“Rối hơi” nhưng vẫn là điểm tựa vững chãi

18/05/2023 - 06:44

PNO - Ở tuổi 40 chị mới nhận ra điểm tựa tinh thần của phụ nữ không phải người đàn ông vai u thịt bắp, dày dạn trường đời, mà là những người "giỏi chống lưng" cho vợ.

Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Mỗi khi cửa hàng khai trương, người chủ thường thuê rối hơi đứng tươi cười, vẫy vẫy thu hút sự chú ý và chào mời khách. Đối với chị Hoàng Loan (bán tiệm bánh ở quận Tân Bình, TPHCM), rối hơi luôn tạo ấn tượng mạnh mẽ nơi chị, nhưng không phải ấn tượng về sự hân hoan mà lại gợi điều gì đó giả tạo, rỗng tuếch, không thực chất, thậm chí yếu ớt. Có khi máy thổi khí dưới chân suy yếu, rối hơi xẹp dần, nhăn nhúm, thậm chí té lên té xuống trông khá thảm hại. Rồi một ngày, chị Hoàng Loan được/bị nhỏ bạn thân làm mai cho một người mà ấn tượng lần đầu giáp mặt, chị cảm nhận về anh như một… rối hơi.

Chị mặn mà, rắn rỏi, dạng “thả vào môi trường nào cũng sống được”; còn anh khá bẽn lẽn, ngại ngùng, ăn nói nhỏ nhẹ, nước da lại trắng hồng như con gái. Dù không phải “thầy bói”, chị Loan đoan chắc tuýp người như anh sẽ không quyết đoán, mạnh mẽ và không thể là điểm tựa cho vợ con. Thử mà xem có đúng như mình xủ quẻ không, chị thử và cứ cuốn vào trò “thử”, “để coi sao” riết yêu anh lúc nào không hay và 2 người cưới nhau, sinh lần lượt 2 cô công chúa.

Càng chung sống với anh, chị càng xấu hổ về sự hố hàng, “trông mặt mà bắt hình dong” của mình thuở mới quen. Bản lĩnh sống của anh giấu sau vẻ ngoài ôn hòa, bình lặng. Chiều đi làm về, thấy chị bán bánh còn ê hề và gương mặt không giấu được lo âu, rầu rĩ, anh hỏi liền: “Nay bán chậm hả em?”. Chị sắp khóc, nói: “Nay là ngày chay mà em quên, lại làm quá nhiều bánh ngọt rắc chà bông, ịn xúc xích”.

Anh cất ba lô rồi quay ra hô hào, rao bán, chào mời khách cùng chị. Anh đề nghị chị giảm giá, lời ít lại nhưng khỏi phải ôm hàng vì loại bánh này để qua đêm không còn ngon và không an toàn cho thực khách. Anh lấy giấy viết liền bảng giá mới đặt tại quầy. 

Khách ghé vào xem, anh thú thật lý do bán giảm giá là lỡ làm quá nhiều bánh mặn vào ngày chay, chứ không phải vì bánh kém chất lượng. “Vợ tui chỉ lo nhớ tui, không thèm nhớ hôm nay là rằm gì hết” - anh dí dỏm chọc vợ trước mặt khách khiến chị đang ỉu xìu cũng bật cười. 

Hoàng hôn dần về đêm tối, anh nhanh nhẩu đi gắn thêm đèn cho tiệm bớt đìu hiu. Vợ chồng bán đến 21g thì số bánh cũng vơi đi, còn ế lại 4 cái bánh đúng bằng nhân khẩu trong nhà. “Có chồng chống lưng đỡ khổ cho em ghê” - chị nhúi đầu vào vai anh nũng nịu. Anh không kể công cũng không la rầy chị, chỉ nhắc chị mai mốt rút kinh nghiệm cài nhắc nhở để điện thoại báo khi đến ngày chay.

Nụ cười ấm áp của anh đưa chị vào giấc ngủ ngon, còn anh thì phải thức để làm tiếp mớ hồ sơ còn dang dở. Dù bằng tuổi nhau nhưng anh chín chắn trong suy nghĩ và hành động hơn chị rất nhiều, ngược hẳn với suy đoán lúc đầu của chị.

Anh luôn đưa ra lời khuyên kịp thời, chính xác cho chị trong kinh doanh; chọn sản phẩm mũi nhọn, giao tiếp với khách hàng hay đối đãi với gia đình đôi bên, bạn bè, hàng xóm. Biết bé thứ hai lại là con gái, đáp lại những tiếng thở dài xen lẫn mỉa mai của họ hàng, anh tươi cười nói: “Sau này 3 mẹ con nó hè nhau ăn hiếp tui có phải là tui khó sống không chứ?”. 

Chị từng mê vẻ ngoài phong trần, từng trải mà chọn lầm một người. Chị từng tưởng sẽ được che chở, bảo bọc; tưởng sẽ tựa vai nhau đi suốt cuộc đời. Cái giá cho 4 năm chạy theo mối tình “già nhân ngãi non vợ chồng” ấy là hầu hết số tiền chị tích lũy ra đi và tinh thần suy sụp, rã rời vì anh luôn cho rằng chị sai, chị lỗi, chị “óc trái nho”.

Nhớ lần chị lỡ đặt cọc 1 căn hộ chung cư, định “lướt sóng” thời gian ngắn sẽ bán lại kiếm lời, nào ngờ không bán được, mà số tiền đợt tiếp theo đã phải đóng. Rối trí, chị thú thật và cầu cứu “chồng hờ” nhưng ông ta không hề giúp, chỉ chửi chị ngu, ra đường toàn bị gạt. Ông ta đã rời xa ngay khi ba chị bị tai biến, cần nhiều công sức và tiền bạc để chữa trị.

Không dễ để chị cất đi nỗi ám ảnh đoạn đời gắn với người đàn ông thô lỗ, chuyên đổ lỗi và bỏ mặc người phụ nữ trong nghịch cảnh. Thế nên cả trong mơ, chị cũng không thấy được cảnh một ngày mình có thể dựa nhờ chồng, mà lại là chú “rối hơi” yếu mềm, xì xẹp chị đã hấp tấp định danh ngày mới gặp.

Ở tuổi 40 chị mới nhận ra điểm tựa tinh thần của phụ nữ không phải người đàn ông vai u thịt bắp, dày dạn trường đời mà là người biết cân bằng cảm xúc, luôn sáng suốt tìm giải pháp để mình và người thân yêu thành công, hạnh phúc hơn. 

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI