Rời phố về vườn, khởi nghiệp gian nan nhưng không bỏ cuộc

09/09/2022 - 10:00

PNO - Ngày trở về, chị mang tham vọng, sau mười năm khởi nghiệp với nghề nông sẽ xây dựng một nhà máy chế biến nông sản lớn nhất miền Trung. Nhưng bắt tay vào, chị mới thấy làm nông dân vất vả và không hề dễ dàng.

Chị tên là Phùng Thị Thanh Miền, ở tại TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.

Làm nông dân đâu dễ!

Đứng trước những luống hoa cánh bướm đương thì bung nụ ngả rạp sau trận mưa chiều hôm trước, chị Miền vẫn bình thản. Những tình huống như thế chị đã gặp nhiều trong sáu năm qua. Chị đưa điện thoại chụp lại cảnh cánh đồng tả tơi và viết dòng tâm trạng trên Facebook: “Kịch bản đông xuân lặp lại, nhưng lần này, hoa ngã vẫn cứ đẹp nghen mọi người”.

Đông xuân mà chị nhắc đến là vụ mùa rơi vào đầu tháng 12 âm lịch năm ngoái. Để có trái cây bán tết, chị chọn khu đất cao ráo nhất vườn rồi lên luống, xuống hạt dưa hấu. Dưa đang vào thì, trái bằng đầu ngón tay thì ông trời đánh úp. Mưa xối xả liên tục hai ngày khiến cả vườn dưa ngập trong nước. Sau hai ngày, nước chưa kịp rút thì nắng lên rát mặt, dưa bị sốc nhiệt, nằm xả lai. Xung quanh, ruộng lúa của bà con cũng ngả rạp, từ màu vàng óng chuyển sang màu nâu. Chị Miền thở ra: “Xong phim! Nản quá rồi, bỏ thôi!”.

Chị Phùng Thị Thanh Miền (áo đen) và đồng hoa cánh bướm trước cơn mưa
Chị Phùng Thị Thanh Miền (áo đen) và đồng hoa cánh bướm trước cơn mưa

Nhưng câu cảm thán đó cũng chỉ là một điệp khúc quen thuộc. Thất bại vụ dưa hấu, chị dọn đất và rải một đồng hoa cánh bướm xanh ngút tầm mắt với lời hẹn khách đến “check in” vào những ngày đầu thu. Nhưng hoa vừa lác đác thì mưa giông “phang” tới tấp. “Quản lý nông nghiệp vất vả lắm, dưới là quản lý đất, trên đất là quản lý cây, trên cây quản lý nấm, sâu bệnh, côn trùng. Nhưng thời tiết thì không ai quản lý được” - chị đúc kết khi đi dạo trước cánh đồng hoa chưa thể gượng dậy sau mưa giông.

Tốt nghiệp cử nhân hành chính quốc gia, nhưng duyên số đưa đẩy chị Miền thành một biên tập viên truyền hình với nhiều năm vác máy đi khắp đồng bằng sông Cửu Long để làm chương trình nông nghiệp. “Ăn ngủ với nông dân, lặn lội qua không biết bao nhiêu cánh đồng, mình nghĩ, về chính sách vĩ mô, chúng ta không thể nào quay lưng với nông nghiệp bởi nó là thế mạnh bao đời nay khi điều kiện thiên nhiên, sự đa dạng về các hình thái thổ nhưỡng, kinh nghiệm canh tác… đều rất thuận lợi” - chị nói về một phần lý do dẫn đến quyết định từ bỏ vị trí trưởng phòng biên tập tại TP.HCM để trở về quê hương Bình Định, nơi mẹ già đang sống neo đơn. Chọn làm một nông dân với cuộc trở về này, chị thuê mấy hecta ruộng ở H.Phù Cát để trồng gừng. Cú ngã đầu tiên - 1,5 tỷ đồng đầu tư gần như mất trắng - khiến chị như bị té sấp mặt. “Nhìn lại, thấy lúc đó mình đơn giản quá, lao vào với tất cả niềm đam mê, sự háo hức, mong muốn đổi thay mà chưa hiểu gì về đất, về cây” - chị Miền tâm sự.

Sau thất bại đó, năm 2016, chị trở về H.Tuy Phước để gần nhà hơn. Được sự hỗ trợ của Hội LHPN huyện, chị thuê 4 hecta đất công tại xã Phước Hưng, bắt tay vào làm nông trại “Vườn nhiệt đới” với sự thận trọng hơn. “Đất xấu quá nên tôi phải bỏ một năm để nuôi cỏ, cải tạo lại đất rồi mới bắt đầu” - chị kể. Nhược điểm ở khu vườn mới là đất thấp nhiều so với mặt đường nên mùa mưa, thường bị ngập chỉ có thể trồng trọt được bảy tháng trong năm. 

Trồng được quả ngọt ngon càng khó 

Tôi ngồi cùng chị Miền dưới bóng mát của cây ổi lủng lẳng trái trên đầu, bên cạnh là bờ mương với hàng chuối đang oằn mình gánh lấy buồng quả và nghe chị kể câu chuyện sáu năm khởi nghiệp với nông nghiệp sạch. “Đám chuối này, hồi mới về, mình trồng để lấy nguồn kali và chắn gió. Năm nay ít gió, chứ những năm trước, vào mùa nam là gió cấp 8, cấp 9, thổi phạc cả người. Ở xa kia, những nơi tiếp giáp với mảnh vườn khác, mình để cỏ mọc hoang như một bức tường cách ly. Kỳ diệu lắm, từ trong thẳm sâu, mỗi cây là một cỗ máy cực kỳ vi diệu. Người nông dân cắm cây xuống đất, chăm sóc nó, cây sẽ trả lại cho họ biết bao nhiêu trái ngọt…” - chị nói về cây với một niềm đam mê bất tận.

Giây phút thảnh thơi của người nông dân bên mảnh vườn của mình
Giây phút thảnh thơi của người nông dân bên mảnh vườn của mình

Trong sáu năm qua, từng cây chuối, từng góc vườn dường như chị đều gửi gắm tình yêu và tâm sức của mình, để rồi từ đó, hương vị ngọt lành của từng quả dưa, trái chuối đã đến và được khách hàng đón nhận. Vườn nhiệt đới mùa này, ngoài bí đỏ hồ lô, bí đao, thơm, đu đủ, chuối, còn có dưa lê đang thu hoạch. Cầm trên tay trái dưa lê vừa hái, chị Miền tâm sự: “Bên trong trái dưa đã bắt đầu lên men. Hái làm sao để trái dưa lê ngon rất khó. Khi còn ương ương, dưa sẽ nặng ký, dễ vận chuyển, để được lâu, nhưng ăn thì không ngon. Còn khi hái chín, dưa lê sẽ có mùi thơm đặc trưng, vị ngọt đúng nghĩa. Nhưng để chín thì phải chấp nhận một tỷ lệ hư hao nhất định. Đó là câu chuyện về giá trị mà mình đã cố gắng xây dựng bao nhiêu năm nay và đã trải qua không ít chật vật cũng như nhiều lần muốn buông bỏ”. 

Giá dưa lê chị bỏ sỉ cho các cửa hàng là 30.000 đồng/kg. Mức giá này cao hơn so với mặt bằng chung, nhưng tỷ lệ hư hao của vườn chị cũng cao hơn. “Mình chấp nhận kết quả này vì bên cạnh cái mất, mình cũng được rất nhiều, đó là trải nghiệm được giá trị thật và hành trình tạo ra giá trị thật khó khăn đến đâu” - chị Miền cho biết.

Nhờ khẳng định được chất lượng mà chị Miền đã đưa sản phẩm của mình vào các cửa hàng, siêu thị khá thuận lợi. Vào mùa, có khi chị phải xuất đi cả trăm thùng hàng mỗi ngày, 1 - 2 giờ sáng vẫn còn phải đón xe gởi hàng đi. Những quả dưa không đạt size chuẩn để vào siêu thị, chị đưa ra chợ, hoặc rao bán trên Facebook. 

Tuy nhiên, hạn chế không phải là không có, nhất là khi thời tiết ngày càng cực đoan và việc nói không với các loại hóa chất tăng trưởng khiến chất lượng sản phẩm của Vườn nhiệt đới không đồng đều và không đủ cung cấp cho các nhà phân phối một cách liên tục. Chị dự tính trong thời gian tới sẽ liên kết với nông dân bằng cách đặt hàng theo những tiêu chuẩn về chất lượng mà chị đã cố gắng xây dựng trong những năm qua và thu mua lại sản phẩm với mức giá ổn định. 

Thu Lê

Hội cố gắng làm cầu nối để chị em khởi nghiệp thành công

Hiện tại, toàn tỉnh Bình Định có 1.053 hội viên phụ nữ khởi nghiệp và 12 hợp tác xã do phụ nữ thành lập, quản lý. Đó là kết quả tích cực sau rất nhiều hoạt động hỗ trợ mà Hội LHPN tỉnh Bình Định đã cố gắng thực hiện kể từ khi Đề án 939 về hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp được Thủ tướng Chính phủ ban hành. Chẳng hạn, tại TP.Quy Nhơn, toàn bộ 21 xã, phường, thị trấn được hỗ trợ kinh phí để thực hiện đề án. Hội LHPN tỉnh cũng hỗ trợ kinh phí tổ chức các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp mỗi năm (như ngày hội khởi nghiệp, ngày hội giới thiệu sản phẩm, hội thi các ý tưởng khởi nghiệp…) để chị em có cơ hội giới thiệu sản phẩm, giới thiệu ý tưởng khởi nghiệp và những kinh nghiệm khởi nghiệp đã trải qua. Thông qua những hoạt động đó, Hội LHPN tỉnh sẽ rà soát, chọn lọc cũng như hỗ trợ để chị em hiện thực hóa ý tưởng của mình.
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng một cơ sở, một địa chỉ để giới thiệu sản phẩm của chị em phụ nữ khởi nghiệp tại 52 Mai Xuân Thưởng, TP.Quy Nhơn. Đây là nơi trưng bày, giới thiệu các sản phẩm sạch, sản phẩm do phụ nữ làm chủ để người dân tham quan, mua sắm. Ngoài ra, Hội Phụ nữ cũng cử cán bộ thuộc bộ phận tư vấn, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp và phát triển kinh tế đứng ra giới thiệu, bán giúp sản phẩm và làm cầu nối để đưa sản phẩm của chị em đến với đông đảo khách hàng, tạo điều kiện để chị em phát triển ý tưởng. 
Nhờ những nỗ lực trên mà nhiều hội viên phụ nữ đã mạnh dạn khởi nghiệp và nhiều sản phẩm của họ đã đến tay người tiêu dùng.

Bà Đặng Thị Hồng Hạnh - Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh Bình Định

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI