Rơi vào địa ngục trần gian vì sập bẫy lừa đảo trực tuyến

16/02/2025 - 18:42

PNO - Các trung tâm lừa đảo đã phát triển mạnh mẽ khắp Đông Nam Á trong những năm gần đây, trong đó có hàng ngàn người bị lừa tham gia vào các tổ chức phạm tội.

Một người đàn ông được giải cứu khỏi một trung tâm lừa đảo ở Myanmar bên trong một chiếc xe tải quân sự sau khi đến Thái Lan vào ngày 12 tháng 2. ẢNH: EPA-EFE
Một người đàn ông được giải cứu khỏi một trung tâm lừa đảo ở Myanmar bên trong một chiếc xe tải quân sự sau khi đến Thái Lan vào ngày 12/2 - Ảnh: EPA-EFE

Những ngày tháng kinh hoàng

Tại một khu phức hợp lừa đảo ở Myanmar, Pieta - một công nhân người Philippines - chỉ có vài ngày để tiếp cận, câu mồi những người lạ trực tuyến và lừa họ đầu tư vào một doanh nghiệp giả mạo. Nếu không, cô sẽ bị đánh đập hoặc tra tấn bằng điện giật.

Pieta là một trong số 260 người - nhiều người bị thương hoặc bầm tím thân thể - được giải cứu khỏi một trung tâm bất hợp pháp dọc biên giới Myanmar trong tuần này và được trao trả cho Thái Lan, sau một loạt các cuộc truy quét các hoạt động bất hợp pháp.

Các tổ chức lừa đảo đã mọc lên như nấm ở vùng biên giới Myanmar và có nhân viên là người nước ngoài, đôi khi bị buôn bán và ép buộc làm việc, lừa đảo mọi người trên khắp thế giới. Theo các nhà phân tích, ngành lừa đảo này là có giá trị hàng tỉ đô la.

Pieta từng nghĩ rằng cô sẽ nhận được một công việc ở Thái Lan với mức lương 1.500 USD/ tháng khi cô rời Philippines 6 tháng trước.

Thay vào đó, cô bị buộc phải làm việc theo ca không lương tại khu nhà ở Kyauk Khet, một ngôi làng ở bang Karen của Myanmar, lừa đảo mọi người ở châu Âu và sống trong nỗi sợ bị trừng phạt thường xuyên.

“Nếu chúng tôi không đạt được mục tiêu, chúng tôi sẽ bị đánh đập... hoặc bị sốc điện”, cô kể lại sau khi được giải cứu vào ngày 12/2 vừa qua.

“Tôi chỉ muốn khóc thôi. Ôi trời ơi. Tôi rất vui... vì đã rời khỏi nơi đó” - cô nói.

Ngoài Pieta còn có hơn 260 công dân nước ngoài trong số hàng ngàn người bị dụ vào các trung tâm lừa đảo mạng khét tiếng được giải thoát. Họ bị lừa bởi những lời hứa về công việc lương cao trước khi họ thực sự bị bắt làm con tin - đến từ hơn chục quốc gia, bao gồm Ethiopia, Brazil và Nepal.

Tìm đường về nhà

Cảnh sát cấp cao Thatchai Pitaneelaboot cho biết mọi người khi được tuyển dụng đều không biết họ bị lừa và phải làm gì cho đến khi bị đưa các trung tâm. Đến đây, họ mới hiểu hết nỗi kinh hoàng đang chờ đợi họ.

Ông Kokeb đến từ Ethiopia cho biết ông và những người đồng nghiệp của mình bị buộc phải làm việc quần quật 17 đến 18 giờ mỗi ngày, và nhiều người còn bị tịch thu điện thoại để ngăn họ trốn thoát.

Tuy nhiên, hai người Kenya khác - những người khai rằng họ đã bị ép phải lừa đảo người dùng internet ở "các quốc gia giàu có" như Hoa Kỳ - đã dàn dựng một cuộc trốn thoát cùng với một số người khác vài ngày trước khi bàn giao và đã bị lực lượng dân quân địa phương bắt giữ.

Quân đội Phật giáo Dân chủ Karen (DKBA), lực lượng kiểm soát khu vực Kyauk Khet, đã nhận trách nhiệm giải cứu hàng trăm công nhân vừa qua.

Tướng Saw Shwe Wah, tổng tư lệnh thứ hai của DKBA, cho biết vào ngày 12/2 rằng ông "cảm thấy nhẹ nhõm khi đã bàn giao những nạn nhân bị một cách an toàn" cho chính quyền Thái Lan.

DKBA và một nhóm quân sự khác của Myanmar cho biết họ sẽ thả thêm hàng ngàn nhân viên tại các trung tâm lừa đảo vào Thái Lan trong những tuần tới.

Những người hồi hương kể rằng hàng ngàn người vẫn đang bị giam giữ tại Kyauk Khet, nhưng họ vô cùng vui mừng khi cuối cùng cũng được trở về nhà.

Anh Liu đã bỏ vợ lại quê nhà ở tỉnh Vân Nam khi bà đang mang thai đứa con thứ 2 để hy vọng tìm việc lương cao, nhưng cuối cùng mới biết mình bị lừa. “Tôi rất mong được gặp các con mình” - ông nói trong khi chờ đợi được hồi hương.

Thảo Nguyễn (theo AFP)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI