PNO - Nhiều thế hệ trước đây chọn “rời quê lên phố” để tìm cơ hội phát triển nghề nghiệp. Ngày nay, không ít bạn trẻ lại chọn rời phố để đến những chân trời mới, tránh xa sự xô bồ, ngột ngạt.
Một nhân viên làm việc trong khu nông nghiệp ở làng Gengdian, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc - ẢNH: XINHUA
Du mục thời kỹ thuật số
Cách đây vài năm, ý tưởng làm việc từ xa trên bãi biển Bali, Indonesia hoặc cạnh những ngọn núi lửa của Iceland dường như chỉ dành cho các triệu phú. Nhưng giờ đây, ngày càng có nhiều người bình thường chọn cuộc sống tự do nơi đất khách. Một thế hệ những “dân du mục kỹ thuật số” đã mang theo máy tính xách tay và chuyển đến những nơi xa xôi nhất của hành tinh. Xu hướng bắt đầu trong thời kỳ đại dịch, khi lệnh phong tỏa và đóng cửa văn phòng giúp mọi người trên khắp thế giới hiểu rằng họ có thể làm việc ở bất cứ đâu. Một số ước tính cho thấy tổng số người du mục kỹ thuật số trên khắp thế giới hiện nay vào khoảng 15-35 triệu. Họ đem lại nguồn tài chính cho nền kinh tế địa phương - đặc biệt là khi họ vẫn nhận lương từ những quốc gia có nền kinh tế phát triển. Kết quả là một số quốc gia quyết định cấp thị thực du mục kỹ thuật số, cố gắng thu hút những người lao động từ xa đến sống và làm việc tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của mình. Những quy trình cấp thị thực đơn giản hóa này có thể kéo dài từ 6 tháng đến 5 năm và thường đi kèm ưu đãi miễn thuế khiến những người du mục kỹ thuật số giống với khách du lịch ngắn hạn hơn là những thường trú nhân kiểu cũ.
Indonesia hiện đang nỗ lực thu hút nhiều người nước ngoài đến làm việc và tận hưởng cảnh đẹp của Bali. Từ cuối năm 2022, bất kỳ ai có tài khoản ngân hàng tương đương số tiền từ 130.000 USD trở lên đều đủ điều kiện nhận thị thực “ngôi nhà thứ hai” - cho phép họ sống ở Bali trong tối đa 10 năm. Widodo Ekatjahjana - Quyền Cục trưởng Cục Nhập cư Indonesia - cho biết, động thái này được thiết kế để lôi kéo những người nước ngoài khá giả đến quốc gia vạn đảo và thúc đẩy nền kinh tế địa phương. Canggu - một ngôi làng ven biển ở phía nam Bali - đã trở thành “thánh địa” cho những người du mục kỹ thuật số. Ở đây, những người làm việc từ xa hiện diện ở mọi quán cà phê và nhà hàng, cắm cúi vào máy tính xách tay của họ.
Đảo Bali của Indonesia là một trong những nơi phổ biến nhất thế giới dành cho “dân du mục kỹ thuật số” - ẢNH: DW
Olivia Warrick là một nhà tư vấn tiếp thị tự do đến từ bang Virginia, Mỹ. Cô ấy và nửa kia của mình đều muốn thay đổi lối sống sau đại dịch và đã đến thăm Costa Rica vài lần. Theo Olivia, quốc gia Trung Mỹ này hấp dẫn nhờ “nền văn hóa thân thiện, sự gần gũi với các khung cảnh đa dạng như bãi biển, núi non, thành phố và thời tiết ôn hòa”. Tại khu nghỉ dưỡng Isla Chiquita, Olivia đã nhìn thấy các sinh vật sống thắp sáng mặt biển vào ban đêm. Cô nói: “Điều đó đem đến cho tôi cảm giác như sống trong ảo mộng. Chèo thuyền trên mặt đại dương lấp lánh, tôi nghĩ mình thật may mắn khi có cơ hội lựa chọn một cuộc sống hoàn toàn mới”.
Tìm cơ hội từ vùng quê thanh bình
Điện thoại di động của Cao Youzhong gần đây liên tục đổ chuông khi khách hàng tìm mua những trái lê của anh. Dù vậy, anh Cao nói tất cả lê đã được bán hết và họ chỉ có thể đặt hàng trước cho năm 2023. Anh Cao (34 tuổi) từng làm việc tại các thành phố lớn sau khi tốt nghiệp đại học năm 2010. Thế nhưng anh đã trở về quê hương ở tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc từ hơn 4 năm trước. Anh xây dựng thương hiệu sản phẩm của riêng mình và trở nên nổi tiếng với công việc kinh doanh thương mại điện tử tại làng Gengdian, thành phố Liêu Thành. Hiện anh đang quản lý 3,3ha trồng lê, 6 nhà kính trồng rau và 11 nhà kính trồng nho. Những năm gần đây, khi Trung Quốc thúc đẩy tái thiết nông thôn, nhiều thanh niên đã trở về từ thành phố, mang theo nguồn vốn, các khái niệm canh tác hiện đại và mô hình kinh doanh thương mại điện tử để giúp chuyển đổi bối cảnh canh tác. Nhiều người trong số họ đã thành công.
Meg Rees cưỡi ngựa quanh trang trại Mount Surprise ở thị trấn Moonie, bang Queensland, Úc - ẢNH: AUSTRALIAN GEOGRAPHIC
Có cùng lựa chọn bỏ phố về quê như anh Cao, Meg Rees (19 tuổi) đang tìm hướng đi mới cho cuộc đời mình tại khu đất rộng 1.800ha mà cô gọi là nhà ở thị trấn Moonie, vùng Darling Downs thuộc miền nam bang Queensland, Úc. Mỗi ngày, cô gái trẻ điều khiển những chiếc máy kéo khổng lồ, kéo bình xịt khắp các mảnh vườn, hoặc cưỡi ngựa quanh trang trại để kiểm tra tình hình sản xuất. Meg kể: “Sau khi hoàn thành lớp Mười hai trong thời kỳ hỗn loạn của đợt phong tỏa do COVID-19 năm 2020, tôi phát hiện ra rằng mình cần thay đổi môi trường sống”. Hơn 1 năm sau, Meg chia sẻ: “Chuyển đến vùng đất này là một trong những quyết định sáng suốt nhất của tôi. Bạn không hiểu tầm quan trọng của người nông dân cho đến khi làm việc cùng họ”.
Một số quốc gia trên thế giới thậm chí còn đưa ra các chương trình khuyến khích người dân rời thành phố để về vùng nông thôn sinh sống và lập nghiệp. Vào năm 2020, Bồ Đào Nha đã triển khai một chương trình trợ cấp nông thôn với mức tài trợ lên đến 4.827 euro mỗi người - đủ để trang trải tiền thuê hằng năm cho một ngôi nhà nhỏ. Tại Ireland, chính phủ công bố một kế hoạch vào năm 2021 nhằm thu hút người lao động đến các thị trấn và làng mạc, bao gồm khoản trợ cấp tái định cư và ưu đãi thuế cho người lao động. Ở miền nam nước Ý, thành phố Santo Stefano di Sessanio, một ngôi làng thời trung cổ với 115 cư dân, đưa ra kế hoạch tái định cư vào năm 2020, bao gồm các khoản trợ cấp lên tới 8.000 euro mỗi năm trong 3 năm. Vermont - tiểu bang ở phía đông bắc nước Mỹ - trợ cấp tới 7.500 USD để trang trải chi phí tái định cư cho những người lao động chuyển đến đây. Những nơi khác có chính sách ưu đãi “rời phố về quê” bao gồm Úc, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thụy Sĩ và Croatia. Trên thực tế, nhiều nghiên cứu cho rằng cuộc sống ở nông thôn có thể mang lại một số lợi ích sức khỏe đáng kể. Đó là lựa chọn tuyệt vời nếu bạn muốn tìm kiếm sự bình yên. Mặc dù chật cứng người, người dân thành phố thường thiếu cảm giác gắn kết với nhau. Trong khi đó, cư dân ở các vùng nông thôn có xu hướng hình thành một cộng đồng gắn bó chặt chẽ.
Floating Doctors (Bác sĩ lưu động) tập trung vào việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí cho các cộng đồng xa xôi và thiếu thốn trên thế giới.