Thời điểm này năm ngoái, nhà tôi có con gái chuẩn bị thi tốt nghiệp phổ thông trung học nên cả nhà cũng phập phồng theo con. Đó là do lịch thi luôn bị hoãn, dời theo tình hình dịch COVID-19.
Năm nay, kế hoạch nghỉ hè, về quê thăm ông bà nội ngoại của các cháu cũng đành gác lại chờ lệnh của chính quyền. Ngày đầu, thực hiện giãn cách, chúng tôi thiết lập kế hoạch dự phòng để sẵn sàng cho thời gian làm việc và tự học ở nhà trong vài tháng tới, thậm chí đến cuối năm nay.
Trong kế hoạch sắp xếp, tổ chức lại cuộc sống theo tình hình mới, các nhu cầu ăn - mặc - ở được điều chỉnh cho phù hợp với việc sống cùng nhau nhưng bớt đau đầu vì những chuyện không đâu. Chúng tôi xác định phải nắm tay cùng nhau vượt qua mùa dịch, mà mùa này chắc còn dài lắm.
|
Ảnh mang tính minh họa. SHUTTERSTOCK |
Chuyện ăn uống ngày thường đơn giản chỉ là gặp nhau ngày hai bữa sáng - tối, nay ăn chung thêm bữa trưa nên mọi thứ cần “quán triệt tinh thần” hẳn hoi.
Chuyện ăn ngày ba bữa ăn khiến “bà nội trợ rối não chớ chẳng chơi”. Nhà ít người cũng khó mà nhiều người cũng khó luôn.
Lót lòng bằng món gì? Cơm, cháo, bún, phở, xôi, bánh… Lên thực đơn không cầu kỳ, để dành thời gian làm thêm nhiều việc khác, có khi “bà chủ bếp nhà mẹ Ti” (cách gọi thân thương của các con dành cho mẹ) phải mạnh mẽ quyết liệt ra chỉ thị: ai không thích ăn thì tự nấu món mình thích.
Nhà mình, chưa đến nỗi khó khăn vì còn có thu nhập ổn định và có tích lũy nhưng trong thời điểm này, cũng cần chi tiêu tiết kiệm hơn để có thể chia sớt được với nhiều người gặp khó khăn (vài ba ký gạo, chai mắm, chai dầu…).
Nấu ăn ở nhà, “cái khó ló cái khôn” là cơ hội cho ta ăn lành mạnh, vệ sinh, linh động đổi món: xôi bắp, xôi đậu, xôi lá cẩm... các món mắm kho, tương cà...
Người nội trợ còn tính luôn là ăn sao cho đảm bảo dưỡng chất, tăng đề kháng mà không tốn nhiều tiền. Chẳng hạn, thường ngày những món trứng chiên, ốp la… nay thay bằng trứng gà trộn tía tô, ngải cứu, hành tây... áp chảo.
Tôi chọn cây trái theo mùa. Chuối có quanh năm, cứ để sẵn trong nhà một nải, ai cũng ăn được lại khỏi tốn thời gian xắt gọt. Mùa hè là mùa của bơ, xoài, mận, ổi... ăn trái cây vừa ngon, bổ lại rẻ. Nấu mấy chén chè đậu, nha đam... giải nhiệt mùa hè, lại bổ sung năng lượng cho bạn nhỏ ở tuổi đang lớn.
Nước chanh tươi, chanh muối, nước lá tía tô, nước mơ... là những thức uống dễ làm, rẻ tiền, cần là có. Lưu ý những lúc lặt rau thơm, vắt chanh nên để dành thân, gốc già, vỏ chanh để cho khô, lúc cần nấu nồi nước xông cho khỏe là có nguyên liệu liền.
Chuyện ăn uống chắc cũng ổn, dù không thể chiều hết mọi sở thích được, “chín người mười ý” mà. Chuyện học tập, làm việc, vui chơi mới là chuyện lớn đó.
Ngày trước, sáng sớm ai nấy đều tập trung ăn sáng cho xong để rời nhà đi học, đi làm. Nay người thức dậy sớm, trễ và mỗi người có lịch học tập, làm việc riêng. Bởi vậy, cần đưa ra những quy định thật cụ thể: giờ ăn sáng, ăn trưa để khỏi ảnh hưởng đến thời gian biểu.
Nhà có người lớn và sinh viên vẫn phải làm việc, học theo hình thức online, nhiều khi phải họp trực tuyến với các cơ quan, công sở... Vì vậy, cần phải cho các thành viên khác trong gia đình biết giờ nào mình cần không gian riêng tư, không bị tiếng ồn của ti vi, cần nhường máy, nhường phòng, để khỏi ảnh hưởng đến công việc cũng như chất lượng học tập.
Khó là vậy, nhưng đây vừa là thách thức, vừa là cơ hội để mỗi thành viên trong gia đình thấy được cái khó của người nội trợ và cũng là dịp để mọi người chung sống vui vẻ, chia sẻ công việc nhà (phân công dọn dẹp nhà cửa, rửa chén...), tôn trọng sở thích cũng như thể hiện sự quan tâm lẫn nhau.
Chuyện mặc tạm ổn, dù không phải ủi đồ như lúc đi học, đi làm nhưng quần áo cũng cần sạch sẽ, gọn gàng để nhìn... đỡ chán.
|
Ảnh minh họa |
Với các con, nhất là bạn nhỏ đang tuổi dậy thì, việc vận động bị hạn chế, con dễ bị cuốn theo game online. Các bạn chơi chẳng cần gặp nhau cứ hẹn giờ là chơi mải mê nên mình cần giám sát và nhắc nhở con xen kẽ giữa thời gian chơi là chủ động đọc sách, chơi cờ, tập thể thao, tự học thêm ngoại ngữ hay chơi đàn, hát hò...
Chắc sắp tới, tôi cũng kiếm thêm thùng xốp để trồng ít rau cho chủ động, vì xe vận chuyển từ các tỉnh về hạn chế lắm. Như vậy, nhà vừa có rau ăn, lại bớt thời gian trống. Chăm sóc và nhìn cây lớn lên cũng rất hữu ích cho tinh thần.
Tinh thần khỏe, năng lượng tích cực cần tiết kiệm hơn, giảm chi tiêu để dành dụm, giữ sức khỏe để cơ thể cũng mạnh lên, có đủ đề kháng vượt qua mùa dịch.
Nguyễn Thị Thanh Thúy