Rủ người dưng về sống chung nhà trọ
Vừa bán hàng, cô Nguyễn Thị Lợi (sinh năm 1964, tạm trú xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, TPHCM) vừa loay hoay nấu canh, lo bữa trưa. Cô Lợi hối hả nấu nướng, một phần để chồng con có cơm ăn, phần khác sợ cụ Bùi Thị Út (81 tuổi, tạm trú huyện Bình Chánh, TPHCM) không có gì ăn thì còn có cái mà cho.
|
Từ lúc về nhà trọ mới, mỗi ngày, bà Út đều ra quán của cô Lợi uống cà phê, trò chuyện với mọi người |
Hơn 3 tháng qua, cô Lợi đều tất bật cơm nước như thế do “đèo bòng”, rủ rê cụ Út về sống chung khu trọ. Trước đó, cô Lợi thường thấy một cụ bà đi bộ hoặc xe ôm đến trạm xe buýt gần quán nước của cô để đón chuyến xe số 22 về chợ Đệm, huyện Bình Chánh.
Rồi có một ngày, bà Út mệt quá, cố lê từng bước chân vào quán nước ven đường của cô Lợi mua ly nước uống. Dưới chiếc dù nhỏ tạm bợ, hai người đàn bà tâm sự chuyện cuộc đời chìm nổi. Biết bà Út cùng quê Bến Tre, con cái bệnh tật không sống chung, thân già bươn chải mưu sinh nhặt ve chai, bán vé số, cô Lợi càng thêm thương mến.
Nghĩ đến những ngày bà cụ vò võ một mình trong căn chòi tạm, thuê với giá 400.000 đồng/tháng ở khu vực chợ Đệm, cô Lợi xót xa, rơi nước mắt, rủ bà về sống trọ cùng khu, lo chuyện cơm nước, chăm sóc lúc ốm đau. Thêm phần mất mẹ từ nhỏ, chỉ còn người cha già 80 tuổi ở quê, cô Lợi nghĩ, mình tốt với người khác, chắc có người tốt với cha.
Cô Lợi nói: “Bà con sống ở khu trọ này toàn dân tứ xứ, thấy hoàn cảnh bà Út khổ sở, mọi người cũng nói cùng nhau giúp bà. Những ngày bà Út đau yếu, tôi cùng một chị nữa đến săn sóc, nấu nước ấm lau mình cho bà. Hôm nào bà Út mệt, không nấu cơm thì qua phòng tôi múc cơm canh về ăn. Lúc đầu, khi bà chuyển về khu trọ, tôi mua sắm xoong nồi, mắm muối, gạo đường… để dành cho bà nấu nướng”.
Từ ngày chuyển về sống gần cô Lợi, bà Út tươi tỉnh và vui vẻ hơn. Sáng nào, bà cũng ra ngồi ở quán, trò chuyện với mọi người. Cô Lợi pha cho bà ly cà phê sữa đá đúng sở thích để nhâm nhi. Bà Út chia sẻ: “Trước khi về nhà trọ này sinh sống, tôi trọ trong hóc trong hẻm ở khu vực chợ Đệm. Khu đó vắng hoe, không có ai lui tới, nhiều lúc tôi nghĩ, mình chết cũng không ai biết. Có lần, tôi đi lãnh thuốc ở bệnh viện, ghé quán chờ xe buýt đi về chợ Đệm thì có nói chuyện với cô Lợi. Nghe hoàn cảnh của tôi, cô ấy rủ tôi về ở gần cho vui. Cô nói có phòng trọ còn trống, tôi cứ về ở, bà con phụ cho tiền trọ, ăn uống”.
|
Vừa bán hàng, cô Lợi vừa tranh thủ nấu canh cho chồng con ăn cơm, cũng để nếu bà Út không có gì ăn thì còn qua múc về |
Nghe bà Út nhắc chuyện cũ, cô Lợi cười tươi rói: “Nói thiệt, chỗ này gần xóm ốc, Mạnh Thường Quân, người hảo tâm hay lui tới cho quà. Tôi biết bà Út khổ nên nói bà về đây, biết đâu người ta thương, hỗ trợ được phần nào. Nếu không được ai hỗ trợ thì tôi có gì cho bà ăn cái đó, còn bữa nào bà khỏe, thích ăn gì thì gửi tôi mua rồi tự nấu. Ở đây phòng trọ cũng kín đáo, chứ chỗ cũ của bà Út mướn không có cửa nẻo, chỉ đủ kê cái giường xập xệ”.
Lòng tự trọng của một người nghèo
Theo cô Lợi, tiền trọ của bà Út khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Tháng đầu, bà con trong xóm trọ góp lại đóng giúp bà Út. Sau đó, một người tốt bụng đã hứa đóng tiền trọ giúp bà, nhờ vậy, mọi người an tâm phần nào. Bởi, cảnh sống trọ thì gia đình nào cũng nghèo, bà Út thấy mọi người lo cho mình thì lại ngại ngùng, sợ phiền hà.
Trong khi đó, bà cũng có một người con gái. Người này cũng đau yếu liên miên, làm thuê làm mướn, không có điều kiện chăm sóc cho mẹ. Trước đây, bà Út đi lượm ve chai, bán vé số kiếm mấy đồng mua gạo. Thế nhưng, dạo gần đây, bệnh tim trở nặng, bà cố lê vài bước thì lại thở hổn hển. Thấy vậy, cô Lợi dúi vào túi bà Út 500.000 đồng rồi căn dặn: “Con cho bà mượn 500.000 đồng, bà để dành có chuyện thì xài, khi nào tiền bạc thoải mái thì trả lại, còn không có thì cứ để đó”. Vậy mà, 2 ngày sau, bà cố gắng đi bán vé số được 100.000 đồng, liền mang 500.000 đồng trả lại cho cô Lợi.
Sau đó, bà đòi cô Lợi cho mượn tiền góp, chứ không chịu cầm tiền cô cho. Cô Lợi lo lắng: “Sao con đưa cho bà tiền, bà không lấy, bà cứ đòi trả góp? Cứ trả góp như vậy, bà lo lắng, bệnh tim lại trở nặng”. Bà Út chuyển sang vay tiền góp của người khác. Cô Lợi chỉ biết cười trừ, thương cho cái tính tự trọng cao của bà lão nghèo khó.
Cả buổi trò chuyện, bà Út cứ thở dốc, nước cứ hoen trên đôi mắt già nua, chốc chốc lại ho sặc sụa. Bà Út cố nói lớn: “Cô Lợi tốt lắm. Cổ rủ tôi về ở gần, lo cho ăn uống, còn cho tiền. Nhưng mà, tôi không có dám nhận tiền, cổ còn phải lo cho con cái, cháu nội nữa. Cổ cũng ở trọ chứ có khá giả gì đâu”.
|
Được mọi người hỗ trợ, bà Út không ỷ lại mà càng tự trọng, bệnh cũng muốn đi bán vé số kiếm tiền trang trải |
Nghe bà Út chia sẻ, cô Lợi nói: “Bà già rồi đổi tánh, không chịu ở nhà, cứ đòi đi bán vé số. Tội cho bà ấy đơn chiếc, lang bạt, chứ nếu có chỗ ở ổn định, chính quyền sẽ chăm lo, hỗ trợ được phần nào. Nghe nói, BHYT của bà hết hạn rồi, mà bà không có tiền mua, vài bữa hết thuốc không biết phải làm sao. Bà sống vô tư nhưng thấy cười đó, rồi lại khóc. Nhiều lúc đang nói chuyện với tôi tươi tỉnh, nước mắt bà lại chảy ra ào ào. Người khổ cả đời như bà, còn khóc cũng coi như vơi được tâm sự”.
Câu chuyện của những người đàn bà nương tựa nhau chông chênh hệt như mấy tán dù tạm bợ, xập xệ che quán nước ven đường của cô Lợi. Dưới quán nước nghèo, đơn sơ này, hơn 15 năm qua, cô Lợi nhiều lần chứng kiến những mảnh đời phiêu dạt, neo đơn.
“Trạm này có tuyến xe 102 đi về bến xe Miền Tây, cho nên, nhiều người đến đây bắt xe về quê. Có người ghé quán mua tạm gói thuốc lá rồi tâm sự chuyện xa quê, có người xin mấy ngàn đi xe buýt, có người xin ly trà đá, tôi cho hết, chẳng đáng bao nhiêu nhưng có khi lại giúp họ về được đến nhà”, cô Lợi đăm chiêu nhìn dòng xe trên đường.
Rồi bất giác, cô Lợi cười: “Hôm bữa, chị kia ghé mua thiếu gói thuốc lá. Chị hay nhặt ve chai xung quanh đây. Vậy mà, từ hồi mua thiếu gói thuốc, bả đi đâu mất dạng. Tôi có gặp cũng đâu có đòi tiền mà bả lo quá, rồi lẩn đi đường khác. Tôi ưa giúp mọi người mấy chuyện vặt vãnh nên thằng cháu nội hay chọc bà nội tài lanh tài lẹt”.
Lâm Ngọc