anh chồng bỗng dưng nổi cáu, có chuyện nhỏ vậy mà mẹ cũng chấp nhặt. Mẹ anh dọn cho anh cả đời, chẳng nói câu nào. Từ đó, anh chồng không uống cà phê ở nhà nữa. Mối bất hòa giữa mẹ vợ - chàng rể ngấm ngầm cho đến ngày vợ chồng ra riêng.

Ở riêng, anh chồng tập lại thói quen uống cà phê ở nhà. Vợ chồng thật hạnh phúc khi sáng sớm có thời gian ngồi cà phê với nhau, nói những câu chuyện dang dở hôm trước hay những dự định sắp tới... Sau đó chồng đi làm trước, vợ ở nhà dọn dẹp bàn nước và chuẩn bị những thứ linh tinh cho bữa trưa rồi đi làm sau. 

Cô vợ trẻ, rồi thành bà mẹ chẳng thấy gì phiền toái. Con trai, con gái lớn lên, bà cũng quen nếp như vậy. Nghỉ hưu, bà có thời gian dọp dẹp nhà cửa, chăm sóc bữa cơm gia đình. Rửa 1 cái ly hay dọn cả bàn ăn khi cả nhà ăn xong bỏ đó, bà mẹ coi là chuyện bình thường.

Nhưng sáng nay, tự dưng bà mẹ thấy không ưng ý việc con trai để cái ly chỗ bồn rửa mà không chịu rửa luôn. Bà bỗng thấy tức giận, chỉ việc mở vòi nước, rửa cái ly rất nhẹ nhàng, sao nó không chịu làm. Qua cơn tức bực, bà mẹ hiểu đó hoàn toàn là lỗi ở bà.

Bà làm hết từ khi các con còn bé cho đến giờ đã thành nếp ỷ lại rồi. Đáng lý bà phải dạy con điều này sớm hơn, thành thói quen làm đâu gọn sạch đó, ăn cái tô, uống cái ly phải tự rửa... Liệu bây giờ có muộn không?

Bà mẹ quyết định, ngay hôm nay bà sẽ kể cho 2 con nghe câu chuyện mâu thuẫn giữa chồng bà và mẹ vợ ngày xưa, kể luôn trước mặt chồng vì bà nghĩ, chồng bà bây giờ đã hiểu ra tâm trạng của mẹ khi xưa từ cảm xúc của bà hôm nay với con trai.

Ảnh mang tính minh họa - FreePik
Ảnh mang tính minh họa - FreePik

Tuy nhiên, bà cũng phòng bị câu chuyện giáo dục sẽ bị phản tác dụng nếu bà kể thành câu chuyện mang tính chất kết tội. Sẽ bắt đầu như thế nào là điều bà suy nghĩ khá nhiều. Đó còn là câu chuyện tế nhị, từ cái ly uống nước rất nhỏ, nếu không khéo, con trai bà sẽ có ấn tượng không hay về bà ngoại và sẽ nghĩ mẹ mình xét nét giống tính bà ngoại ngày xưa.

Nhưng, dù muộn còn hơn không, quan trọng là đòn tâm lý. Có ở vào tình huống đó mới hiểu được tâm trạng của đối phương. Bà hy vọng con trai của bà sẽ hiểu và sẽ ý tứ hơn. Ai biết được trong tương lai cậu sẽ ở nhà vợ thì sao. Câu chuyện nhỏ nhưng bài học lớn là vậy.

Mới thấy, trong cuộc sống, có những điều tưởng rất nhỏ nhặt, không ai chú ý, hay bỏ qua, lâu dần thành vấn đề mâu thuẫn lớn mà hậu quả để lại không nhỏ là thế. Trong trường hợp này, bà mẹ đã có bài học kinh nghiệm từ câu chuyện mâu thuẫn ngày xưa giữa mẹ và chồng, nhưng đâu phải bà đã biết dạy con từ bé là phải rửa ngay cái ly khi vừa uống xong. 

Kim Duy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI