Rồi năm tới sẽ ra sao?

01/03/2021 - 10:03

PNO - “Rồi năm tới sẽ ra sao?” - tết rồi, khi gặp nhau, chúng tôi hỏi nhau nhiều nhất câu ấy.

1.

Tôi học chuyên ngoại ngữ, tới một nửa bạn bè theo các nghề dịch vụ và du lịch, xuất nhập khẩu. Từ đầu năm 2020 tới giờ, đây là nhóm ngành “te tua” nhất.

Bị COVID-19 “vật”, Hùng “đại gia” - biệt danh của người bạn cùng lớp mà chúng tôi hay đùa trong nhóm chat - bán chiếc xe hơi đắt tiền. Hùng là người luôn tài trợ các cuộc họp lớp với số tiền hàng chục triệu đồng mỗi năm.

“Năm tới sẽ ra sao?” - tôi hỏi. Hùng thở dài kể về quá trình vợ chồng bạn gầy dựng công ty du lịch từ một đại lý vé máy bay và dịch vụ đặt phòng cho người nước ngoài. Mất hơn 20 năm, khi mọi thứ đang hanh thông thì bất ngờ các đường bay ngừng vì COVID-19.

“Ngồi chơi xơi nước suốt năm 2020, vợ chồng mình phải lôi tiền đầu tư cho tương lai ra để công ty trang trải tiền mặt bằng, lương nhân viên…”, Hùng nói. Hồi giữa năm, bạn cho cậu quý tử đang du học Mỹ về nước, vừa để tránh dịch, vừa để giữ con bên mình, vừa vì nghĩ đường xa không còn đủ tài chính.

Năm tới sẽ ra sao? - Ảnh minh họa
Năm tới sẽ ra sao? - Ảnh minh họa

2.

Cuối tuần, tôi gọi cho bạn cùng bàn hồi lớp Mười. Đầu dây bên kia, bạn nói rất to trong tiếng xe cộ ồn ào: “Cậu có tin, CEO của top các doanh nghiệp lữ hành giờ đang chở gạo, mắm đi giao, tính toán từng xu không?…”.

Thì ra, sau nửa năm án binh bất động ngóng tình hình, tới “mùa COVID thứ 2”, bạn chuyển sang bán gạo, nước mắm đặc sản. Chồng và vợ như trở lại thời sinh viên nghèo khó, đi giao hàng trong từng hẻm nhỏ, vừa kiếm chi phí trả lương nhân viên, cầm cự qua ngày vừa tạo công ăn việc làm cho nhân viên và động lực lao động ấy cũng được xem như liệu pháp giữ tinh thần tích cực. 

“Mình không cho bất kỳ ai nghỉ việc vì anh em đã gắn bó từ lúc công ty còn chưa tên tuổi, vả lại mình vốn không ngại xoay xở, còn sức thì còn làm. Từ từ sẽ có cách…”, bạn nói.

Hôm trước, tôi từ sân bay về nhà, vô tình gặp Linh, anh chàng phong lưu từng là niềm mơ ước của tụi con gái lớp tôi. Linh giờ “xập xệ” quá, mái tóc bạc đến nửa, nai lưng trên xe máy chở những cuộn vải từ Tân Bình sang Gò Vấp, nhìn chẳng khác gì một gã giao hàng nghèo rớt.

“CEO trong mơ của chúng ta đấy”, tôi gửi tấm hình chụp trộm Linh cho nhóm bạn gái, ai cũng than nhìn bạn vất vả sao mà thương quá. Hơn 40 tuổi, chưa vợ con, Linh chấm dứt 20 năm làm thuê bằng cách ra ngoài tạo dựng cơ ngơi riêng với nhóm hàng thời trang xuất khẩu vào đúng mùa dịch. Hàng loạt container hàng phải phá ra bán lẻ giá bèo. Vốn liếng tích cóp về số 0. 

Mùa dịch, nhiều ngành nghề… chết lâm sàng, hơn 100.000 doanh nghiệp rời thị trường năm 2020, đồng nghĩa phía sau đó là nợ nần, phá sản.

Kinh tế tuột dốc có thể kèm theo đổ bể hạnh phúc, gãy ngang các dự định- Ảnh minh họa
Kinh tế tuột dốc có thể kèm theo đổ bể hạnh phúc, gãy ngang các dự định- Ảnh minh họa

3.

Tôi gửi tấm hình cho Linh. Linh gửi hình mặt cười ngoác miệng: “Cậu tưởng bọn CEO lâu nay sướng lắm à? Làm chủ là chấp nhận bầm giập. Mình đã hình dung ra nhiều tình huống rủi ro trước khi bắt đầu, nên chấp nhận khó khăn một cách tự nhiên, không than vãn”.

Linh nói sẽ đổi văn phòng từ tòa nhà lớn về một căn phòng cho thuê nhỏ để tiết kiệm. Mặt bằng xưởng cũng đang tìm vị trí rẻ hơn, sẽ tuyển lại công nhân để tiếp tục sản xuất với quy mô nhỏ và quay về bán cho thị trường trong nước. “Mình vừa chung tiền nhập máy làm khẩu trang loại tốt, hy vọng loại khẩu trang thoáng mát, tiện dụng này sẽ được ưa chuộng”.

Còn con của Hùng, sau khi về nước thì tiếp tục học online để lấy bằng. Thời gian rảnh, cậu nhận các khóa dạy tiếng Anh trực tuyến cho học sinh trong quận. Cậu nhóc không chỉ giỏi tiếng Anh mà còn có tác phong “cool ngầu” nên thu hút rất nhiều bạn cùng lứa. Thu nhập của "ông con" hóa ra cao hơn cả cha lúc còn “phong độ”.

“Đấy, cứ tưởng phải nuôi thằng “gà công nghiệp” này ít nhất sáu năm nữa tới khi có cái bằng thạc sĩ, đùng một cái nó quay lại nuôi mình", Hùng cười ha hả trong lần nhóm hẹn hò cà phê. Sau đó bạn gật gù chiêm nghiệm: “Mỗi kế hoạch cho cuộc đời đều có thể đổ bể vì những lý do ta không thể lường…”.

Vợ chồng Hùng đều giỏi ngoại ngữ, vợ lại có bằng sư phạm Anh văn, toàn bộ nhân viên làm tour nước ngoài nên đều có thể trợ giảng. Có lẽ vợ chồng Hùng sẽ theo con, mở các lớp ngoại ngữ trực tuyến theo từng đối tượng và độ tuổi, chờ ngày quay về với dịch vụ du lịch. 

Hóa ra trong khó khăn vẫn luôn có lối mở cho những ai không ngừng cố gắng và vận động, cho dù năm tới có ra sao. 

Minh lê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI