Rộn ràng những tiết học “chạy” đầu tiên

14/09/2024 - 06:18

PNO - Năm học 2024-2025, nhiều trường phổ thông tại TPHCM đã cho học sinh lớp Mười hai “học chạy” 2 môn thi tự chọn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, đáp ứng sở thích và nhu cầu nghề nghiệp của các em.

Học sinh tự do chọn môn yêu thích

Chiều thứ Tư, sau khi kết thúc 2 tiết tiếng Anh, Trần Yến Linh - học sinh lớp 12C3, Trường THPT Võ Trường Toản (quận 12) - nhanh chóng thu dọn cặp sách, “khăn gói” sang phòng học khác để học tiếp môn địa lý. Ở lớp này, ngoài học sinh lớp của Linh, còn có nhiều bạn lớp 12C1 và 12C2.

Linh háo hức nói: “Em rất thích khi mỗi giờ ra chơi lại được linh động đến lớp học khác giống các anh chị ở đại học, thay vì ngồi chờ giáo viên đến lớp mình. Đây là trải nghiệm thú vị của em trước khi bước chân lên môi trường đại học”.

Một “lớp học chạy” môn địa lý ở Trường THPT Võ Trường Toản có học sinh của 3 lớp Mười hai
Một “lớp học chạy” môn địa lý ở Trường THPT Võ Trường Toản có học sinh của 3 lớp Mười hai

Ngô Minh Khôi (lớp 12C15) cho biết: “Em rất sợ bị xếp lại lớp hay phải học theo môn mà nhiều bạn chọn thay vì môn mình thích. Nên khi được “học chạy” em rất thích. Em còn được làm quen nhiều bạn mới, có cùng sở thích, định hướng môn học với mình”. Không riêng học sinh, giáo viên của trường cũng hết sức hứng khởi.

Cô Nguyễn Thị Kim Yến - Tổ trưởng tổ vật lý - nói: “Để dạy tốt những lớp học này, tôi phải chuẩn bị bài giảng thật kỹ. Vì các em thuộc nhiều lớp, có cả học sinh của thầy cô khác. Vì các em thích môn học thì mới chọn, giờ học rất sôi động, các em chăm chỉ đóng góp bài làm tôi rất vui”.

Đây là năm học đầu tiên Trường THPT Võ Trường Toản cho học sinh khối Mười hai “học chạy”, thực hiện ở buổi 2 với 2 môn tự chọn trong số các môn: ngoại ngữ, lịch sử, vật lý, hóa học, sinh học, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật, tin học, công nghệ.

Bà Đỗ Thị Việt Phương - Phó hiệu trưởng nhà trường - giải thích: kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, học sinh phải thi 4 môn, gồm ngữ văn, toán và 2 môn tự chọn. Ngoài giờ học chính khóa, những môn này được tăng cường thêm 2 tiết/môn ở buổi 2. Nhưng vì mỗi học sinh chọn môn tự chọn khác nhau nên trường phải bố trí “học chạy” để đáp ứng yêu cầu.

Từ năm học trước, Trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (huyện Hóc Môn) đã thực hiện mô hình lớp ghép để học sinh được học 4 môn tự chọn theo đúng sở thích. Năm nay, trường bắt đầu cho học sinh khối Mười hai “học chạy” 2 môn tự chọn của kỳ thi tốt nghiệp THPT vào buổi 2.

Ông Hồ Ngọc Đăng Khoa - Phó hiệu trưởng nhà trường - thông tin: “Lớp ghép chỉ thực hiện ở một vài lớp riêng biệt, còn lớp “chạy” có quy mô lớn hơn nhiều vì mỗi em chọn 2 môn lựa chọn khác nhau. Việc này sẽ đáp ứng được yêu cầu của chương trình mới và kỳ thi tốt nghiệp THPT, không bị cứng nhắc theo mô hình lớp học truyền thống mà bắt các em phải thay đổi nguyện vọng”.

Trường THPT Bà Điểm, Trường THPT Hồ Thị Bi (huyện Hóc Môn)… cũng thực hiện “lớp học chạy” ở buổi 2. Nhiều trường khác như Trường THPT Bùi Thị Xuân (quận 1), Trường THPT Ten Lơ Man (quận 1), Trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân)… thì ngay từ năm lớp Mười, học sinh đã được “chạy” chính khóa 2 trong số 4 môn học lựa chọn, 2 môn còn lại học cố định. Riêng ở Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5), học sinh “học chạy” cả 4 môn tự chọn.

Khó nhất là xây dựng thời khóa biểu

Sau 1 tuần cho học sinh “học chạy”, bà Đỗ Thị Việt Phương khẳng định: mô hình này cần thiết nhưng còn nhiều khó khăn. Bà ví dụ: “Nhiều học sinh tiết chính khóa học giáo viên A nhưng tiết “học chạy” lại học giáo viên B. Như vậy, giáo viên B có thể không bám sát các em bằng giáo viên A.

Một vài lớp có sĩ số lên đến 53-54 em/lớp nên thầy cô dạy sẽ mệt hơn, trường phải tìm phòng rộng để học sinh được thoải mái. Sổ đầu bài cũng phải làm thành 2 quyển: chính khóa và “lớp chạy” để quản lý, điểm danh”.

Cũng theo bà, việc “chạy” buổi 2 kéo theo một vài môn học chính khóa phải “chạy” cùng, như tin học và thể dục. Ở 2 môn này, việc ghi nhận điểm số sẽ vất vả hơn vì “lớp chạy” có học sinh của nhiều lớp khác nhau. Trường phải mất thêm nhân lực và thời gian để xếp học bạ của học sinh theo “lớp chạy” để giáo viên “dạy chạy” vào điểm trước. Sau đó tách học bạ ra, trả về đúng theo lớp chính khóa để các giáo viên khác vào điểm.

“Chúng tôi mong ngành GD-ĐT sớm có phương án chuyển đổi số, học bạ số để việc vào điểm cho các em dễ dàng và chính xác hơn” - bà cho biết.

Ông Hồ Ngọc Đăng Khoa cũng cho biết, trường phải dùng cả phòng hội trường, phòng chức năng mới đủ chỗ cho học sinh “học chạy”. Trường đã cố gắng sắp xếp để khoảng 90% học sinh được học cùng một giáo viên ở cả tiết chính khóa và tiết “chạy”, còn 10% buộc phải học khác giáo viên. Các tổ bộ môn phải xây dựng, thống nhất nội dung chương trình, khung thời gian giảng dạy, đảm bảo chương trình chính khóa và buổi 2 không lệch hoặc chồng chéo nhau.

Tuy nhiên, những học sinh năng lực chưa tốt vẫn có thể không theo kịp chương trình vì không kịp thích nghi. Trường sẽ có các lớp phụ đạo, thậm chí có giáo viên kèm riêng để hỗ trợ các em. “Cái gì khác với truyền thống thì cũng phải khó khăn, nhưng hy vọng 1-2 tháng sau học sinh sẽ quen vì điều này rất có lợi cho các em” - ông nhấn mạnh.

Có 3 năm thực hiện mô hình “học chạy”, đại diện Trường THPT Bình Hưng Hòa chia sẻ: khó khăn của “học chạy” không phải là cơ sở vật chất, trước đây trường có 36 phòng mà 54 lớp vẫn dạy được. Khó khăn lớn nhất là xây dựng thời khóa biểu và quản lý học sinh.

Theo ông, để ổn định, các trường nên khảo sát nhu cầu học sinh nhiều lần từ năm lớp Mười, tránh việc học sinh muốn thay đổi môn học sau một thời gian học. Về giáo viên, trường cũng phải làm công tác tư tưởng để thầy cô hết mình, dạy đúng và đủ ở tất cả môn chứ không chỉ tập trung ở 4 môn thi tốt nghiệp THPT.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI