Romeo và Juliet thời nay

24/06/2014 - 20:45

PNO - PN - Câu chuyện của họ giống hệt những gì văn hào Shakespeare đã viết trong kiệt tác của mình về Romeo và Juliet.

edf40wrjww2tblPage:Content

Romeo va Juliet thoi nay

Romeo và Juliet thời nay ở Afghanistan

Zakia mới 18 tuổi, Mohammad Ali 21 tuổi, cả hai đều là con của những nhà nông nghèo ở Bamian, một tỉnh nhỏ vùng núi Afghanistan. Hai đứa trẻ biết nhau từ bé, cùng làm việc với nhau, khi trên những cánh đồng, khi chăn dê bên sườn núi ở làng Khame Kalak.

Năm tháng qua đi, Zakia trở thành một cô gái và không quên người bạn thời thơ ấu. Ali cũng thế, dù họa hoằn anh mới thấy Zakia che kín mặt bằng tấm khăn choàng truyền thống Hồi giáo. “Một trăm phần trăm, tôi đảm bảo, cô ấy cũng yêu tôi như tôi yêu cô ấy”, Ali nói.

Anh tìm cách liên lạc với Zakia qua việc nhờ một người bạn của Zakia chuyển điện thoại di động cho cô. Suốt bốn năm sau đó, họ liên lạc với nhau qua chiếc điện thoại, mỗi tuần một lần, có khi lâu hơn.

Cả hai biết cuộc tình của họ không thể diễn ra suôn sẻ, vì Ali thuộc dòng Hazara, một nhánh của Shia, còn Zakia thuộc dòng Tajik, hệ phái Sunni. Hai sắc tộc thù hận nhau tận xương tủy, dù không ai trong gia đình họ có thể giải thích sự thù địch đó có từ lúc nào và tại sao. Chỉ biết, bố của Zakia và Ali đều khẳng định, mối tình của hai đứa trẻ là điều ô nhục của dòng họ, thà họ giết con còn hơn là để chúng lấy nhau. Đặc biệt là với Zakia.

Romeo va Juliet thoi nay

Ali và Zakia đã vượt mọi trở ngại để sống với tình yêu của mình

Tuy vậy, Ali vẫn thuyết phục được bố đến nhà của Zakia xin cưới cô cho con mình. Họ đã bị từ chối thẳng thừng, ngay cả khi hứa sẽ tặng một phần ruộng của mình làm sính lễ. Chẳng những thế, đàng trai còn bị nhục mạ thậm tệ. Từ đó, hai nhà trở thành “không đội trời chung”.

“Thế là tôi biết cô ấy không còn chốn nương thân ở quê hương. Tôi quyết định đưa cô ấy đến Kabul”. Đó là nơi đặt trụ sở của Bộ đặc trách về các vấn đề phụ nữ của chính phủ Afghanistan. Muốn đến đó không phải dễ, vì họ không chỉ phải vượt qua chặng đường dài trắc trở với núi non trùng điệp và thời tiết lạnh giá, mà còn phải trốn tránh sự săn đuổi của gia đình Zakia.

Khi họ đến được Kabul, cũng là lúc gia đình Zakia đuổi kịp. Họ lục nát trụ sở của Bộ đặc trách về các vấn đề phụ nữ để tìm hai kẻ đào thoát. Cảnh sát phải can thiệp, trật tự mới được vãn hồi.

Bố của Zakia cho biết, gia đình đã chấp thuận cho cô hứa hôn với một người đàn ông khác trước khi cô bị Ali dụ dỗ đưa đi trốn. Do vậy, cô phải trở về để thực hiện cam kết này. Zakia bác bỏ, cho rằng đó là những lời dối trá.

Trong khi chờ đợi cuộc điều tra, bà Fatima Kazimi, người phụ trách bộ này, cho phép Zakia tạm trú tại một nhà mở dành cho phụ nữ. Tuy nhiên, bà không được tham dự phiên tòa xét xử việc của Zakia, sau đó mới biết một tòa án ở Bamian đã ra phán quyết buộc Zakia phải trở về nhà bố mẹ cô và tạm giam Ali vì đã đưa Zakia đi trốn.

Nhận được phán quyết đó, Zakia nói với vẻ kiên quyết: “Nếu họ chạm vào người tôi, họ sẽ phải trả giá bằng cái chết của tôi. Thà tôi chết chứ tôi không bao giờ về nhà để bị gả cho một người xa lạ”.

Bà Kazimi lập tức can thiệp. Bà cùng một số cảnh sát đưa Zakia trở lại nhà mở với lý do mọi chứng cứ đưa ra tại tòa đều không đúng với sự thật, và theo luật pháp Afghanistan, Zakia có quyền làm theo ý của mình.

Đến nay, Zakia đã sống ở nhà mở được năm tháng, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ cho sinh mạng của mình và người yêu. “Người nhà tôi nói, nếu chúng tôi kết hôn, họ sẽ giết cả hai. Nhưng nếu tôi về nhà, bố mẹ tôi cũng giết tôi. Đó là điều chắc chắn!”, Zakia nói.

Câu chuyện Romeo và Juliet ở Afghanistan dẫu sao cũng có cái kết không đến nỗi bi thảm như trong chuyện của Shakespear. Giữa tháng Sáu, tòa án tối cao ở Kabul ra phán quyết Ali vô tội, Zakia được quyền cưới người cô yêu.

 THIỆN NGA (Theo New York Times)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI