Rồi má nấu cơm mới cho ăn…

02/10/2023 - 18:14

PNO - Ngày nhỏ ở quê, tôi “sợ” nhất mùa gặt. Gặt hái kiểu thủ công cực lắm. Lúa gặt bằng liềm, bó, gánh về nhà. Gặt ban ngày; ban đêm tranh thủ đập, giũ để tách hạt lúa ra khỏi thân cây.

Ngày nhỏ ở quê, tôi “sợ” nhất mùa gặt. Gặt hái kiểu thủ công cực lắm. Lúa gặt bằng liềm, bó, gánh về nhà. Gặt ban ngày; ban đêm tranh thủ đập, giũ để tách hạt lúa ra khỏi thân cây.

Ngày nắng đổ lúa ra phơi, chừng nào cầm hạt lúa đưa lên miệng cắn nghe kêu “cốc” mới có thể đem đi xay, giã ra “thành phẩm” cuối cùng là hạt gạo. Kể thì nhanh, nhưng làm mới biết lâu, biết cực.

Gặt lúa, gánh lúa ngoài đồng về là chuyện của người lớn. Nhưng tới khâu đập lúa ban đêm thì lũ trẻ chúng tôi cũng phải xúm vào làm phụ cho nhanh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dụng cụ đập lúa mỗi người 2 chiếc bàn cào “chuyên dụng”. Bàn cào nhỏ, cán cầm vừa tay như 2 chiếc gậy chống; phía lưng bàn cào dùng đập cho lúa hạt rụng ra khỏi bó. Phía răng cào dùng để cào rơm.

Bắt đầu, người đập giữ chắc gốc bó lúa dưới chân, vung 2 bàn cào đập lia lịa vào phần ngọn bó cho rơi gần hết hạt. Tiếp theo dùng 2 chân khéo léo cuộn, đạp lăn tròn phần rạ bên trong còn sót lúa. Lúc này, 2 cây cào biến thành gậy chống giữ thăng bằng, thi thoảng sẽ hỗ trợ thêm cho khâu đạp bằng cách vung, đập bình bịch vào cuộn rạ dưới chân.

Lăn, đập vài vòng cho tới lúc rạ mềm nhũn ra, ước chừng hạt lúa đã rơi hết mới thôi. Dùng 2 chiếc bàn cào xốc, vung cuộn rạ (giờ đã nhũn thành rơm) sang cho người giũ rơm, đập tiếp bó khác. Việc không quá nặng, nhưng do lặp đi lặp lại mãi những động tác đều đều, đơn điệu nên chán. May nhờ trời đêm mát mẻ, cộng với việc được chuyện trò rôm rả nên quên bớt nỗi nhọc nhằn.

Vậy nhưng, vào những đêm trăng lại khác. Trăng quê xưa, nhất là trăng thượng tuần, đẹp lắm. Ngày ấy quê chưa có điện và đập lúa vào những đêm không trăng buộc phải thắp đèn dầu. Đèn dầu có thắp… 10 cây cũng không thể sánh cùng ánh sáng trăng: mát mẻ bàng bạc, dịu dàng lan tỏa khắp đất trời.

Những đêm trăng như thế, không đợi mẹ phải “lùa”, lũ trẻ cũng xúm ra sân đập lúa. Bình bịch tiếng đập, rào rào tiếng giũ, hòa trong thanh âm rộn rã nói cười cùng tiếng chí chóe của lũ trẻ con vừa làm vừa giỡn. Không chỉ người nhà: hàng xóm thấy trăng đẹp cũng sang chơi hoặc phụ một tay làm giúp.

Bác Hai vừa đập lúa vừa kể chuyện tiếu lâm khiến mấy thím mấy cô đang ngồi giũ rơm thi thoảng lại phá lên cười như nắc nẻ. Không khí lao động khẩn trương mà sao vẫn không thấy mệt. Đống lúa bó to ụ giữa sân cứ vơi dần, vơi dần, tới lúc trăng lên đỉnh đầu cũng vừa vặn sạch trơn.

Ảnh mang tính minh họa - BeoAI.Bing
Ảnh mang tính minh họa - BeoAI.Bing

Xong! Anh Ba ném đôi bàn cào vô góc nhà, khoái chí nằm ình lên đống rơm mới giũ xong, ngửa mặt nhìn trăng, nói giờ nằm đây ngủ luôn một giấc là “y bài”.

Đợt gặt lúa nào trúng mùa trăng hạ huyền, má sẽ kêu cả nhà đầu hôm ngủ sớm, khuya canh thức dậy đập lúa lúc trăng lên. Cũng là đập lúa dưới trăng nhưng không có bà con hàng xóm tham gia nên kém vui. Bù lại, bữa sáng hôm sau má sẽ “bồi dưỡng” cho cả nhà bằng nồi cơm gạo mới thơm nức mũi.

Biết tính tôi rất thích ăn cơm gạo mới nên mỗi lần khuya kêu dậy đập lúa mà tôi mê ngủ, má luôn dỗ dành: dậy ráng làm chút cho xong, rồi má nấu cơm mới cho ăn… 

N Y Nguyên

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI