Được mấy dì tặng cho con heo đất hôm tết, bé Ken (8 tuổi, ở Đà Nẵng) đã lên kế hoạch cho ý tưởng “bỏ heo để cuối năm đập ra ủng hộ các bạn nghèo”.
|
Ken đập heo đất sớm để nhờ mẹ mua sách gửi cho các bạn học sinh Quảng Bình (Ảnh chị Diệu Trang - mẹ bé Ken cung cấp) |
Đã mấy năm nay, mẹ con chị Diệu Trang về ở với cha mẹ ruột. Hôn nhân không được suôn sẻ, chị Trang nuôi con bằng thu nhập bán hàng online. Dù cuộc sống còn chật vật, nhưng người mẹ trẻ vẫn thường xuyên đi làm thiện nguyện. Mỗi chuyến đi, chị lại cho Ken đi cùng.
Trở về từ các trại trẻ mồ côi, trẻ khuyết tật, Ken nói với mẹ “mấy bạn đó đáng thương thật mẹ nhỉ. Lớn lên con sẽ giúp đỡ những bạn nhỏ như thế”. Việc nuôi heo của Ken đều đặn mỗi ngày 10 ngàn đồng do mẹ Trang cho. Nhưng mấy tháng nay, do ảnh hưởng của dịch COVID -19, việc buôn bán của mẹ cũng ít khách, heo của Ken do vậy cũng bị “bỏ đói”.
Quyết định đập heo giữa năm của chàng trai học lớp 2 này là khi nghe người lớn nói chuyện mưa lũ ở miền Trung. Quê mẹ Ken lại ở Huế, ông bà ngoại trước kia cũng ra Hà Tĩnh buôn bán mưu sinh. Đặc biệt hình ảnh các bạn nhỏ vùng lũ bị trôi, bị ướt hết sách vở qua tivi khiến Ken “mổ heo” không chút đắn đo. Số tiền 700 ngàn đồng là công sức con dành dụm suốt 9 tháng.
Vuốt những tờ tiền thật thẳng thớm, Ken giục mẹ đi mua sách giáo khoa mới để kịp tới tay các bạn. Thấy hành động sốt sắng của con, chị Trang vừa buồn cười vừa thương. Mới tuần trước, cu cậu đòi mua xe đạp, mẹ chưa cho. Sau đó đi qua cửa hàng bán đồ chơi, Ken nhìn vào có ý muốn xin mua, nhưng mẹ Trang từ chối: “Con không thấy các bạn ngoài kia chưa có cơm ăn, áo mặc hay sao”.
Ngày đập heo, cũng là ngày 20/10, chị Trang vờ thắc mắc “sao con không tặng hoa cho mẹ” thì Ken “trả bài” như lời mẹ đã nói: “Con làm gì có tiền, mẹ không thấy người dân ngoài đó ôm vào khúc chuối hay sao”. Sự nhanh nhẹn hoạt bát đặc biệt là tấm lòng biết hướng thiện của con khiến bà mẹ đơn thân rơi nước mắt.
Chị Trang đã mua hộ con mấy bộ sách giáo khoa lớp 2 và lớp 3 hết 600 ngàn đồng. Tự tay Ken gói bằng bìa nilon cẩn thận rồi nhờ cậu ruột chuyển ra Quảng Bình.
Số tiền 100 ngàn còn lại, Ken đưa lên lớp 2/5 trường tiểu học Phan Đăng Lưu, quận Hải Châu, Đà Nẵng để góp quỹ do trường phát động tùy tâm. Ấy thế mà khi về nhà, cậu vẫn chưa toại nguyện vì: “Giá mà con có nhiều tiền hơn nữa để tặng được nhiều bộ sách như các bạn”.
|
Cũng giống bạn Ken, bạn Bin ở thành phố Hồ Chí Minh hớn hở "mổ heo" ủng hộ đồng bào miền Trung (Ảnh chị Mỹ Hằng cung cấp) |
Cũng như Ken, bé Bin (tên ở trường là Hồ Huy Tuấn), lớp 2/1 trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, P.11, Q. Tân Bình, TPHCM, hồn nhiên đặt một mớ tiền lẻ lên bàn cô giáo. 675 ngàn đồng là số tiền Bin tích cóp được từ việc bán vỏ bia, vỏ lon nước ngọt và quét sân phụ mẹ. Mỗi lần quét sạch, bé được mẹ Hằng cho 5 ngàn đồng, chưa sạch bớt còn 3 ngàn. Nuôi heo vất vả là vậy nhưng anh bạn lớp 2 rất háo hức góp nhờ cô chủ nhiệm và nhà trường gửi tiền heo đến các bạn miền Trung.
|
Đây là số tiền mà bé Bin tích cóp được từ bán ve chai, quét nhà (Ảnh chị Diệu Hằng cung cấp) |
Cùng lúc đó ở Hà Nội, bé Đường Phèn (học lớp 5) đã đấu giá bức tranh mình vừa vẽ còn chưa ráo mực để ủng hộ đồng bào miền Trung. Đó là vào một buổi xế trưa, trong khi chờ ngớt mưa để đưa con gái về nhà, chị Nguyễn Thị Thanh Tâm và cháu Trần Bình An (tên ở nhà là Đường Phèn) đã trò chuyện với những phụ huynh khác về thời tiết, và tình hình bão lũ miền Trung. Chợt chị Tâm quay sang bé Phèn: “Hay là mình bán bức tranh con vừa vẽ để ủng hộ các bạn nhỏ đang gặp khó khăn trong mưa lũ?”.
Đường Phèn rất hào hứng với ý tưởng này nhưng nghi hoặc: “Làm sao mà con bán được tranh”. Khi cơn mưa tạm ngớt, hai mẹ con trở về nhà và chia sẻ ý tưởng cho bố của Phèn. Mừng vì chồng ủng hộ, không kịp ăn trưa mẹ Phèn rao bán ngày bức tranh “Mùa thu” của con gái trên Facebook cá nhân.
Gia đình Phèn không quá kỳ vọng bức tranh sẽ bán được và được giá cao, vì bức tranh là sản phẩm con đi học vẽ theo chủ đề, vẽ chơi. Và cũng không phải tự nhiên mà cả nhà nghĩ ra chuyện đấu giá trên Facebook, bởi vợ chồng chị Tâm là giáo viên, vốn không rành việc tương tác trên mạng xã hội. Tuy nhiên, trong những ngày miền Trung liên tiếp phải đón chịu nhiều cơn bão lớn, trong cộng đồng Facebook, có nhiều bạn bè mở đấu giá sách, hiện vật. Vì thế 2 mẹ con Phèn bàn nhau: “Thôi kệ, cứ đăng lên xem có bán được không”.
|
Đấu giá tranh ủng hộ đồng bào lũ lụt trở thành kỉ niệm khó quên của em Phèn và cả gia đình (Ảnh chị Thanh Tâm cung cấp) |
Bức tranh “Mùa thu” là tác phẩm mà Phèn đã cặm cụi vẽ từ từ 9 giờ sáng đến 12 rưỡi trưa tại trung tâm nghệ thuật Lumi Art. “Phèn vẽ nghiệp dư, cũng chưa từng tham gia cuộc thi nào nên chưa có tên tuổi gì”, chị Tâm hóm hỉnh chia sẻ.
13 giờ ngày 18 tháng 10 là thời điểm chị Tâm rao bán công khai bức tranh của con trên Facebook của mình. Giá khởi điểm là 250 ngàn đồng (bằng phí tham gia một lần vẽ của Phèn tại câu lạc bộ).
Từ lúc đăng lên, cả nhà để điện thoại ở chế độ bật online, hồi hộp theo dõi những comment đầu tiên, tương tác với người mua, những tin nhắn. Người đấu giá chủ yếu là bạn bè của chị Tâm và cũng chủ yếu qua hộp tin nhắn inbox chứ không muốn lộ diện.
Đến 10 giờ đêm cùng ngày, bức tranh “Mùa thu” được chốt cho người trả giá cao nhất. Sau khi nhận được số tiền chuyển khoản 1,2 triệu đồng từ người mua, 4 phút sau chị Tâm đã chuyển tiền cho một giáo viên với lời gửi gắm ủng hộ đồng bào lũ lụt miền Trung.
|
Chia đôi giải thưởng nhận được từ nhà trường gửi bà nội vào Huế đi cứu trợ là cách cô bé Su Su thể hiện tình cảm với những hoàn cảnh khó khăn (Ảnh bác Thủy Long cung cấp) |
Việc làm nhỏ của các bạn nhỏ không chỉ khiến bố mẹ vui mà ông bà nội ngoại cũng... thơm lây. Facebook của bác Thủy Long cũng đang được bạn bè quan tâm khi một người bạn chia sẻ câu chuyện “quả bóng vàng trong trận chung kết bóng rổ trường tiểu học Marie Curie Hà Nội đã trích 50% số tiền thưởng gửi nhóm thiện nguyện của bà nội đi cứu trợ miền Trung”.
Mới học lớp 2, nhưng bé Bùi Nguyễn Gia Hân (tên ở nhà là Su Su) có chiều cao và cân nặng như mấy anh chị lớp 5. Bé thích hát và mê bóng rổ từ bé. Dù lớp không đoạt giải nhất nhưng Gia Hân được bầu chọn là cầu thủ chơi hay nhất giải. Ngoài kỉ niệm chương, em còn được trường thưởng 1 triệu đồng. Nhưng số tiền này đã được cô bé phân chia rất nhanh: một nửa gửi bà nội vào trao tận tay cho học sinh khó khăn ở vùng lũ, nửa còn lại góp vào quỹ lớp vì “nhờ có đồng đội chuyền tốt, con mới ghi được bàn thắng”.
Có những bàn tay cầm cọ, bàn tay ghi bàn thắng, bàn tay run run đập heo đất... Tình cảm hồn nhiên của con trẻ hướng về miền Trung khiến các phụ huynh rơi nước mắt vui mừng.
Lâm Hoàng