Rối trước “ma trận” chọn môn học lớp 10

29/03/2022 - 06:35

PNO - Thay vì học 13 môn như chương trình phổ thông hiện hành, từ năm học tới, học sinh lớp 10 sẽ chỉ học 12 môn, trong đó có bảy môn bắt buộc và năm môn tự chọn. Với cách chọn này, tùy vào học sinh giáo dục thường xuyên hay THPT, sự lựa chọn này có thể dao động từ 80 - 100 cách chọn tổ hợp môn học, khiến không chỉ học sinh mà đến cả nhà trường cũng rối bời.

Hoang mang với quá nhiều lựa chọn

Từ năm học 2022 - 2023, chương trình mới sẽ áp dụng cho bậc THPT, bắt đầu thực hiện cuốn chiếu từ lớp 10. Học sinh (HS) lớp 10 hệ THPT phải học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc, gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng an ninh, hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương. Bên cạnh đó, người học phải chọn năm môn trong tổng số tám môn thuộc ba nhóm môn học lựa chọn gồm: khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật); khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học); công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật - môn nghệ thuật gồm hai phân môn âm nhạc và mỹ thuật). Ngoài ra, HS có thể chọn hoặc không chọn môn học tự chọn, gồm: tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2. 

Với tổ chức chương trình và phân phối các môn học như trên, có khoảng 100 cách cho HS lựa chọn. Vì vậy sẽ dẫn đến tình trạng có những môn quá nhiều HS lựa chọn và ngược lại, đến những nhà quản lý giáo dục cũng thấy “chóng mặt”. Thạc sĩ Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An (quận 5, TPHCM), phân tích: Nếu để HS tự chọn như thế nhà trường sẽ rất khó tổ chức dạy và kéo theo khó khăn về đội ngũ giáo viên. Về cơ cấu tổ chức, các trường có đủ giáo viên cho các bộ môn nhưng chắc chắn sẽ có môn HS không chọn, thì trường cũng không thể để giáo viên ngồi không. Ngược lại, có nhiều môn lựa chọn nhiều thì lấy đâu ra đủ giáo viên đứng lớp. Đó là chưa kể nhiều môn vốn đã thiếu giáo viên từ bao lâu nay như mỹ thuật, âm nhạc, công nghệ… 

Việc chọn môn học theo chương trình mới sẽ gây khó khăn cho cả trò và thầy (ảnh chụp tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) - ẢNH MINH HỌA: THANH THANH
Việc chọn môn học theo chương trình mới sẽ gây khó khăn cho cả trò và thầy (ảnh chụp tại Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong) - Ảnh minh họa: Thanh Thanh

Còn thạc sĩ Huỳnh Thanh Phú, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM), cho biết: Hiện chỉ còn khoảng năm tháng nữa sẽ thực hiện chương trình mới. Tuy nhiên, đến nay, các trường vẫn như “ngồi trên lửa” chờ hướng dẫn cụ thể từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) để triển khai thực hiện; và phụ huynh, HS vẫn chưa hiểu mình sẽ học gì, chọn gì trong ba năm học cuối cấp này. Theo cách chọn này thì có quá nhiều tổ hợp môn tự chọn nên phụ huynh, HS hoang mang là tất nhiên, ngay cả những người làm giáo dục còn hoang mang. 

Thầy Phú nói thêm: “Việc đảm bảo nguồn nhân lực là vấn đề khó khi triển khai. Theo chương trình mới, HS được học các môn bắt buộc, được lựa chọn năm môn trong ba nhóm môn (gồm 9 - 10 môn) sẽ dẫn đến tình trạng HS chọn nhiều môn khác nhau tạo ra sự chênh lệch số lượng HS giữa các môn, từ đó xáo trộn trong sắp xếp nhân sự, giáo viên. Môn học quá ít HS lựa chọn sẽ thừa giáo viên, trong khi có những môn số lượng HS chọn quá đông nhưng điều kiện đội ngũ giáo viên lại không thể đáp ứng. Như vậy sẽ dẫn đến tình trạng thừa - thiếu cục bộ. Để giải quyết khó khăn này, có khi nhà trường “định hướng” các em chọn theo kiểu “lùa vào chuồng”. Như vậy không đúng tinh thần, nội dung đã được phê duyệt nhưng hiện nay đang có khuynh hướng này. Chúng ta phải đáp ứng nguyện vọng của 100% phụ huynh, HS”.

Lỡ chọn sai, khó có đường để sửa

Không chỉ gây khó khăn cho nhà trường và bối rối cho người học, với sự lựa chọn thiếu sự định hướng căn cơ nền tảng, HS dễ đưa ra những lựa chọn mà khiến mình khó có thể quay đầu ở những năm tiếp theo. Thạc sĩ Đỗ Minh Hoàng đưa ra tình huống: Điều đáng quan tâm nằm ở tổ hợp môn lựa chọn. HS phải chọn 5/8 môn ở ba nhóm môn, như vậy ở mỗi nhóm ít nhất sẽ có một môn các em sẽ không học. Một khi không chọn là coi như sẽ bỏ luôn cho đến hết ba năm THPT. Giả sử các em bỏ môn lịch sử hoặc địa lý, hay vật lý, hóa học, sinh học nhưng đến khi tốt nghiệp THPT, xét tuyển vào đại học, ngành học mà em yêu thích cần xét tuyển một trong những môn đã lỡ bỏ thì coi như đánh mất cơ hội. “Tôi cho rằng đó là sự lựa chọn không thể quay đầu.

Bởi vì khi lựa chọn không ai biết chính sách tuyển sinh của ba năm sau sẽ như thế nào. Để giải quyết khó khăn này, Bộ GD-ĐT nên công bố quy chế tuyển sinh và yêu cầu các trường công bố đề án tuyển sinh theo chu kỳ ổn định ít nhất là ba năm chứ không thay đổi hằng năm như hiện nay”, thầy Hoàng nói.

Còn thầy Huỳnh Thanh Phú băn khoăn ở một khía cạnh khác khi mà HS được quyền chọn - bỏ môn học: “Ngay cả giáo viên cũng khó để tư vấn. Một HS không chọn môn lịch sử thì sao để đúng là người Việt Nam? Nhưng khi để các em lựa chọn thì các em có quyền đó. Các nước trên thế giới đều đề cao môn lịch sử nhưng chúng ta đưa môn này vào lựa chọn. Liệu rằng chúng ta sẽ phải giáo dục lòng yêu nước, cội nguồn dân tộc, lịch sử đất nước, quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước của ông cha ta như thế nào nếu các em không chọn môn học này?”. 

Theo thầy Phú, để đẩy nhanh quá trình triển khai chương trình mới thì Bộ GD-ĐT cần đưa ra ngay kho học liệu, bài giảng e-learning mẫu để giáo viên nghiên cứu và học hỏi. Việc chọn sách giáo khoa nên để quyền cho nhà trường thay vì để Sở GD-ĐT chọn. Bên cạnh đó, HS đi học, chọn môn cần gắn liền với định hướng thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học những năm tới. Vì thế, Bộ GD-ĐT cần sớm có định hướng làm nền tảng để phụ huynh, HS lựa chọn.

Điều kiện hiện tại chưa theo kịp đổi mới 

Với kinh nghiệm làm quản lý nhà trường nhiều năm, thầy Phú rất trăn trở. Như môn giáo dục địa phương, nếu nói về Sài Gòn xưa và nay là TPHCM với hàng trăm năm lịch sử, để dạy được môn này phải là người thực sự am hiểu về địa phương chứ không thể một giáo viên ở nơi “lạ nước lạ cái” đến, mới trúng tuyển vào trường rồi đi dạy môn này. Như vậy, giáo viên chỉ cầm sách đọc thôi chứ làm sao thẩm thấu hồn văn hóa địa phương.

Hay như môn trải nghiệm hướng nghiệp với thời lượng 3 tiết/tuần thì sẽ dạy như thế nào trong điều kiện số lượng tiết nhiều, tình hình dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp? Nhiều môn mới cũng đang thiếu giáo viên. “Chúng ta chưa có giáo viên dạy hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp, giáo dục kinh tế và pháp luật… Chúng ta đang có môn học nhưng chưa có nguồn nhân lực thì sẽ lấy đâu ra để đáp ứng. Vấn đề này, các lãnh đạo cấp trên phải tính toán”, thầy Phú nhấn mạnh.

Tại cuộc họp với Bộ GD-ĐT mới đây, nhiều lãnh đạo Sở GD-ĐT đã lên tiếng về việc thiếu giáo viên các môn nghệ thuật bởi đây là những môn học lần đầu xuất hiện trong chương trình lớp 10. Những năm trước đây, các trường không dạy môn này, vì thế đều không có giáo viên âm nhạc, mỹ thuật trong biên chế. Tuy nhiên, trong năm học mới, nếu không tuyển giáo viên nghệ thuật, trường có thể không đáp ứng được nhu cầu của HS. Thời gian từ nay đến năm học mới chỉ còn năm tháng, nếu không có đủ giáo viên, các trường sẽ khó đáp ứng được chất lượng chương trình.

Hiện các trường sư phạm vẫn đào tạo theo chương trình hiện hành chứ chưa triển khai theo chương trình mới. Trong khi đó, đội ngũ dạy theo chương trình mới cần được đào tạo, bồi dưỡng rất sát sao mới có thể triển khai hiệu quả. Đó là chưa nói chương trình mới có hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương… các trường sư phạm chưa có khoa đào tạo giáo viên cho những môn mới này nên sẽ rất khó khăn.

Rõ ràng, điều kiện thực tế còn cách xa so với nhu cầu đổi mới phải thực hiện chỉ trong vài tháng tới. Trong đó, có rất nhiều vấn đề cần được giải quyết ở góc độ tổng thể, vĩ mô. Theo các nhà sư phạm, để giải quyết vấn đề thừa - thiếu giáo viên cục bộ cần sự ra tay của các Sở GD-ĐT địa phương điều phối giáo viên theo cụm trường. Đồng thời, cơ cấu tổ chức nhân sự, tổ chức lớp học phải phá bỏ kiểu cứng nhắc như hiện nay thì mới mong có những lớp học tự chọn đúng nghĩa, không thôi sẽ là tự chọn theo kiểu “lùa vào chuồng” như nhiều người lo ngại. 

Gia Tuệ

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI