Rốt cục, chúng ta kết hôn để làm gì?

21/07/2020 - 11:26

PNO - Người đàn ông hào hoa, phong độ hoàn toàn biến mất. Cậu ấy trông bơ phờ, mệt mỏi: “Vợ tôi đề nghị ly hôn”.

Tôi gặp cậu bạn thân khi nghe qua điện thoại, giọng cậu ấy đầy mỏi mệt. Gặp rồi tôi còn ngạc nhiên hơn. Người đàn ông hào hoa, phong độ hoàn toàn biến mất. Cậu ấy trông bơ phờ, mệt mỏi. “Vợ tôi đề nghị ly hôn” - câu nói phủ đầu khiến tôi sững lại, kinh ngạc.

Không phải lâu nay gia đình cậu ấy vẫn là một gia đình hạnh phúc đó sao? Vợ chu đáo, con ngoan ngoãn, kinh tế gia đình cũng khá ổn. Chính tôi là người mai mối cho hai vợ chồng họ nên tôi hiểu chứ. Vậy con sóng ngầm nào đã xói mòn tổ ấm bình yên của họ?

Tôi hỏi bạn lý do, cậu ấy chùng giọng xuống: “Vợ tôi bảo tôi không quan tâm tới gia đình. Nhưng thực ra tôi vẫn lo lắng cho mẹ con cô ấy mà. Có khi nào phụ nữ các cậu đòi hỏi quá nhiều ở người đàn ông không?”.

Rốt cục chúng ta lập gia đình để làm gì? Ảnh minh họa
Rốt cục chúng ta lập gia đình để làm gì? Ảnh minh họa

Tôi gọi điện cho vợ bạn. Cô ấy khóc. Những quãng chùng của câu chuyện liên tục ngắt lại, nhưng tôi vẫn nghe ra chia sẻ của người vợ ấy. Không phải cô không hiểu những vất vả bên ngoài của chồng. Nhưng thực sự chồng cô ấy đã thay đổi quá nhiều. 

Từ khi có chút vị trí trong công ty, công việc làm ăn bên ngoài cũng thuận lợi, bạn như trở thành một con người khác. Về nhà là cáu bẳn, khiến hai đứa trẻ nhìn thấy cha về là nem nép. Bạn coi chuyện đưa tiền hằng tháng cho vợ là đã đủ trách nhiệm của người chồng, người cha. Vợ tiêu gì, mua gì, các con học hành ra sao, bạn không còn quan tâm như trước. 

Những việc bên nhà vợ, rất ít khi có sự xuất hiện của bạn. “Bận” luôn là từ thường trực bạn thốt ra cho những lần vợ nói gia đình có việc. Nhưng những lần bạn bè gọi, những cuộc nhậu khuya, thì bạn lại rất sẵn lòng.

Mới đây nhất, vợ ốm, bạn cũng không biết. Bởi trước đó vợ than mệt, bạn đã gắt lên: “Mua thuốc mà uống”. Chuyện con ốm, quấy khóc, bạn hoàn toàn coi đó đương nhiên là chuyện của vợ. Thậm chí giờ đây, nhìn thấy con trai thành công, mẹ bạn còn nói con dâu những lời cay nghiệt mà bạn cũng không hề phản ứng.

Những chuyện lặt vặt trong gia đình đều thiếu đi một bên yêu thương, chia sẻ, tích tụ lâu ngày khiến vợ bạn đuối sức. Cô ấy nói: “Sống như vậy, có khác gì em một mình nuôi con. Vậy nên, giải phóng nhau cho đỡ vướng bận”. Câu nói nhẹ bẫng, nhưng tôi biết nó chứa đựng cả một hành trình mệt mỏi của người phụ nữ hết lòng hết dạ cho đi nhưng chẳng nhận lại gì.

Tôi nói với bạn rằng, có lẽ không phải vợ bạn đòi hỏi quá nhiều, mà là do chồng vô tâm. Mà sự vô tâm thường bắt nguồn từ chuyện tình yêu thương bắt đầu nhạt đi, mọi thứ trở nên nhàm chán. Nếu bạn không muốn bắt đầu lại ở tuổi 35, thì bạn phải thay đổi. Mà chắc gì cuộc hôn nhân sau đã tốt hơn, khi mà những giá trị gia đình ở lần đầu mình còn không biết trân trọng, nâng niu.

Chúng ta kết hôn để làm gì? Chẳng phải là mong muốn có một người chia sẻ cùng mình trong hành trình cuộc sống này sao? Vậy thì phải biết đặt gia đình lên vị trí hàng đầu chứ. Đi làm là để chia sẻ gánh nặng tài chính, để gia đình ổn định, chứ đâu phải mang về nhà những cáu gắt, muộn phiền, tệ hơn là cả thái độ ban phát những đồng tiền mình làm ra.

Đàn ông kết hôn rõ ràng là có thêm một người bạn, một tổ ấm. Còn người phụ nữ phải bắt đầu lại cuộc sống của mình, rời xa nơi vẫn được cha mẹ chăm bẵm, yêu thương. Người phụ nữ vì hôn nhân mà sáng đi làm, tối về nấu ăn, làm việc nhà, dạy con học. Ngoài áp lực công việc còn có cả áp lực gia đình. Nhưng đàn ông lại không mất gì, họ có thêm một người đồng hành kiếm tiền, thêm một người giúp việc, sẻ chia.

Người phụ nữ vì hôn nhân phải thích ứng với một gia đình mới, và chịu ánh mắt dò xét của bố mẹ chồng và người thân. Họ xa bố mẹ mình để đến chăm sóc bố mẹ, gia đình chồng. Như vậy, sự thua thiệt hình như rơi vào phái yếu nhiều hơn chứ.

Đàn ông tất nhiên cũng có những áp lực riêng, những nỗi khổ không phải lúc nào cũng cất thành lời. Họ cũng cần sẻ chia, động viên. Nhưng có mấy người thấu được hết vì sao phụ nữ lại bị mắc kẹt trong những “tủn mủn đàn bà”?

Tôi bảo bạn hãy nhìn lại bản thân mình, ngẫm lại xem tổ ấm này quan trọng với bạn bao nhiêu. Và hãy nghĩ về lý do hai người bắt đầu cuộc hôn nhân ấy nữa. Với một người đàn ông, khi không cho vợ con mình được những tháng ngày yên vui, thì kết hôn cũng chẳng có giá trị gì. 

Đinh Hương

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Như Hường-HCM 24-07-2020 09:08:19

    Để hạnh phúc gia đình trọn vẹn, bình đẳng là điều quan trọng nhất, trong thời đại ngày nay người phụ nữ ngoài thiên chức là vợ, làm mẹ họ cũng phải ra ngoài lăn lộn như đàn ông. Rất mong những ông chồng hãy yêu thương người bạn đời của mình.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI