Rồi hai đứa thương nhau - hai người đồng chí

30/12/2021 - 05:28

PNO - Có đêm, trong giấc ngủ, anh ú ớ, lại còn quơ chân động tay. Chị giật mình tỉnh giấc hỏi chuyện gì. Vài giây sau, hoàn hồn, anh thú thiệt vừa mơ thấy đang phục vụ trong bệnh viện dã chiến như mấy tháng trước. Đang đem cơm nước cho bệnh nhân, sợ trễ giờ, mọi người đói bụng nên anh phải “vắt chân lên cổ” mà chạy.

 

Vợ giận một, lo đến mười

Không hẹn mà gặp, chị cũng thường có những giấc mơ “đề tài” phòng, chống COVID-19 như anh, chỉ khác là chị không phục vụ trực tiếp cho bệnh nhân mà đứng gác ở chốt đường vào giữa năm 2021. Những ngày tháng gian nan, vất vả nơi tuyến đầu chống dịch đã thành ký ức trong lòng cặp đôi quân nhân này.

Từ giữa tháng 7/2021 đến đầu tháng 11/2021, đại úy Đặng Quốc Phong (chính trị viên phó của Ban Chỉ huy Quân sự Q.Phú Nhuận, TP.HCM), được phân công đến Bệnh viện Dã chiến số 11 (TP.Thủ Đức, TP.HCM) để phụ trách hậu cần: bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh, tiếp nhận bệnh nhân, đưa nước, thức ăn, giao nhận đồ của thân nhân... Có ngày, thang máy chung cư trở chứng, anh em bộ đội phải hì hục khiêng vác đồ từ cổng bệnh viện lên 24 tầng lầu cho bệnh nhân.

Cùng con gái Đặng Quốc Uyên Nhi
Cùng con gái Đặng Quốc Uyên Nhi

 

Số điện thoại của anh trở thành số liên lạc các vấn đề hậu cần. Các thân nhân với trạng thái lo âu, hoang mang đã gọi hàng trăm cuộc điện thoại mỗi ngày khiến điện thoại anh luôn nóng như hòn than. Cứ mỗi bữa cơm, anh và điện thoại cùng nạp năng lượng mới đủ pin. Cuống cuồng với công việc, có khi tạm xong, anh định gọi cho vợ - thượng úy Nguyễn Thị Ngọc Uyên (Ban Chỉ huy Quân sự Hóc Môn, TP.HCM) thì đã  khuya. Sáng ra, anh liền gọi bù để vợ không giận. Mà thật ra anh biết chị sẽ thông cảm, giận chỉ một mà lo đến mười khi anh trực chiến ở tâm dịch.

Mùa COVID-19, vợ chồng ở tuyến đầu gọi nhau cũng chỉ như điểm danh: hỏi thăm vài câu, thấy mặt, nở một nụ cười chứ không kịp tâm sự, kể chuyện. Gần bốn tháng ròng, vợ chồng không được gặp nhau dù vẫn công tác trong cùng thành phố. Qua camera điện thoại, anh thấy chị với màu áo xanh, mái tóc đen nhánh cột gọn gàng, giản dị luôn kiên cường ở chốt trực, đội mưa đội nắng, đối mặt gian nguy. “Ở hai đầu nỗi nhớ”, anh chỉ biết gửi yêu thương qua lời dặn mộc mạc: “Ráng cẩn thận, giữ gìn sức khỏe, mai mốt tình hình dịch bệnh ổn anh về”.

Với anh Quốc Phong, phòng, chống COVID-19 như một cuộc chiến tranh, không tiếng súng, không biết kẻ thù ở đâu nhưng vô cùng khốc liệt. Có khi nghe báo cáo của thành phố, anh lặng đi với những trường hợp cả gia đình qua đời vì COVID-19. “Thời gian qua, may mắn vợ chồng tôi, gia đình nội ngoại vẫn ổn. Cuộc sống quý giá, gia đình quý giá, qua cuộc chiến không tiếng súng này, tôi lại càng thấm thía hơn và càng cố gắng gìn giữ những gì mình đang có”, anh Quốc Phong bộc bạch.

Lời cầu hôn đặc biệt: “Em ở thì anh ở”

Anh Quốc Phong và chị Ngọc Uyên quen nhau khi chị cùng đơn vị đến tập huấn tại Sư đoàn 317 (cũng ở huyện Hóc Môn, nơi anh Phong đi nghĩa vụ quân sự). Chị ấn tượng về anh là một người lầm lì, chẳng nói chẳng rằng trong khi các anh khác cùng đơn vị thì vui vẻ, cởi mở, hết sức thân thiện, dễ thương. Chị nào biết rằng anh đứng từ xa, âm thầm ngắm chị thật nổi bật trong màu áo xanh, toát ra vẻ mạnh mẽ oai dũng khó cô gái nào bì được. Anh tự cho mình là người không hoạt ngôn, đôi lúc yếu thế trong giao tiếp nên cần đi bên cạnh một phụ nữ bản lĩnh, mạnh mẽ như vậy.

Anh thỉnh thoảng đến nhà chị chơi hoặc hẹn hò cà phê gần đơn vị để canh giờ điểm danh kịp vọt về. “Tình trong như đã” nhưng chưa một lần chính thức bày tỏ để gần đến ngày anh xuất ngũ vào năm 2000, tâm trạng hai người cứ băn khoăn, rối bời bởi ngày xa nhau đã cận kề.

Chị đến chia tay và mạnh dạn hỏi: “Anh tính về hay ở lại?”. Anh đáp ngay: “Em ở thì anh ở”. Chị cười tươi, đôi mắt ánh lên vẻ quyết tâm: “Em ở lại phục vụ quân đội chứ. Em trụ dữ lắm à! Suốt đời luôn!”. Thật ra anh Quốc Phong đã chọn ở lại quân ngũ, nhất là khi các chú bác đi trước thuyết phục, vận động. “Em ở thì anh ở” câu trả lời mới nghe có vẻ phụ thuộc nhưng mục đích là muốn “thử lòng” cô bộ đội thôi. Với một trái tim đang bồi hồi, xao xuyến, đó hẳn là lời cầu hôn còn gì!

Trước câu hỏi về thuận lợi và thử thách khi cả hai vợ chồng đều công tác trong quân đội, chị Ngọc Uyên tươi cười chia sẻ: “May mắn là vợ chồng mình công tác gần nhau, ban ngày đi làm, buổi tối cùng về nhà nên hầu như rất thuận lợi để vun đắp hạnh phúc. Do cùng ngành nên nhiệm vụ của chồng cũng là nhiệm vụ của vợ, rất dễ thấu hiểu và đồng cảm. Không có gì lập lờ về giờ giấc, mối quan hệ, tiền lương... để đối phương phải đặt câu hỏi. Hơn nữa quân đội có kỷ luật, có giới hạn giúp mỗi quân nhân nghiêm khắc giữ mình, cũng là giữ những phẩm chất cần có trong hôn nhân như lòng chung thủy, bình đẳng, tôn trọng, 
trách nhiệm...”. 

Vợ chồng đại úy Đặng Quốc Phong luôn đồng hành bên nhau trong màu xanh quân phục
Vợ chồng đại úy Đặng Quốc Phong luôn đồng hành bên nhau trong màu xanh quân phục

 

Để có thêm thu nhập, ngoài giờ làm việc, chị Ngọc Uyên bán nhiều loại bánh, khô, mắm... Anh Quốc Phong tự hào khoe mình làm shipper cho vợ khi tiện đường đi làm chở hàng giao khách. Có được ít tiền lãi, chị công khai, báo cáo cho “đồng chí chồng” và cả nhà tự thưởng bằng bữa ăn kha khá. 

Hạnh phúc của cặp đôi quân nhân còn được gia cố bởi hai đại gia đình rất thuận hòa, đầm ấm. Anh Quốc Phong thường tranh thủ tuyên dương “hậu phương” là mẹ vợ. Là một thợ may, lắm lúc bà kiêm nhiệm vụ quan tòa khi phân xử, khi xoa dịu chị Uyên đang giận chồng, ức chế; khi la ngược lại chị Uyên: “Thằng Phong làm vậy đúng rồi, chỉ có con là ngang bướng thôi!”.

Trong đợt cao điểm giãn cách thành phố, chị Uyên trực chốt về đến hiên nhà là có sẵn nước muối để súc họng, nước gừng để uống tăng đề kháng, chai sát khuẩn để xịt toàn thân mẹ chị chuẩn bị sẵn. Khi anh Quốc Phong “đóng quân” trong bệnh viện dã chiến, bà đứng ngồi không yên, lo con rể có an toàn không, có ăn ngủ được không, sụt mấy ký... Nghe buổi sáng anh test là bà canh buổi chiều hỏi kết quả ngay.

Sống trong tình thương của ba mẹ vợ, anh Quốc Phong cảm thấy thoải mái, tự tin. Có lần chị Ngọc Uyên bàn chuyện thuê nhà ra riêng để anh khỏi sống cảnh ở rể, anh Phong gạt ngang: “Ba mẹ lớn tuổi, đau yếu, mình phải ở chung để chăm chứ sao bỏ hai người già tự lo được. Như hồi ba té, đầu chảy máu nhiều, em có biết nghề điều dưỡng đã sơ cứu cho ba liền đó”.
Anh Phong hài hước chia sẻ rằng ở chung với ba mẹ vợ còn có cái hay là vợ chồng hục hặc nhau không dám cự liền, sợ người lớn nghe, hẹn lại thời cơ khác sẽ phân minh ai đúng ai sai rồi cũng quên béng, chẳng nhớ nổi vì chuyện gì mà cãi. 

Tô Diệu Hiền

Cũng có lúc tôi yếu đuối...

“Tôi vốn cứng rắn, chẳng bao giờ than thở hay giả bộ yếu đuối để người khác quan tâm, nhưng không ngờ có lúc lại suy sụp, hoang mang. Đó là lần tôi vào Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM để mổ bướu ở ngực. Dù tôi thường khuyên người khác hãy mạnh mẽ đối mặt, nhưng khi chính mình rơi vào nghịch cảnh, tôi gần như gục ngã. Dù tôi giả lả nói đùa với chồng rằng “đợt bệnh này em có cơ hội giảm cân nè”, anh vẫn cảm nhận rõ sự lo lắng tột độ của tôi qua biểu hiện tinh thần sa sút, không ăn được, ngủ được.

Thế là anh chăm chút, dỗ dành, dụ tôi ăn như một đứa bé, anh thỏ thẻ khuyên nhủ: “Từ từ đợi kết quả bác sĩ báo, em cứ tập trung ăn uống cải thiện sức khỏe rồi mọi chuyện sẽ qua thôi”. Tôi cảm động, không ngờ anh ít nói mà tinh tế và chu đáo đến vậy. Ngày bác sĩ trả kết quả “bướu lành”, tôi mừng quá ôm chầm anh mà reo. Khỏi phải nói anh mừng như thế nào, sau nhiều năm mà giờ tôi vẫn nhớ như in gương mặt anh lúc ấy.

Tôi kể với mọi người rằng nhờ anh quan tâm, chăm lo, nâng đỡ tinh thần, tôi mới vượt qua được. Anh cười hề hề, đáp lại: Thì vợ mình mình lo chứ người ta mà nhảy vô lo là... chết mình luôn à!”.

Nguyễn Thị Ngọc Uyên 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI