Rong ruổi đi tìm chân dung Việt Nam

02/07/2021 - 17:06

PNO - Chàng trai trẻ Alden Anderson (đến từ Mỹ) rong ruổi khắp Việt Nam để khắc họa chân dung 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S.

Không chỉ là du lịch

Năm 2016, sau mười năm làm việc trong ngành công nghiệp điện ảnh, Alden quyết định rời Los Angeles để bắt đầu một hành trình khác mà bất kỳ thanh niên nào cũng háo hức: du lịch vòng quanh thế giới. Hai năm sau, anh đến Việt Nam. Trong tâm tưởng của chàng thanh niên Mỹ, Việt Nam gợi nhớ một giai đoạn lịch sử hào hùng. Anh cho rằng chính điểm liên kết ấy là lý do để anh chọn ở lại và khám phá đất nước xinh đẹp này.

“Tôi luôn muốn đến Việt Nam, đất nước các bạn đã giữ chân tôi từ năm 2018. Tôi được mở rộng tầm mắt về một đất nước đậm đà bản sắc và con người vô cùng ấm áp”, anh chia sẻ.

Alden và Yến Trinh với các người mẫu ảnh của mình
Alden và Yến Trinh với các người mẫu ảnh của mình

Alden nói rằng người Việt Nam làm việc rất chăm chỉ. Mỗi khi đến vùng nông thôn, anh luôn ấn tượng về những người nông dân. Họ hăng say lao động và luôn tươi cười. Nếu bạn đang đi chơi, họ sẵn sàng mời bạn vào nhà của họ, và bạn sẽ cảm nhận được sự khiêm tốn từ những con người chất phác ấy. “Tôi thích gặp gỡ những người khác biệt với tôi và tìm hiểu về cuộc sống của họ. Ở Việt Nam có rất nhiều câu chuyện để kể. Tôi đặc biệt thích chụp ảnh những người lớn tuổi. Việt Nam có 54 dân tộc. Theo tôi, tuy nhỏ bé nhưng sự đa dạng văn hóa và sắc tộc là điều khiến đất nước của các bạn trở nên độc đáo”, anh nói.

Chàng trai Mỹ cho biết anh có một tình yêu kỳ lạ đối với lịch sử và nghệ thuật các dân tộc được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua những bộ trang phục. Đó cũng chính là ấn tượng mà anh muốn làm nổi bật trong các bức ảnh của mình.

Ban đầu, Alden thực hiện dự án riêng mang tên Portraits of us để chụp ảnh và ghi lại những câu chuyện của người dân mà anh gặp được trong suốt hành trình đã đi qua. Đây đơn thuần chỉ là một dự án cá nhân, giúp anh thỏa mãn đam mê kể chuyện bằng nhiếp ảnh. Đến khi anh gặp Yến Trinh, một freelancer sinh ra và lớn lên trong các bản làng của dân tộc Ba Na ở Kon Tum, cả hai nhận thấy rằng họ có cùng mối quan tâm đặc biệt đến văn hóa, bản sắc của các dân tộc Việt Nam, Vietnam The People - dự án đi và chụp lại các dân tộc ở Việt Nam - hình thành từ đó. Alden kể Yến Trinh có một tình yêu đặc biệt đối với người dân tộc thiểu số, cô luôn muốn tìm hiểu và giúp đỡ họ. Cuộc gặp gỡ định mệnh ấy không chỉ gắn kết hai người trẻ, mà còn là hai nền văn hóa, hai dân tộc với nhau.

Một số tác phẩm của Alden
Một số tác phẩm của Alden

Thách thức đầu tiên của cả hai chính là tìm kiếm các dân tộc và khu vực sinh sống của họ. Việc này do Trinh đảm nhận. Khó khăn tiếp theo là điều kiện thời tiết và việc di chuyển. Alden kể anh và Trinh đã bị mắc kẹt trong những trận mưa bão khủng khiếp như trong phim Hollywood. Anh phải lái xe qua những khu vực ngập sâu đến mức xe bị chết máy. Thậm chí cả hai suýt bị sét đánh nhiều lần. Ấn tượng hơn cả với anh chính là phải vượt qua một số con đường cheo leo, hiểm trở. Thế nhưng sau tất cả, đó đều là những trải nhiệm đáng giá trong tuổi trẻ của cả hai. Nếu được chọn, anh sẽ chọn sống ở miền Bắc Việt Nam.

Ấn tượng Việt Nam

Ngoài những câu chuyện về cuộc sống của người dân tộc thiểu số, Alden cho biết anh còn hứng thú với lý lẽ sống của những người con núi rừng. Anh và Trinh đã có một cuộc phỏng vấn nữ anh hùng lực lượng vũ trang Kăn Đơm ở A Lưới, và vô cùng kinh ngạc về những câu chuyện của cô trong chiến tranh. “Cô ấy bắt đầu câu chuyện với sự khiêm tốn chứ không phải những suy nghĩ thù hận. Cô cũng có cái nhìn đầy lạc quan với thế hệ trẻ hiện nay của đất nước Việt Nam”, Alden nhớ lại.

Alden cho rằng Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và ngày càng kết nối với thế giới. Tuy nhiên, sự giao thoa và gặp gỡ của nhiều nền văn hóa khác nhau đôi lúc sẽ khiến văn hóa bản địa bị ảnh hưởng. Những già làng, trưởng lão là những người nắm rõ nhất văn hóa tộc người. Do đó, việc cố gắng chụp lại chân dung của họ không chỉ giúp anh thỏa mãn đam mê khám phá nhân học của mình, mà còn có ý nghĩa đối với các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. 

Để đáp lại tình yêu mà bà con dân tộc thiểu số ở Việt Nam dành cho mình, trong mỗi lần ghé thăm, Alden thường tặng họ những bức ảnh anh chụp. Anh nhớ hoài kỷ niệm với một bà cụ người Cơ Ho ở Lâm Đồng. Thấy bà đang ngồi trước nhà may lại đôi giày đã rách, anh quyết định tặng bà một đôi giày mới. Dù chỉ là một món quà nhỏ, nhưng niềm vui của bà cụ khiến anh hạnh phúc vô cùng.

Ngoài thiên nhiên hữu tình và người dân thân thiện, các món ăn Việt Nam khiến chàng trai trẻ mê mẩn. Anh cho rằng đó cũng là một nét văn hóa đặc sắc, góp phần tạo nên văn hóa bản địa độc đáo của Việt Nam. “Đi khắp Việt Nam, chúng tôi thưởng thức mọi đặc sản của địa phương đó. Tôi yêu cơm lam với thịt heo của dân tộc Thái ở Mai Châu; bánh bò thốt nốt của dân tộc Chăm ở Châu Đốc; lá mì với thịt và rượu gạo của người Xơ Đăng ở Kon Tum. Tôi cũng thích rượu làm từ gạo, ngô, hoặc rượu đoác làm từ cây cọ của người Tà Ôi. Nó có một hương vị rất độc đáo, giống như kombucha với dừa. Tôi chỉ thấy nó ở A Lưới”, anh kể.

Hiện tại, Alden đã chụp được 43 dân tộc ở Việt Nam. Vì dịch bệnh, nên Alden và Trinh không di chuyển nhiều trong thời gian này, nhưng cả hai vẫn tiếp tục nghiên cứu và hoàn thành những sản phẩm trước đây. Ngoài những bức ảnh chụp riêng lẻ, cả hai cũng đang ấp ủ dự án thực hiện một tập sách ảnh. Rong ruổi khắp Việt Nam, Alden đã và đang vẽ nên một bức chân dung đặc biệt của đất nước hình chữ S - nơi anh được sống với đam mê nhiếp ảnh của mình. 

Tấn Đồng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI