Romain Gary và "bảo tàng" về mẹ bằng văn chương

10/12/2020 - 07:03

PNO - Romain Gary viết "Lời hứa lúc bình minh" năm 1960, khi ông là một nhà ngoại giao ở Los Angeles. Đó là câu chuyện về mẹ ông, Nina Borisovskaia - người đã phủ bóng mình lên toàn bộ cuộc đời ông.

Tôi tin nó không chỉ là một cuốn hồi ký hay tự truyện. Gary đã sử dụng quá khứ cùng tài năng của mình để tạo nên một tiểu thuyết, tưởng nhớ người mẹ ông suốt đời không quên.

15 năm sau, khi giới phê bình cho rằng thời của Romain Gary đã hết, thì ông trở lại bằng tiểu thuyết Cuộc sống ở trước mặt (1975), với bút danh Emile Ajar. 

Từ Lời hứa lúc bình minh đến Cuộc sống ở trước mặt, Gary đã dựng nên hình ảnh những người đàn bà - người mẹ - cô độc, mộng tưởng, điên cuồng, thất bại, già nua, mỏi mệt nhưng đầy ắp tình yêu. Thứ tình yêu đã cứu rỗi từ cậu bé Romain Kacew cho đến Momo, khiến họ hiểu được ý nghĩa của việc làm người.

Tình yêu cuồng điên của một người mẹ

Nina hiện lên trong Lời hứa lúc bình minh là một người mẹ “hiến dâng” cả cuộc đời cho con. Bà có một niềm tin bất định rằng, con là một thiên tài và bà đã làm việc cả đời, bất cứ công việc gì để có tiền trang trải những lớp học nghệ thuật, khiêu vũ, giao tiếp cho cậu.

Lời hứa lúc bình minh và Cuộc sống ở trước mặt của Romain Gary gây xúc động khi dựng nên một bảo tàng về người mẹ
Lời hứa lúc bình minh và Cuộc sống ở trước mặt của Romain Gary gây xúc động khi dựng nên một bảo tàng về người mẹ

Có lẽ, Nina là một người mẹ lập dị, khiến Romain nghẹt thở, bởi tín niệm về cái tuyệt đối của bà. Nhưng, theo một cách nào đó, chính bà cũng là điều đã thôi thúc cậu bước tiếp sau bao thất bại. Và Romain hẳn đã sống tiếp chỉ vì mẹ.
Điều đó đã thôi thúc nhà văn viết thêm một lời hứa nữa trong cuộc đời với Cuộc sống ở trước mặt. Tôi cho rằng đây là một cuộc tái sinh của Gary, và của mẹ ông từ Lời hứa lúc bình minh. 

Cuộc sống ở trước mặt là câu chuyện về Momo - một cậu bé Ả Rập mồ côi, và sự tận tâm của cậu đối với Madame Rosa, 68 tuổi, từng là gái điếm, đang hấp hối. Điều gì đã ráp nối hai người cô độc này lại, ngoài sự nương tựa? Gary đã viết nên một tác phẩm tuyệt đẹp về tình yêu kỳ dị này. Momo đã chăm sóc Rosa đến tận giây phút cuối cùng, kể cả khi bà đã chết, cậu bé cũng tìm cách để xác chết của bà ở cạnh mình. 

Hai người mẹ, thể hiện tình yêu theo những cách thức khác nhau, nhưng đều lần lượt bỏ lại người mà họ thương yêu nhất để ra đi. Hai người trẻ, tiến về tương lai trong nỗi cô độc chỉ còn lời hứa là hành trang. Đó là hai tiểu thuyết đau đáu và hoài niệm, để độc giả ghi nhớ rằng trên trái đất không có gì đẹp hơn tình yêu của một người mẹ.

Sự dửng dưng xoáy sâu đau đớn

Biệt tài văn chương của Romain Gary là khả năng hài hước trong những tình huống bi thương của cuộc đời. Từ Lời hứa lúc bình minh đến Cuộc sống ở trước mặt ông luôn dẫn dụ người đọc bằng thứ ngôn ngữ vui nhộn, thậm chí có khi khiến ta bật cười, nhưng khi ở lại trong câu chuyện, không khí bủa vây xung quanh là một nỗi buồn miên viễn.

Lời hứa lúc bình minh tràn ngập những giai thoại và kỷ niệm gợi nhắc thời thơ ấu bình yên. Theo dõi bước chân của Romain, chắc hẳn sẽ phải cười thầm khi mẹ cậu luôn khẳng định với những người trong phố rằng cậu là một thiên tài. Bằng niềm tin đến mức viễn tưởng của mình, bà đã gây nên nhiều pha xấu hổ cho con trai, đem lại tiếng cười cho độc giả. 

Ngôn từ của Gary chân thực xen lẫn hài hước sâu cay; mỗi nhân vật của ông đều hiện lên sắc nét trong từng chi tiết, 
hình ảnh.

Đến Cuộc sống ở trước mặt, ông tạo nên hai nhân vật trông có vẻ đối lập từ độ tuổi, hình hài, tính cách đến xuất thân. Một đứa trẻ người Ả rập, gầy yếu và một bà lão người Do Thái, to béo tạo nên tính tình kỳ dị nhưng đau đáu tình cảm. Romain Gary luôn thành công trong những câu chuyện như thế, từ Lời hứa lúc bình minh, Cuộc sống ở trước mặt, Quấn quýt, Chó trắng… Sự thông minh, sâu sắc, kịch tính, gợi mở, hài hước và đen tối được đan bện trong tiểu thuyết của ông. 

Bên cạnh mối quan hệ mẹ con hay tình yêu, tình mẫu tử không chung huyết thống, hai cuốn sách còn mang đến những trăn trở về người Do Thái ở Pháp, về sự nghèo khó, về những người già và cái chết của họ… Như lời Momo nói: “Những người già có thể không còn như xưa, nhưng họ đáng giá như bất kỳ ai. Họ cũng có cảm xúc như bạn và tôi, và đôi khi, họ còn đau khổ hơn vì đã quá già để tự vệ”.

Gary miêu tả trần trụi những điều đó, không cố đánh tráo nỗi đau bằng những khoa trương. Khi Momo cố gắng xịt những chai nước hoa vào xác chết đang dần bốc mùi của Rosa, nỗi bất lực, nghẹn ngào, khốn nạn của việc có một mình trên đời đã được thể hiện trọn vẹn.

Từ lời hứa trở thành người vĩ đại trong Lời hứa lúc bình minh đến lời hứa phải sống tiếp trong Cuộc sống ở trước mặt, Gary đã hoàn thành một dòng chiêm nghiệm đầy tính triết học của cuộc đời mình. Sau mọi thành công hay danh vọng, ông đã nói với chúng ta về tình yêu, sự tồn tại và ý nghĩa của cách mà ta sống trong đời.

Năm 1980, tại Paris, Romain Gary bắn một phát súng vào đầu để tự kết thúc cuộc đời mình. Cuộc đời của Gary có lẽ như thế đã đủ. Ông đã hoàn thành tất cả, và sau cùng, ông có thể đến gặp người mẹ chưa từng cắt đứt đi “sợi dây rốn” nối liền hai mẹ con. 

Phong Linh

 
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI