Rơi nước mắt hình ảnh cụ ông nắm chặt tay vợ trong phòng cấp cứu

13/09/2017 - 10:30

PNO - Ông bảo các con ra ngoài, rồi nắm chặt tay người vợ đang đau đớn, mệt mỏi trên băng ca.

Nửa khuya, bà Nguyễn Thị Thơ (58 tuổi, sống ở quận Bình Thạnh, TP.HCM) liên tục bị đau đầu, choáng váng. Mỗi lần thấy vợ đau đớn, ông Nguyễn Văn Lắm (67 tuổi, chồng bà Thơ) lại xót xa kêu đi bệnh viện nhưng bà cố gắng chịu đựng. 

Đến hơn 9 giờ tối, quá say xẩm, bà không thể ngồi được nữa, cứ ngồi dậy lại té ngửa về phía sau. Bà ôm mặt đau nhức, ông Lắm lo lắng kêu hai người con đưa bà vào bệnh viện.

Đưa bà Thơ vào phòng cấp cứu của Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM, ông cứ đứng cạnh băng ca vợ nằm, nắm chặt tay bà, bồn chồn không yên.

Roi nuoc mat hinh anh cu ong nam chat tay vo trong phong cap cuu
Ông Lắm luôn đứng nắm chặt tay bà Thơ khiến ai cũng cảm động

Ở phòng cấp cứu, mỗi bệnh nhân chỉ được một người nhà trông coi, con trai ông Lắm muốn cha mình ra ngoài nghỉ ngơi. Ông lắc đầu: “Con ra đi, ba ở bên cạnh mẹ con, ba mới yên tâm”. 

Suốt khoảng thời gian đứng cạnh bà Thơ, một tay ông nắm chặt tay bà, tay còn lại cầm chiếc giỏ xách với đôi dép của vợ. Dù con mình, bác sĩ, hay người khác ngỏ ý giữ giúp, ông cũng không chịu. Ông muốn cả ông và những món đồ bà Thơ thích đều phải ở cạnh bà.

Theo ông Lắm, mấy mươi năm trước, ông và bà khó khăn lắm mới đến được với nhau. Sau khi cưới, ông vào quân ngũ, đi biền biệt hơn 10 năm trời. Khi con cái lần lượt ra đời, vì mưu sinh, ông lại để bà một mình đi làm hết ngày này qua năm nọ để lo cho gia đình.

Roi nuoc mat hinh anh cu ong nam chat tay vo trong phong cap cuu
Bà Thơ thường bị rối loạn tiền đình, cao huyết áp nhưng ít khi quá đau phải nhập viện

“Đến khi kinh tế ổn định, tôi về với bà ấy mới giật mình nhận ra bà ấy nhiều tóc bạc lắm. Tôi đã bỏ bà ấy quá lâu, vợ tôi cũng không hề trách móc. Lúc nào tôi về cũng thấy bà ấy vui vẻ hẳn ra, tôi nghĩ bụng sẽ không rời bà ấy nữa. Ngay cả lúc này, có tôi đứng đây bà ấy mới không sợ, vợ tôi sợ bệnh viện lắm”, ông Lắm cười động viên vợ.

Nhìn da vợ tái nhợt, ông định buông tay để lau mồ hôi cho bà Thơ, bà lại càng nắm chặt tay ông hơn, khiến những người trẻ bên cạnh ganh tỵ, trêu nghẹo. Bà nghe thấy ngượng ngùng nói ông buông tay. Ông cười hề hề kéo tay bà lại, ai thấy cảnh này họ cũng bất chợt hạnh phúc thay ông.

Roi nuoc mat hinh anh cu ong nam chat tay vo trong phong cap cuu
"Tôi phải luôn bên cạnh, bà ấy mới không thấy sợ bệnh viện"
Roi nuoc mat hinh anh cu ong nam chat tay vo trong phong cap cuu
Vì vậy ngoài việc đứng cạnh để bà yên tâm, những đồ vật yêu thích của bà ông cũng không để ai giữ giúp.

Khoảng hơn 20 phút, bác sĩ đến thăm khám lần nữa, yêu cầu ông ra ngoài đợi để đẩy bà vào sâu bên trong phòng cấp cứu. Đó là phòng cách ly, bất kỳ người thân nào cũng không được đi chung. Ông nhẫn nại: “Cho tôi đứng với bà ấy thêm tí nữa nhé. 5 phút thôi, tôi muốn nói với bà ấy một đôi điều. Tôi cảm ơn bác sĩ”.

Được sự đồng ý, ông Lắm cúi xuống cạnh bà Thơ, ông thì thầm vào tai bà, bà khẽ gật đầu. Nói xong, ông Lắm hỏi y tá cách ráp thành ngăn của băng ca, rồi tự tay kéo thanh sắt lên cho vợ.

Cẩn thận, ông thử lắc lư thành băng ca, đảm bảo chúng không rớt xuống rồi mới chịu ra ngoài. Ông sợ bà Thơ choáng váng rồi ngã xuống đất, bước được vài bước, ông lại xoay qua nhìn vợ mình cho tới khi cánh cửa phòng cấp cứu khép lại.

Roi nuoc mat hinh anh cu ong nam chat tay vo trong phong cap cuu

Đi vòng ra phía sau phòng cấp cứu đợi bác sĩ gọi tên vợ mình, ông Lắm đi tới đi lui, nhấp nhổm nhón chân nhìn vào khe cửa. Nơi vợ ông nằm đau đớn một mình, con của ông xót cha, đến dìu ông ngồi nghỉ.

“Sao tôi có thể ngồi được, vợ tôi bên trong, cách nhau cánh cửa nhưng thấy xa xôi lắm. Tội nghiệp bà ấy, mỗi lần đau nhức đều phải có tôi. Tôi cũng phải ở bên cạnh bà ấy tôi mới yên lòng”, ông Lắm nhón nhón chân nhìn về phía cửa.

Phạm An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI