"Roi thương" khác roi bạo lực

07/01/2022 - 12:59

PNO - Đòn roi làm thui chột ý chí, ước mơ và lệch lạc nhân cách nếu người ta buông xuôi. Tới bạc đầu anh vẫn còn nằm mơ thấy bị đòn.

 

Vụ việc bé gái 8 tuổi bị người tình của cha bạo hành đến tử vong khiến tôi rùng mình. Đòn roi của người phụ nữ ấy không dùng để dạy dỗ, mà chỉ để trút giận, để trả thù. 

Thế hệ 6X của tôi, ông bà ba mẹ vẫn hay dùng đòn roi để dạy dỗ con cháu. Tôi không cho đó là hành vi bạo lực, bởi ông bà ba mẹ phạt roi chỉ để con cháu nên người. Đó là "roi thương", không phải "roi ghét".

Đòn roi có nhiều kiểu, tôi nghĩ vậy (Ảnh minh họa)
Đòn roi có nhiều kiểu, tôi nghĩ vậy (Ảnh minh họa)

Nhớ lúc nhỏ, đầu hè nhà tôi luôn có ống roi bằng cật tre mà ba để sẵn. Mỗi khi mấy anh em phạm tội, ba bắt nằm sắp trên bộ ván. Vừa kể tội từng đứa, ba vừa nhịp nhịp cây roi, khiến mấy anh em sợ toát mồ hôi. Chúng tôi nhận tội, xin lỗi ba, hứa lần sau không tái phạm.

Tùy tội nhiều hay ít mà ba sẽ định ra số roi. Có khi ba nhịp nhịp xong rồi lại cho nợ, để lần sau lại mắc lỗi thì đánh luôn một lần.

Roi nợ đó theo mấy anh em những lúc chơi đùa, phá phách để biết chừng mực, biết giới hạn để không bị đòn. Mà ba thường quên béng số roi nợ đó nên mấy anh em mừng hú vía.

Lúc nhỏ, mỗi lần bị đòn tôi giận ba lắm, lớn lên rồi mới hiểu nỗi khổ của ba. Sáu anh em sàn sàn tuổi nhau, ngày nào cũng có chuyện tranh giành, đánh lộn, phá phách... Đánh con, nhưng chắc ba khổ tâm nhiều.

Tôi nhớ nhà ông nội có cây roi gia pháp để sau vách tủ thờ. Năm đó chú Út học đòi chơi bời và có vợ bé. Ông nội họp gia đình, thắp nhang lên bàn thờ rồi thỉnh cây roi xuống. Những lời của ông nội như có nước mắt. Chú Út thì run bần bật. Tim tôi giật thon thót vì lo sợ bởi cây roi rất to, nếu đánh có thể gãy xương chớ chẳng chơi. Nhưng hai roi của ông nội đập vào mông chú nhẹ xìu. Chú Út sau đó hết dám chơi bời, còn lo chí thú làm ăn.

"Roi thương" khác "roi ghét "nhiều lắm.

 

Chàng trai bị mẹ phạt đòn (Ảnh chụp từ clip)
Chàng trai bị mẹ phạt đòn (Ảnh chụp từ clip)

Trên mạng dạo này lan truyền clip bà mẹ bắt đứa con nằm sắp trên giường để phạt roi. Thời bây giờ hầu như không còn cảnh này, nhất là với đứa con đã trưởng thành, nên dân mạng rất tò mò.

Nhiều người khen bà mẹ biết dạy con, giữ nếp nhà. Khen chàng trai ngoan, lớn tướng vẫn chịu nằm để mẹ phạt đòn. Nhiều người còn bình luận rằng đó là hạnh phúc của đứa con khi còn mẹ để dạy dỗ.

Tôi tin chàng trai ấy hiểu được roi thương, hiểu nỗi khổ tâm của mẹ để không làm mẹ buồn.

 

Những bình luận khen ngợi bà mẹ và người con ngoan (Ảnh: Facebook)
Những bình luận khen ngợi bà mẹ và người con ngoan (Ảnh: Facebook)

"Roi thương" khác với roi bạo lực dùng để trút giận, để thỏa mãn bản thân của những người thiếu kiềm chế. Có khi vì mục đích, vì ích kỷ cá nhân, người ta dùng đòn roi bạo lực để trút lên con trẻ. 

Cạnh nhà tôi, một ông bố có tình nhân bên ngoài về nhà hay kiếm chuyện gây gổ với vợ con. Đứa con trai ông ta từ nhỏ thường xuyên bị những trận đòn chí mạng trong sự bất lực của người mẹ.

Nhà gần bờ sông, nhiều lần ông xách con ném xuống nước. Có lần đầu thằng bé va vào trụ cầu, loang máu, nhìn rất sợ.

Lúc đó tôi cũng trạc tuổi người con. Chứng kiến anh bị đòn tơi bời, tim tôi thắt lại như có ai bóp nghẹt. Anh, người trong cuộc, hẳn đau gấp mấy lần.

Anh trở nên cáu kỉnh, học hành kém dần, và bỏ học khi mới hết lớp Chín. Sau này tôi mới hiểu, đòn roi bạo lực luôn làm thui chột ý chí, ước mơ và lệch lạc nhân cách nếu người ta buông xuôi. Mãi sau này thành người lớn, anh kể với tôi vẫn còn nằm mơ thấy bị đòn…

Dạo gần đây, người vợ sau của ba anh đã chở ông đến nhà anh... trả lại. Ông giờ đã thành một ông già chân đi không vững, nói năng ngọng nghịu do di chứng của cơn tai biến. Chiều chiều, tôi thấy anh đẩy xe lăn đưa cha ra sân đút cơm. Anh ân cần, gượng nhẹ với cha, nhưng ánh mắt hoang vắng như thể yêu thương dành cho cha anh đã đánh rơi dần trong những trận đòn ấu thơ. Đành vậy!

Đòn roi bạo lực chưa bao giờ là nơi để mầm thiện sinh sôi. Bản thân bạo lực đã là ác độc, sao có thể dùng đòn roi để dạy dỗ đứa trẻ nên người. 

Xóm trọ chỗ tôi mới dọn đến cặp vợ chồng với hai đứa trẻ. Nghe đâu anh chồng là trai tân, chịu lấy cô vợ có hai con riêng vì tham tiền của cô ta. Cô vợ vốn có gia cảnh khá hoàn hảo khi chồng cũ là chủ cửa hàng thức ăn chăn nuôi. Cuộc sống yên ấm tới lúc anh chồng có bồ, đòi ly hôn.

Vì trước giờ cô chỉ “ở nhà nấu cơm” nên người chồng ra điều kiện cô sẽ được chia hai phần ba tài sản nếu nuôi hết hai đứa con. Cô lấy được số tiền lớn, và đưa hai con về ngoại. Chưa đầy năm, cô gặp anh chàng tình nhân này và dọn ra ngoài sống chung.

Khi cô mang bầu, tiền nong cạn dần vì hai người bày ra làm ăn gì cũng thất bại. Anh chồng hờ chiều chiều đưa hai con riêng của vợ ra trước nhà để dạy dỗ. Toàn những chuyện vặt vãnh kiểu như hai đứa nhỏ lỡ ăn hết phần thịt của bữa chiều, giành lộn đồ chơi…

Nhiều bữa bức xúc quá, tôi ra can ngăn. Anh ta cười hề hề, thản nhiên bảo: “Đánh cho tới tai nhà nội nó. Họ xót cháu thì rước về nuôi, tôi nuôi hết nổi rồi”. Mẹ lũ trẻ còn hùa theo: “Ổng đánh nhẹ hều hà, đâu có sao!”.

Rốt cuộc thì cặp đôi ấy cũng đạt mục đích, nhà nội xót cháu nên tới rước hai đứa trẻ. Ngày tụi nhỏ đi, tôi không dám ra nhìn, bởi tiếng khóc thét của tụi nhỏ nghe quá đau lòng.

Trẻ con sống dưới mái nhà đổ vỡ nghiêng bên nào cũng thấy lạnh, thấy xót xa. Tình thương dành cho những tâm hồn thơ dại gấp bội lần còn không đủ, huống chi vì thù hận, vì đạt mục đích, người ta thản nhiên dùng đòn roi để trút lên trẻ.

Xã hội thời nay phản đối đòn roi với trẻ. Trẻ con thời nay cũng rất nhạy cảm, chỉ cần dạy dỗ là đã nhận biết việc không nên làm. Những trường hợp ba mẹ buộc phải dùng đến đòn roi, tôi tin đấy đều là roi thương, roi trách nhiệm, bởi nhà nào giờ cũng chỉ một hai con, ba mẹ quý con hơn cả tính mạng mình, dùng đến đòn roi là việc chẳng đặng đừng. Roi đánh xuống con trẻ, lòng ba mẹ nào chẳng đau.

                                                                                                                                                                                                                                                                 Minh Trang (Q.11, TPHCM)

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI