Rosie Nguyễn - cây bút của những quyển sách bestseller Ta ba lô trên đất Á, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu? Mình nói gì khi nói về hạnh phúc?… nói rằng, sau khi đã khám phá nhiều nước, cô mới quay trở về khám phá chính quê hương mình. “Trước đây tôi chỉ đi các tỉnh miền Tây, mãi sau này mới đến Đà Lạt, Nha Trang, Huế… Rồi cũng có khi tôi giật mình nhận ra, chỉ cần đi bộ trên những con đường quen thuộc của thành phố mình đang sống, vẫn thấy lòng đủ đầy cảm xúc của sự phát hiện, khám phá, chậm rãi và bình an” - Rosie Nguyễn (sinh năm 1987, tên thật Nguyễn Hoàng Nguyên) bộc bạch.
Gần hay xa không quan trọng, chỉ cần lòng mình chậm lại
Phóng viên: Lần đi khám phá… gần nhà nhất của Rosie Nguyễn là ở đâu?
Rosie Nguyễn: Ở ngay TP.HCM. Có lần tôi được bạn rủ đi chơi ở Q.9 mới bất ngờ phát hiện ra có một ngôi đền - nơi ngắm hoàng hôn thật lộng lẫy mà nào giờ mình đâu hay biết. Thậm chí nhiều hôm tình cờ tôi phát hiện ra những con đường rất đẹp trong thành phố. Khó ai ngờ phía sau những ồn ào bụi bặm của đô thị lại có rất nhiều khu phố tĩnh lặng, nên thơ. Trên những mái nhà cổ kính có dây leo phủ xuống bức tường màu vàng cũ kỹ. Tôi cứ thế đi bộ và cảm nhận. Đi du lịch là để tìm thấy sự tươi mới, khám phá không gian khác. Vậy nên, đi gần hay đi xa, chỉ cần lòng chậm lại, để ý một chút thôi là đã thấy có biết bao nhiêu cảnh đẹp quanh mình rồi.
* Sao trước đây bạn không chịu đi gần?
- Tôi nghĩ khi mình còn trẻ, còn sức khỏe và tâm trạng háo hức, đi càng xa càng tốt. Còn trẻ nên chuyến đi nào cũng phải tiết kiệm chi phí. Tôi thấy nhiều bạn trẻ Việt thường có tâm lý tự ti so với bạn bè thế giới. Nhưng đi nhiều, quan sát nhiều tôi mới thấy cái gì, nơi nào cũng có những ưu - khuyết riêng. Ngoài trải nghiệm du lịch, khám phá, đó còn là cơ hội để kết nối với cộng đồng và biết nhìn nhận mọi thứ công bằng hơn.
* “Khoảnh khắc lộng lẫy” nhất mà Rosie Nguyễn từng cảm nhận khi tự do tự tại giữa đất trời là lúc nào?
- Đó là lúc tôi đứng giữa rừng quốc gia Taroko Gorge (Đài Loan). Nhìn ngắm những bậc núi cao, dốc đá uốn lượn, cảm giác như có ai đó đã xẻ đôi những hòn đá này ra, tạo thành những hang động kỳ vĩ. Cảnh vật đẹp quá sức tưởng tượng. Đứng trên đỉnh nhìn núi mây trùng điệp, nhìn dòng sông chảy dưới chân núi, thấy mình thật nhỏ bé. Con người sống quẩn quanh trong không gian nhỏ hẹp, làm những công việc quen thuộc, cứ hay mang mình ra làm vũ trụ. Nhưng khi đứng giữa thiên nhiên vô hạn, mới thấy mình thật nhỏ nhoi. Khoảnh khắc ấy tôi nhận ra rằng, chỉ nên dành năng lượng của đời mình để làm những điều tích cực, ý nghĩa. Bởi cuộc đời là hữu hạn, nên phí hoài chi những năm tháng quý giá ấy cho những chuyện vô bổ, vô nghĩa.
* Nhưng thật ra đó cũng là lúc con người thật cô đơn?
- Tôi lại thích cảm giác ấy, chỉ một mình với đất trời. Như khi tản bộ qua những khu phố Đài Loan, tôi không nghĩ gì hết ngoài việc cảm nhận đôi chân mình đang chạm đất, mắt mình đang mở to nhìn ngắm cảnh vật và hạnh phúc chỉ là được bước đi mà thôi. Khi lòng mình trong veo, thì bông hoa dại bên đường cũng trở nên rực rỡ, vẫn là mặt trời soi sáng mỗi ngày thôi mà lại đẹp một cách kỳ lạ. Giữa thiên nhiên, giá trị của sự tĩnh lặng sẽ thanh lọc được hết mọi thứ trong tâm hồn mình. Tôi nhớ hoài cảm giác lặn biển ở Genting. Lặn xuống độ sâu gần 20m, thấy như một thế giới khác hiện ra trước mắt mình. Từng đàn cá vây quanh, những rặng san hô rực rỡ sắc màu… Tôi đắm mình trong không gian ấy để được thấy cơ thể như hòa tan, “nhập gia tùy tục” vào nơi sinh sống của cá và sinh vật biển.
Hãy mang trái tim, thay vì công nghệ!
* Bạn chia sẻ gì với những người trẻ chưa có thói quen sống sâu, sống chậm với hiện tại và đôi khi quên mất rằng, người ta có thể tìm thấy niềm vui ở những nơi gần, thật gần mái nhà mình sinh sống?
- Rất nhiều người trẻ đi du lịch chỉ thích check-in, chụp ảnh mà không để tâm nhiều đến việc khám phá trọn vẹn cảnh đẹp, cảm nhận sâu hơn những giá trị của di tích, thắng cảnh. Ở một trong số những chuyến đi, tôi gặp một du khách người Mỹ. Ông tên Terry, là người gác rừng về hưu. Với ông, đi du lịch là để nhìn ngắm vạn vật, cảm nhận mọi thứ xung quanh thật chậm rãi. Ông thậm chí không tham gia mạng xã hội, có chụp ảnh cũng chỉ là muốn lưu lại làm kỷ niệm cho mình. Đó cũng là cách khám phá rất hay, tôi nhìn ông mà thấy mình cũng cần học hỏi tính cách ấy rất nhiều. Đi và tạm quên mọi ràng buộc, kết nối ảo khác thì mình sẽ thấy bản thân luôn có sự kết nối sâu sắc với các điểm đến, sẽ nhận diện được nhiều điều quý giá cho chính mình. Nói một cách văn vẻ là hãy mang theo trái tim thay vì công nghệ, trong mỗi chặng hành trình.
* Có nơi nào là điểm du lịch thích hợp để tĩnh tâm mà Rosie Nguyễn từng đến?
- Có. Đó là một trang trại ở Đồng Nai, gần rừng Nam Cát Tiên. Nơi này thích hợp cho gia đình, nhóm bạn bè, thậm chí là cá nhân. Khách đến sẽ cùng tham gia sinh hoạt theo lịch của chủ nhà. Có thể buổi sáng cả chủ lẫn khách sẽ cùng nhau tập yoga, rồi làm vườn, nấu ăn… Chiều tiếp tục tập yoga, mọi sinh hoạt giao lưu tự nhiên thân tình như một cộng đồng gần gũi.
* Một Rosie Nguyễn mà người ta thấy là hoàn toàn tự do. Nhưng thật sự mà nói, bạn có hoàn toàn hạnh phúc từ những chuyến đi?
- Hạnh phúc được định nghĩa theo nhiều cách. Nhà triết học Aristoteles chia hạnh phúc theo các khía cạnh: sự dễ chịu, thoải mái; công danh tự do và có trách nhiệm; suy nghĩ như một triết gia. Phật tổ lại phân thành nhiều cấp độ: giác quan khoái lạc ngũ trần: ăn, uống, ngủ…; sự giác ngộ, tỉnh thức bên trong mỗi người. Những dạng hạnh phúc ấy, tôi đều trải qua, cảm nhận được. Nhưng nếu nói rằng, mình còn thở là hạnh phúc, ăn một món ngon biết ơn người nấu là hạnh phúc, làm việc vì cộng đồng hay viết để chia sẻ là hạnh phúc… thì tôi lại không hướng cuộc sống của mình chỉ dừng lại ở những hạnh phúc ấy. Tôi có thể hy sinh cảm giác dễ chịu hoặc là hạnh phúc giản dị của hiện tại để thực hiện những điều lớn hơn, phục vụ những mục tiêu khác. Tôi hướng đến hạnh phúc lớn hơn trong tương lai.
* Cảm ơn Rosie Nguyễn!
Diệp Nguyễn (thực hiện)