Rủ nhau đi chợ ăn hàng

07/07/2024 - 07:32

PNO - Có một thực tế trái ngược giữa 2 lớp người ở Sài Gòn thể hiện trong văn hóa và thói quen ẩm thực rất thú vị: nếu người trẻ chọn ăn uống ở những hàng quán sang trọng, đẳng cấp để “check-in” sống ảo thì lớp người “không còn trẻ lắm” lại thích lê la ăn vặt ở mấy khu ẩm thực đông đúc trong các ngôi chợ tuổi đời cả thế kỷ.

Cái thú đi ăn hàng ở chợ đã ăn sâu vào tiềm thức người Sài Gòn
Cái thú đi ăn hàng ở chợ đã ăn sâu vào tiềm thức người Sài Gòn

Từ thói quen ăn uống này, nếu tinh ý, dẫu chỉ một lần đặt chân tới đất Sài Gòn cũng có thể nhận biết đâu mới là “thị dân” chính hiệu, người “Sài Gòn rặt”. Sài Gòn có nhiều ngôi chợ đã quá nổi tiếng, không chỉ với khách du lịch, mà nó đã ở trong tâm khảm người Sài Gòn như máu thịt. Ai từng lớn lên ở xứ này, chắc chắn không ít lần được no bụng bởi những món ăn ngon nhất trong những ngôi chợ cũ kỹ nhất.

Đi ăn hàng ở chợ có cái thú vị: không gian gần gũi nhất, đời nhất. Có khi ăn một ly chè nhưng được bà chủ đãi đằng một câu chuyện đời hay ho đến mức mình muốn quay lại ngay ngày hôm sau. Thâm niên đi ăn hàng ở chợ cho tôi cái nhìn thật khác về đời sống của thành phố đẹp nhất phương Nam này. Đó là một đời sống đẹp - bên những gian hàng ăn uống trong chợ. Mặc kệ những bỉ bôi, văn hóa ẩm thực trong các ngôi chợ vẫn được giữ gìn và bền bỉ đi qua tháng năm.

Chè miên, bún num - po - chok ở chợ Lê Hồng Phong

Chè bí đỏ trứng sữa trong chợ Lê Hồng Phong
Chè bí đỏ trứng sữa trong chợ Lê Hồng Phong

Chợ Lê Hồng Phong (quận 10, TPHCM) có lẽ là ngôi chợ đặc biệt nhất của Sài Gòn, không phải vì kiến trúc hoặc lịch sử hình thành của nó mà ở con người, văn hóa, ẩm thực. Ngôi chợ là sự giao thoa giữa 2 nền ẩm thực: miền Tây Nam Bộ và Campuchia. Nơi đó, những gian hàng kề nhau, nương tựa nhau mà bán, chẳng chút tị nạnh so đo. Thực khách rất ưa cái kiểu bán buôn đon đả thiệt tình, nên ai thích ăn món miền Tây, ngồi sát bên gian hàng món Miên cũng có thể kêu bưng qua, ăn xong tính tiền vui vẻ.

Tiểu thương của chợ đa phần là kiều bào Campuchia. Vì vậy, hàng hóa trong chợ phần nhiều cũng có xuất xứ từ Campuchia rất đặc trưng: cá khô, thực phẩm từ vùng Biển Hồ mang về.

Không ngoa khi chợ Lê Hồng Phong được xem là “thiên đường ẩm thực” của dân Sài Gòn bởi lượng đồ ăn thức uống phong phú, ngon và độc đáo đầy ứ trong chợ. Rất nhiều món ngon hiện diện trong ngôi chợ lạ lùng này: gỏi khô lá sầu đâu từ xứ Miên, bún Num - Po - Chok, lòng bò chấm mắm bò hóc, chè Miên, xôi xiêm, bánh khọt… Có 2 món đặc biệt nhất mà những ai chuyên ăn hàng ở chợ đều biết rõ: chè Miên và món bún Num - Po - Chok chính hiệu Campuchia trong lòng chợ.

Tôi không hảo ngọt nhưng vẫn thích chè Miên vì sự độc đáo ở nguyên liệu và tạo hình. Nếu so với chè Hoa, chè Thái, chè Miên ít sôi nổi hơn nhưng lại đậm đà hơn. Chè Miên được làm chủ yếu từ trứng, sữa, cốt dừa, sầu riêng, bí đỏ, thốt nốt, hạt me… Món chè Miên hấp dẫn nhất có lẽ là chè bí trứng sữa, được chế biến na ná món bánh flan: trứng được chế vào lòng trái bí đỏ hấp chín, ăn với nước cốt dừa thơm béo. Món này nếu ăn đúng điệu Campuchia là phải ăn cả vỏ bí. Chè bí trứng sữa thoạt nhìn không bắt mắt lắm nhưng lại chính là linh hồn của chuỗi chè Miên trong khu chợ. Ngoài ra, chè mì trứng làm từ lòng đỏ trứng gà, ăn với nước cốt dừa cũng là một món chè đáng thử.

Bún Num - Po - Chok với mùi vị nồng nàn đặc trưng của thứ mắm prohoc (một loại mắm đặc sản xứ Angkor) không phải món dễ ăn với người nhạy cảm về mùi vị. Điều đặc biệt nằm ở loại nước lèo hầm từ cá và cốt mắm nhưng không tanh nhờ bảo bối “ngải bún” - một loại củ đặc biệt dùng để khử mùi tanh của cá mắm rất hiệu quả. Num - Po - Chok có cách ăn gần giống với bún mắm miền Tây: nước lèo cá chan bún và rất nhiều loại rau dân dã: bông súng, điên điển, lục bình, bắp chuối, các loại lá lụa (rau rừng)…

Chợ Lê Hồng Phong từng được gọi mỹ miều là “phố Cam” giữa lòng Sài Gòn. Và đi ăn hàng ở “phố Cam” đúng là thú ẩm thực không nơi nào có được!

Cơm thố, xôi sầu chợ Cũ

Cơm thố Chuyên Ký - chợ Cũ Tôn Thất Đạm
Cơm thố Chuyên Ký - chợ Cũ Tôn Thất Đạm

Chợ Cũ Tôn Thất Đạm (quận 1, TPHCM) có lẽ là ngôi chợ gợi nhiều hoài niệm nhất cho người Sài Gòn bởi những câu chuyện của đời sống đô thị một thời. Đây cũng là ngôi chợ mà mỗi lần tạt qua là mỗi lần cảm xúc thương mến trong tôi lại trào dâng khó tả. Chợ Cũ thâm trầm như một người già ngồi giữa phố kể chuyện xưa. Giữa cái lung linh hào nhoáng của khu trung tâm lộng lẫy bậc nhất Sài thành, vẫn còn những thứ cũ kỹ khiến lòng người mềm lại khi nhắc tới.

Chợ Cũ có một món ăn trứ danh của người Hoa mà bây giờ đã thuộc loại hiếm có khó tìm: cơm thố. May mắn, đến bây giờ, quán cơm thố lâu đời nhất nép mình trong chợ Cũ vẫn còn: quán cơm Chuyên Ký. Món cơm được hấp cách thủy với những chiếc thố sành từ mấy chục năm trước của những lò gốm Bình Dương đó ít nhiều làm thực khách tò mò, rồi xao xuyến. Món ăn kèm cơm thố ngon nhất có lẽ là hầm vĩ chưng trứng.

Hầm vĩ là một loại khô cá mặn của người Hoa được xé nhỏ, chưng với trứng vịt khuấy tan, thành một món vừa mặn vừa béo, rất đưa cơm. Quán cơm đã qua mấy đời gia truyền, lại gặp sự biến thiên của thị trường ẩm thực, thành ra hương vị ít nhiều không còn giữ được cái ngon nguyên bản như thuở xưa. Nhưng nhờ sự tồn tại của nó mà người Sài Gòn vẫn còn có nơi để “giải tỏa” cơn thèm cơm thố.

Chợ Cũ còn gây ấn tượng với nhiều người bởi gánh xôi sầu riêng thơm nức mũi nằm trong lòng chợ. Những hộp xôi đặc biệt với nguyên múi sầu “ú nu” đắp lên trên kiểu gì cũng đánh thức tất cả giác quan của người sành ăn. Đi ăn ở chợ, đôi khi chỉ cần một gánh xôi nhỏ thôi mà đủ níu chân.

Chợ Bến Thành đãi khách bằng những món ngon

Mâm xôi sầu riêng chợ Cũ đủ níu chân thực khách giữa trung tâm Sài Gòn - Ảnh: Alberto PrietoALBERTO PRIETO
Mâm xôi sầu riêng chợ Cũ đủ níu chân thực khách giữa trung tâm Sài Gòn - Ảnh: Alberto Prieto

Chợ Bến Thành (quận 1, TPHCM) được xem là biểu tượng của thành phố sôi động này, cùng với nhà thờ Đức Bà, Bưu điện Thành phố... Đây cũng là nơi được khách du lịch, vãng lai tìm đến nhiều nhất. Ngôi chợ nằm ngay trung tâm quận 1 với kiến trúc đặc biệt, 4 cửa Đông Tây Nam Bắc “tứ diện đều xinh” còn thu hút khách du lịch với khu ẩm thực rộng lớn. Rất nhiều món ngon các vùng miền trên khắp đất nước đều hiện diện trong đó.

Vì là nơi dừng chân của khách du lịch nên khu ẩm thực của chợ Bến Thành cũng chỉ hoạt động mạnh nhất về đêm. Đây là địa điểm “ăn chơi” mà khách nước ngoài rất thích thú khi đến Sài Gòn. Giá cả các mặt hàng trong chợ, kể cả hàng ăn tại chỗ, vì vậy mà đắt hơn các khu chợ khác. Nhưng đây chính xác là ngôi chợ nên có trong danh sách đi “ăn chợ”, vì những món hay ho mà nó mang trong mình.

Ngoài ra, các ngôi chợ khác khắp Sài Gòn cũng ít nhiều đều có những gian hàng ăn nhanh tại chỗ.

Cái thú đi ăn hàng trong chợ của người Sài Gòn cũng như cái thú ngồi cà phê lê la ngõ hẻm hay vắt vẻo đâu đó trên ghế đẩu đặt tạm một vỉa hè, gặm ổ bánh mì, bàn chuyện thời cuộc, nhìn đời trôi… khó mà bỏ được!

Cái thú vui đó, tôi còn mang theo khi đi tới những nơi khác. Như khi đi Quy Nhơn cũng phải luồn lách trong chợ Đầm tìm ăn cho được tô bún chả cá chính hiệu miền Trung. Tới chợ Châu Đốc phải ngồi ngay đầu chợ uống cho được ly nước thốt nốt ngọt thanh tao, cắn miếng bánh bò thốt nốt vàng ruộm, nghe mùi mắm Châu Đốc vờn quanh mũi, thấy thích lạ lùng, hơn gấp mấy lần ngồi nhà hàng lộng lẫy xa hoa.

Trần Huyền Trang

Nguồn ảnh: Internet

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI