Rộn ràng xóm cau bên dòng sông Hậu

31/10/2017 - 11:30

PNO - “Gia đình tôi lặt cau, chẻ cau đã bốn đời từ bà ngoại, mẹ, tôi, đến mấy đứa con gái. Tính ra chắc nghề này đã có gần trăm năm”, bà Võ Thị Thế, ngụ phường Thạnh Phước, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long cho biết.

Hiện nay, tại phường Thạnh Phước (tỉnh Vĩnh Long) có trên 30 hộ dân làm nghề mua bán, lặt, chẻ cau với trên 80 lao động có việc làm quanh năm. Phần lớn những lao động này sẽ nhận cau về làm tại nhà để vừa chăm sóc nhà cửa, trẻ con, lại vừa có thêm thu nhập.

Ron rang xom cau ben dong song Hau
Nhà nào ít nhân công thì ra vựa lặt hay nhận cau tươi về nhà chặt rồi giao lại cau ruột lấy tiền, nhà đông người còn kiêm luôn mua bán cau.

Mỗi ký cau được lặt từ buồng ra từng trái rời sẽ được trả 500 đồng; mỗi ký ruột cau sau khi tách được nhận tiền công 2.500 đồng. Người có tay nghề thuần thục có khả năng lặt khoảng 200 ký cau hay chẻ được khoảng 50 ký ruột cau để có thu nhập từ 100.000 - 130.000 đồng/ngày.

Bình quân 10 - 12 ký cau tươi sẽ cho ra 1 ký ruột cau. Số tiền tuy nhỏ nhưng đã giúp nhiều người có nguồn thu ổn định, thường xuyên. Với những hộ gia đình có từ 3 đến 4 lao động thì cuộc sống cũng không đến nỗi chật vật.

Ron rang xom cau ben dong song Hau
Người dân gắn bó lâu năm với cau chỉ cần nhìn vỏ và màu sắc bên ngoài là có thể đoán được chất lượng và độ chín, dày bên trong, từ đó nhanh chóng thỏa thuận giá cả mua, bán. 

Anh Huỳnh Thanh Phương, mới 38 tuổi những đã có trên 20 năm làm nghề mua cau cùng gia đình vui vẻ tâm sự: “Làm nghề này tuy không giàu sang nhưng sống được và có việc làm quanh năm. Những tháng gần đây thương lái Trung Quốc có đến đặt hàng nhưng xóm chúng tôi cảnh giác lắm, ai cũng từ chối. Thà bán cho thương lái “nội địa” cho chắc ăn. Mỗi ngày tôi thu mua từ 2 đến 3 tấn cau tươi, sống nhàn lắm”.

Cũng theo anh Phương, không cần vốn ban đầu, không cần có trình độ học vấn cao, trẻ em, phụ nữ, người cao tuổi đều có thể làm được… chính là những yếu tố giúp nhiều lao động đeo bám nghề này bao đời nay.

Ron rang xom cau ben dong song Hau
Nghề làm cau đã tạo thêm công ăn việc làm cho nhiều lao động nơi đây.

Được biết, nguồn cau tươi hiện nay anh Phương thu mua tại Hậu Giang, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng... sau đó sẽ xuất đi tại các tỉnh miền Trung. Nếu trước đây giá mua bình quân là 12.000 đồng/ký thì hiện đã giảm xuống từ 5.000 - 9.000 đồng/ký ( tính cả buồng cau), tùy chất lượng. Phương thức thanh toán là “tiền trao cau lấy”.

Nhiều người gắn bó với cau lâu năm tại đây cho biết thêm, chỉ cần nhìn vỏ và màu sắc bên ngoài trái cau là có thể đoán được chất lượng và độ chín, độ dầy bên trong, từ đó nhanh chóng thỏa thuận giá cả mua, bán.

Mấy mươi năm về trước xóm làm cau này mua bán rất sung túc do tập quán của người già ăn “ kèm” với lá trầu còn phổ biến. Dần dà người ăn trầu với cau cũng ít dần, trái cau chỉ có mặt ở những đám cưới, đám hỏi... Sau đó, khi cau khô được xuất sang Trung Quốc và một số nước khác để làm kẹo, mỹ phẩm, bào chế dược liệu… nên nhiều người bắt đầu trồng cau xuất khẩu.

Tuy nhiên, những tháng gần đây xuất hiện tính trạng nhiều thương lái Trung Quốc đến đặt mua cau non tươi hay sấy khô xuất khẩu với giá cao khiến nhiều thương lái hăm hở tăng giá mua của người trồng; đồng thời gom hàng tích trữ với số lượng lớn. Thế nhưng sau đó thương lái Trung Quốc lại biến mất khiến nhiều thương lái Việt lỡ thu gom phải sống trong cảnh sống dở, chết dở.

“Xóm cau vẫn đang duy trì mức độ sản xuất, bên cạnh đó hết sức cảnh giác với giá “ảo”. Nếu có dịp đến đây, mọi người sẽ bắt gặp không khí lao động nhộn nhịp, phấn khởi bởi họ vừa có nguồn thu nhập ổn định, vừa giữ được cái nghề đã có tự lâu đời”, anh Phương cho hay.

Thanh Liêm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI