Rồi sẽ qua

29/12/2023 - 10:31

PNO - Mở tờ lịch mới, tập buông bỏ nhiều hơn nữa, tập bao dung, tập có cái nhìn dễ, thoáng một chút, đừng hẹp hòi với mình cũng như với người.

 

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Những ngày cuối năm, tôi đọc được vài dòng trạng thái ngắn nhưng chứa đầy tâm trạng trên Facebook: “Một năm đã qua, nhìn lại, có những ngày rất buồn”, “Chưa có năm nào buồn như năm nay”, “Gần hết năm, sao mà mình buồn vậy”… 

Chợt ngẫm nghĩ, một năm đã qua, bao nhiêu buồn, bao nhiêu vui, liệu có đong đếm được? Rồi lẩn thẩn, chủ nhân những dòng trạng thái trên chắc đang buồn lắm. Rồi nghĩ, có thể không phải; chuyện buồn qua rồi, nhìn lại để thấy đã có một năm không suông sẻ chăng? Tình huống nào cũng có thể xảy ra. 

Một năm qua đi, 12 tháng, 365 ngày, ông trời còn mưa nắng huống chi con người. Buồn - vui chỉ là tâm trạng. Có khi vui mà buồn, có khi buồn mà vui thì sao? Giữ lại kỷ niệm để ngày này sang năm đọc lại, đôi lúc nghĩ mãi không ra, năm ngoái vì chuyện gì mà mình than câu buồn vậy. 

Kho báu đời người là kỷ niệm - những thứ đã qua đi không bao giờ trở lại. Một anh kể chuyện không bao giờ quên được cái bắt tay của cha ngày anh lên đường vào quân ngũ. Chỉ là một cái bắt tay siết chặt, nhưng đọng lại trong anh nhiều suy nghĩ. Cha đã công nhận anh trưởng thành, hơn nữa, như 2 người bạn. Cái bắt tay còn ngụ ý sẻ chia những khó khăn mà anh sẽ phải đối mặt, thay lời dặn dò “cố lên con nhé”.

Mẹ kể con nghe, ngày xưa có 1 cục sắt bỏ lăn lóc ở góc nhà. Mỗi lần bà ngoại dọn dẹp lại càm ràm không biết để làm gì. Một ngày, ông ngoại mang cục sắt nhờ người ta rèn một con dao thật đẹp, thật tốt. Mỗi lần chặt xương, bà ngoại tuy không nói ra nhưng rất hài lòng. Con dao sau mấy chục năm vẫn còn dùng tốt. Mỗi lần cầm đến con dao, mẹ lại nhớ cục sắt và những câu chuyện về nó, tất nhiên có lời càm ràm của bà ngoại.

Kho báu đời người là gì sẽ tùy theo suy nghĩ của mỗi người về thứ mình quý nhất trong cuộc sống. Lãng mạn một chút sẽ thấy, bất cứ ai cũng có kho báu của riêng mình, dù nghèo hay giàu. Kỷ niệm buồn hay vui đều làm nên kho báu để biết trân quý, giữ gìn.

Bạn kể chuyện mới hồi đầu năm, ăn tết xong, còn những tư tưởng bi quan. Căn nhà vợ chồng đang ở ngày càng xuống cấp mà không có tiền sửa, ngôi nhà ở thành phố cho 2 con ăn học thì quá nhỏ và thiếu tiện nghi. Xoay kiểu nào cũng bế tắc. Thế rồi đùng một cái, có người hỏi mua ngôi nhà đang ở với giá tương đối. Chỉ trong vòng 1 tháng mà bạn giải quyết xong, an cư lạc nghiệp. Thêm nữa, con trai vừa tốt nghiệp đã có ngay việc làm, lương tạm ổn, đúng là may mắn.

Người Việt Nam có được 2 “cái cuối năm” để nhìn lại và suy nghĩ. Cũng là những dòng trạng thái “bâng khuâng chiều 30” nhưng 2 tâm trạng khác nhau. 

Nếu cuối năm dương lịch, chỉ là những tổng kết về tâm trạng, sai - đúng, thương yêu - hờn giận, buồn - vui… Nhủ lòng, mở tờ lịch mới, tập buông bỏ nhiều hơn nữa, tập bao dung, tập có cái nhìn dễ, thoáng một chút, đừng hẹp hòi với mình cũng như với người; những tờ lịch rồi sẽ xé đi, mỏng dần nhanh lắm, không kịp nói lời yêu thương đâu.

Ảnh mang tính minh họa - Krakenimages.com
Ảnh mang tính minh họa - Krakenimages.com

Qua rằm tháng Chạp bắt đầu tính theo lịch âm. Cầm trong tay món tiền thưởng tết, chia ra, phần nào gia đình nhỏ, phần cho đấng sinh thành. Chút quà bé mọn đáng gì với công sức cha mẹ nuôi mình từng ấy năm, khóc cười cùng con trên những đoạn trường? 

Cầu mong gì cho năm mới? Mẫu số chung ai cũng mong làm ăn thuận lợi, khá giả, giàu có. Tuy nhiên, mong ước là một chuyện, còn giàu nghèo không qua được số mệnh. Thôi thì mong bình an sức khỏe. Mở bài hát Happy New Year, chúc mừng năm mới. Mong tất cả chúng ta đều có hy vọng, ý chí cố gắng, biết làm chủ bản thân, bình tĩnh trước mọi tình huống. Bấy nhiêu đó thôi, đủ để dũng cảm xắn tay áo đón chào một năm mới.  

Nhìn lại năm cũ, đón năm mới để thấy, mọi thứ rồi sẽ qua, chỉ cần hy vọng và quyết tâm.

Kim Duy

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI