Rối loạn chuyển hóa bẩm sinh

21/11/2015 - 09:17

PNO - Các rối loạn chuyển hóa hoặc các rối loạn chuyển hóa bẩm sinh (RLCHBS) là do sự tắc nghẽn một con đường chuyển hóa thiết yếu của cơ thể.

RLCHBS có hơn 1.000 bệnh khác nhau, với tỷ lệ mắc là 1/500. RLCHBS chiếm 20% số trẻ sơ sinh được chẩn đoán “nhiễm khuẩn huyết” và là một trong các nguyên nhân phải điều trị tại khoa hồi sức cấp cứu. Hậu quả rất nặng nề, có thể khiến trẻ kém phát triển tâm thần vận động, thậm chí có thể gây tử vong.

Tại Việt Nam, RLCHBS chưa được quan tâm đúng mức, bệnh thường được phát hiện muộn nên khả năng phục hồi kém, mất nhiều thời gian. Trên 90% số ca bệnh chưa được phát hiện trong cộng đồng.

Từ tháng 11 năm 2004 đến tháng 4 năm 2014, BV Nhi Trung ương đã sàng lọc 1.953 trẻ sơ sinh có nguy cơ cao và những bệnh nhi có triệu chứng nghi ngờ, phát hiện 185 trẻ (9,5%) bị RLCHBS; trong đó 99 trẻ (53,5%) mắc các bệnh axít hữu cơ máu, 32 trẻ (17,3%) mắc các bệnh axít amin máu, 25 trẻ (13,5%) bị thiếu hụt chu trình urê và 29 trẻ (15,7%) mắc các bệnh axít béo.

Roi loan chuyen hoa bam sinh
Tại Việt Nam rối loạn chuyển hóa bẩm sinh chưa được quan tâm đúng mức, bệnh thường phát hiện muộn

Nguyên nhân gây bệnh liên quan nhiều đến tiền sử gia đình, với các triệu chứng:

- Giai đoạn sơ sinh trẻ có biểu hiện: bú kém, bỏ bú hoặc nôn; giảm trương lực cơ; bất thường hô hấp, ngừng thở; bệnh não tiến triển hoặc co giật. Bệnh cảnh lâm sàng thường nhầm với nhiễm trùng nặng.

- Ở trẻ lớn hơn: nôn, mất nước nặng; triệu chứng giống như đột quỵ; suy gan và thận cấp; bệnh lý cơ tim; bệnh lý não và co giật.

Các triệu chứng có thể âm thầm: chậm phát triển tinh thần hoặc thoái triển; gương mặt thô bất thường hoặc bất thường xương; rối loạn tâm thần.

Bất thường về chuyển hóa cũng có thể xuất hiện sau một thay đổi về chế độ ăn: ví dụ sau khi chuyển sang chế độ ăn đặc, nhịn đói hoặc sau hoạt động thể lực gắng sức. Thèm hoặc từ chối loại thức ăn nào đó.

Hầu hết các rối loạn là do di truyền lặn nhiễm sắc thể thường. Nhiều trường hợp RLCHBS biểu hiện ở tuổi sơ sinh hoặc sau đó một thời gian ngắn. Tuy vậy, bệnh nhân cũng có thể xuất hiện triệu chứng muộn hơn. Việc điều trị và theo dõi các rối loạn chuyển hóa có thể rất phức tạp và cầ  có sự kết hợp chặt chẽ của các bác sĩ chuyên khoa về chuyển hóa.

BS Vũ Chí Dũng  (Trưởng khoa Nội tiết - chuyển hóa - di truyền, Bệnh viện Nhi Trung ương)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI